(Tổ Quốc) - Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, các chương trình, đề án lớn về văn hóa được xây dựng và tổ chức, thực hiện, bước đầu tạo sự chuyển biến tích cực trong đời sống văn hóa của người dân.
Sáng 21/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV đến hết năm 2023.
Báo cáo tổng hợp nội dung thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Báo cáo ý kiến của Ban Dân nguyện về việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến hết năm 2023, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành giám sát việc thực hiện 06 nghị quyết về giám sát chuyên đề và chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến hết năm 2023, liên quan tới 9 lĩnh vực: công thương; nông nghiệp và phát triển nông thôn; văn hóa, thể thao và du lịch; tư pháp; an ninh, trật tự, an toàn xã hội; nội vụ; thanh tra; tòa án; kiểm sát.
Các báo cáo của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã cơ bản bám sát các nội dung trong nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đã khái quát được những kết quả, thành tựu, chỉ ra một số hạn chế, bất cập và nguyên nhân; đồng thời, xác định rõ các giải pháp tiếp tục thực hiện trong thời gian tới.
Về kết quả đạt được, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết đối với lĩnh vực công thương, nhiều đề án về bảo đảm an toàn, an ninh năng lượng được phê duyệt. Giá xăng dầu trong nước đã cơ bản bám sát giá thế giới; nguồn cung xăng, dầu cơ bản được bảo đảm.
Đã tăng cường việc kiểm tra, kiểm soát đối với hàng hóa nhập khẩu; chống: nhập lậu, hàng giả, gian lận thương mại, hàng kém chất lượng. Hệ thống cơ sở dữ liệu trên Cổng thông tin quản lý hoạt động thương mại điện tử được xây dựng. Thực hiện hiệu quả việc cung cấp thông tin về thị trường, ngành hàng, đặc biệt là các thị trường xuất khẩu quan trọng và một số thị trường mới.
Đối với lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn: Đã phê duyệt Chương trình quốc gia bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2030 và Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Các rào cản kỹ thuật về an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm được tập trung giải quyết để mở rộng thị trường tiêu thụ nông, lâm, thủy sản trong và ngoài nước. Hoạt động tái tạo nguồn lợi thủy sản tiếp tục được các địa phương quan tâm triển khai...
Đối với lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch, việc thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị, Luật Du lịch, các chiến lược, chương trình, đề án của Chính phủ về phát triển du lịch được tích cực triển khai; đã ban hành Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Giai đoạn 2022 - 2024, ngành du lịch tăng trưởng liên tục; cơ bản phục hồi so với trước khi xảy ra dịch Cocvid-19.
Việc thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển văn hóa tiếp tục được quan tâm. Các chương trình, đề án lớn về văn hóa được xây dựng và tổ chức, thực hiện, bước đầu tạo sự chuyển biến tích cực trong đời sống văn hóa của người dân. Tổ chức bộ máy và công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực văn hóa từng bước được kiện toàn và nâng cao. Công tác bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa đạt kết quả tích cực.
Đối với lĩnh vực nội vụ, việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 - 2021 đã cơ bản hoàn thành. Đến hết năm 2021, 45 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã hoàn thành việc kiện toàn tổ chức bộ máy của các cơ quan đảng cấp huyện, cấp xã cho nhiệm kỳ 2020 - 2025 và kiện toàn tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã nhiệm kỳ 2021 - 2026...
Đối với lĩnh vực thuộc trách nhiệm của Bộ Tư pháp, đã hoàn thành việc rà soát đối với 109/125 nhiệm vụ lập pháp theo Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 bảo đảm tiến độ, chất lượng; trình Quốc hội thông qua 41/43 luật và nhiều nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật. Kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật đã được chú trọng và siết chặt. Việc ban hành văn bản quy định chi tiết được quan tâm, đạt kết quả tích cực. Công tác quản lý nhà nước về giám định tư pháp được tăng cường; đội ngũ giám định viên được rà soát, kiện toàn, bảo đảm đủ số lượng, có trình độ chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Việc thi hành án hành chính tăng; tỷ lệ thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng tăng cao.
Đối với lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, chính sách, pháp luật về bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội được hoàn thiện. Bộ máy, cán bộ làm công tác pháp chế được rà soát, củng cố, kiện toàn theo hướng tinh, gọn, mạnh. Hầu hết các chỉ tiêu được Quốc hội giao trong Nghị quyết số 96/2019/QH14 đều đạt ở mức hoàn thành trở lên. Công tác phòng, chống tội phạm về trật tự xã hội được tăng cường.
Công tác phòng, chống tội phạm về kinh tế, tham nhũng, buôn lậu, ma túy, môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, sử dụng mạng viễn thông, công nghệ cao tiếp tục được chú trọng và đạt nhiều kết quả. Việc tiếp nhận, xử lý tố giác, tin báo tội phạm, kiến nghị khởi tố được quan tâm...
Đối với lĩnh vực thanh tra, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đã được các cấp, các ngành quan tâm hơn và có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là việc tiếp công dân của Thủ trưởng cơ quan hành chính nhà nước…
Đối với lĩnh vực tòa án, chất lượng xét xử các vụ án tiếp tục được nâng cao. Việc xét xử các vụ án, ra các quyết định thi hành án hình sự, hoãn, tạm đình chỉ, giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng quy định của pháp luật. Các vụ án tham nhũng, kinh tế, vụ án được dư luận xã hội quan tâm đều được đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh…
Đối với lĩnh vực kiểm sát, việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn, nhất là biện pháp tạm giữ, tạm giam cơ bản chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật. Tỷ lệ vụ án Viện kiểm sát truy tố đúng thời hạn, tỷ lệ bị can bị truy tố đúng tội danh, tỷ lệ kháng nghị phúc thẩm các vụ án dân sự, tỷ lệ kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm các vụ án hành chính được Tòa án chấp nhận đều vượt chỉ tiêu của Nghị quyết số 96/2019/QH14...
Bên cạnh những kết quả đạt được, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đã chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn theo từng lĩnh vực...