• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Các chuyên gia lo ngại sông Hồng không còn phù sa

Thời sự 05/05/2016 15:26

(Tổ Quốc)- Các chuyên gia thể hiện sự lo lắng về dự án giao thông thủy xuyên Á trên sông Hồng

(Tổ Quốc)- Các chuyên gia thể hiện sự lo lắng về dự án giao thông thủy xuyên Á trên sông Hồng mà Bộ Kế hoạch, Đầu tư vừa có báo cáo Thủ tướng.



>>Băn khoăn dự án giao thông - thủy điện sông Hồng



"Phải đặt câu hỏi cho cả trăm năm sau"

Theo GS.TS Phạm Hồng Giang, Chủ tịch Hội đập lớn Việt Nam, ông chưa có văn bản đầy đủ của dự án này nhưng nếu phát triển giao thông thủy và phát điện trên sông Hồng thì nên nghiên cứu, xem xét kỹ.

"Chúng ta cần xem xét chống lũ như thế nào vì trong điều kiện thượng nguồn họ đang làm nhiều hồ xả lũ một cách bất thường, đầu năm nay trên sông Hồng đã có chuyện như vậy" - ông Giang nói.

Thêm nữa, việc xây dựng các con đập sẽ khiến ngập một số vùng. Vậy việc này cần xử lý như thế nào để không ngập trên diện rộng vùng sông Hòng.

"Trước nay các chuyên gia đều cho rằng vị trí, địa thế, địa hình sông Hồng không thuận lợi cho việc xây đập, gây ra ngập lụt" - ông Giang cho biết.

Một nguyên nhân nữa, theo ông Giang là việc xây dựng sẽ gây ảnh hưởng tới phù sa vì hiện nay bên thượng nguồn đã làm nhiều đập gây ảnh hưởng tới lượng phù sa rồi. Giờ ta làm tiếp thì hạ du từ Việt Trì sẽ tính như thế nào?

"Nước sông Hồng giờ rất trong xanh chứ không còn đậm đặc phù sa như xưa" - ông Giang nói.



Nước sông Hồng giờ không còn đậm đặc phù sa như xưa

Trong khi đó, GS.TS Vũ Trọng Hồng, Chủ tịch Hội thủy lợi Việt Nam cho rằng, chúng ta nên xem thử việc làm thủy điện Hòa Bình thì dòng sông Hồng có bị thay đổi độ dốc không. Khi làm thực tế, lòng sông Hồng đã bị tụt xuống 1m và nước kéo theo chứ không phải lòng sông còn mà nước thấp xuống.

"Khi lòng sông tụt xuống, hai bên bờ bị phá, cửa sông bị phá, nước biển xâm lấn vào thì cả vùng đồng bằng sông Hồng như Thái Bình, Nam Định xâm nhập mặn tác động, hậu quả là khôn lường" - ông Hồng phân tích.

Ngoài ra, các con đập sẽ giữ lại bùn cát, dòng sông không có các chất bồi tích và dòng sông sẽ phá sang hai bên bờ.

"Như vậy, nếu làm đập ở thượng nguồn thì chắc chắn ở hạ nguồn, tức là từ Hà Nội trở xuống sẽ đối mặt với nguy cơ bị dòng chảy khoét, dòng sông sẽ ăn sâu vào đất liền và việc phải di chuyển dân là chắc chắn" - ông Hồng nói.

Thêm vào đó, vựa lúa sẽ bị ảnh hưởng và ông Hồng cho rằng, đừng đặt câu hỏi về cái lợi hôm nay mà phải đặt những câu hỏi về cái mất để tính cho cả trăm năm sau.

Chủ dự án khẳng định không ảnh hưởng

Được biết, chủ đầu tư doanh nghiệp này là Công ty TNHH Xuân Thiện Ninh Bình.

Khẳng định dự án phù hợp với các quy hoạch, kế hoạch phát triển, dự án sẽ xây dựng 6 đập dâng nước và âu tầu, nạo vét luồng trên toàn tuyén đường thủy nội địa đoạn Việt Trì - Lào Cai (chiều dài 288km).

Đồng thời xây dựng 6 nhà máy thủy điện nhỏ (công trình thủy điện cấp II), cung cấp lượng điện năng khoảng 912 triệu KWh/năm.

Ngoài ra còn có 7 cảng dọc tuyến: Phố Mới, Apatit, Quý Xa (Lào Cai); cảng Văn Phú (Yên Bái); cảng Ngọc Tháp, Ccổ Tiết (Phú Thọ); cảng phía Bắc (Hà Nội).

Tuyến công trình giao thông thủy kết hợp xây dựng thủy điện thuộc địa bàn các tỉnh Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai, Hà Nội.

Sông Hồng bắt nguồn từ tỉnh Vân Nam - Trung Quốc ra đến của Ba Lạt (Thái Bình) dài 556 km, qua các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Hà Nội...  Đây là tuyến sông lớn duy nhất của miền Bắc có thể tổ chức liên vận hàng hóa giao thương xuyên Á với Trung Quốc và chuyến tải ra cảng biển.

Trong khi đó, khu vực Trung du miền núi phía Bắc là khu vực có nhiều mỏ khoáng sản; nhu cầu vận chuyến quặng, hàng hóa giao thương trong khu vực, hàng hóa quá cảnh từ Trung Quốc rất lớn. Sông Hồng lại chưa được cải tạo nên hàng hóa hiện nay dang phải vận chuyến bằng đường bộ và đường sắt. Các tuyến đường bộ, đường sắt hiện trong tình trạng quá tải, địa hình miền núi khó khăn, hiểm trở, thường bị sụt trượt, sạt lở về mùa mưa lũ.

"Việc đầu tư nâng cấp tuyến sông Hồng sẽ tận dụng được tiềm năng sông ngòi sẵn có, tận dụng được ưu thế của vận tải thủy trong vận tải, ít gây ô nhiễm đến môi trường. Đồng thời tạo điều kiện phát triển cân đối mạng lưới giao thông vùng miền núi phía Bắc" - chủ đầu tư cho biết quan điểm.

Dự án dự kiến thực hiện trong 6 năm (2016 - 2021), chia thành hai giai đoạn và có 31 xã ở Lào Cai, Yên Bái nằm trong khu vực bị ảnh hưởng trực tiếp do các công trình dập dâng nước, âu tầu và thủy điện của Dự án.

"Khu vực địa bàn tỉnh Phú Thọ mức độ bị ảnh hưởng không đáng kể" - Bộ Kế hoạch, Đầu tư cho hay.

Ước tính có 120 hộ dân (khoảng 600 người dân) sẽ bị di dời do nằm trong phạm vi xây dựng công trình dự án và tống mức đầu tư của dự án là 24.510 tỷ đồng. Về lợi nhuận, dự án dự tính thời gian hoàn vốn kể cả thời gian xây dựng là 25 năm.

Dự án cũng cho hay, mực nước dâng tại các vị trí đập thiết kế luôn thấp hơn mực nước lũ hàng năm, do đó ít ảnh hưởng ngập lụt, không ảnh hưởng đến môi trường và hầu như không làm thay đổi so với hiện trạng.

Những tác động của dự án đến môi trường đã được đánh giá sơ bộ cho thấy tác động tiêu cực đến môi trường là không lớn và có thể giảm thiểu… Đồng thời không gây ảnh hưởng xấu đến quốc phòng an ninh, đảm bảo các yêu cầu về quan hệ quốc tế, biên giới, an ninh với Trung Quốc./.

Song Đào

 

NỔI BẬT TRANG CHỦ