• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Các công ty của Trung Quốc cạnh tranh khốc liệt tại Việt Nam để sản xuất hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ

Kinh tế 11/06/2019 10:16

(Tổ Quốc)- Việt Nam đã trở thành địa điểm yêu thích của các nhà sản xuất Trung Quốc.

Trong quý I/2019, xuất khẩu từ Trung Quốc sang Mỹ giảm 15,2 tỷ USD, tương đương 12%. Một số người làm việc trong lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc lo ngại rằng, nếu quan hệ Trung - Mỹ tiếp tục xấu đi, hoặc Trung Quốc tiếp tục đánh mất các đơn đặt hàng từ các nước phương Tây, rất nhiều chuỗi cung ứng công nghiệp hình thành trong những năm qua sẽ tê liệt. 

Hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ gia tăng nhanh chóng kể từ khi Mỹ áp thuế gồm có gỗ, đồ may mặc và một loạt sản phẩm thượng nguồn khác từ Trung Quốc. Mặc dù xuất khẩu các hàng hóa này liên quan đến vận chuyển nguyên liệu thô, nhưng nguồn gốc xuất xứ có thể dễ dàng được che dấu đối với sản phẩm thượng nguồn vì khó nhận biết hơn thành phẩm. Hoạt động xây dựng mới hoặc mở rộng nhà máy ở châu Á từ phía Trung Quốc có chiều hướng gia tăng. Trong số các công ty Trung Quốc, Shenzhen H&T Intelligent Control -  nhà sản xuất các phụ tùng thiết bị điện và CTL Group - nhà sản xuất TV hàng đầu, đã quyết định xây dựng các cơ sở sản xuất tại Việt Nam. Việt Nam hấp dẫn các công ty Trung Quốc vì có vị trí địa lý cận kề và giá nhân công khá rẻ.

Hệ quả của sự thay đổi các tuyến thương mại này là các quốc gia châu Á ngày càng lo ngại Mỹ có thể nêu với họ tình trạng "xuất khẩu chui" này. Tháng 9/2018, Chính phủ Việt Nam đã tịch thu 600 bộ loa được đánh dấu "Made-in-China" chuẩn bị được xuất khẩu sang Mỹ. Tuy nhiên, báo chí địa phương cho biết, nhãn "Made-in-Vietnam" đã được dán thay vào những bộ loa đó.

Các công ty của Trung Quốc cạnh tranh khốc liệt tại Việt Nam để sản xuất hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ - Ảnh 1.

Đầu tư của Trung Quốc tại Việt Nam tăng mạnh phục vụ xuất khẩu sang Mỹ.

Các công ty của Trung Quốc cạnh tranh khốc liệt tại Việt Nam

Đó là nhận xét của South China Morning Post trong một bài phân tích gần đây. Ở tỉnh Bình Dương, xe tải chen chúc nhau trên một con đường dẫn đến cảng từ lúc mặt trời mọc đến lúc lặn. Trong giờ cao điểm buổi sáng và tối, ùn tắc giao thông có thể kéo dài hơn 1 giờ đồng hồ, do có quá nhiều xe tải chở hàng hóa đi và đến cảng Cát Lái, cảng biển lớn và bận rộn nhất Việt Nam. Khó khăn trong việc điều hướng con đường duy nhất này phản ánh một thách thức ngày càng lớn đối với các nhà sản xuất Việt Nam do các trung tâm sản xuất ngày càng trở nên đông đúc và đắt đỏ hơn bao giờ hết.

Một mặt, việc bùng nổ đầu tư vào Bình Dương đã giúp doanh thu của công ty xây dựng của ông Weng Caibing tăng 50% trong những năm gần đây, tuy nhiên hiện nay, công ty này đang phải đối mặt với một vấn đề nan giải: đó là ngày càng khó tìm kiếm công nhân, đặc biệt là những người biết tiếng Trung và có tay nghề cao. Bốn năm trước, tất cả những công việc sẽ được lấp đầy trong vòng 2 ngày kể từ khi công ty của ông đăng thông báo tuyển dụng ở cổng công ty; song hiện nay, thật khó để công ty có thể tìm kiếm những công nhân tay nghề cao, dù công ty đang phải trả khoảng 2.000 Nhân dân Tệ (tương đương 290 USD) mỗi tháng cho những quảng cáo việc làm.

Lượng đầu tư quá lớn từ phía Trung Quốc đã tạo nên sự cạnh tranh đối với lực lượng lao động sở tại. Ông Weng cho biết, "Trước đây, với 5 triệu đồng (tương đương 213 USD) mỗi tháng, tôi có thể thuê được một người phiên dịch giỏi, nhưng hiện nay tôi phải trả 15 triệu đồng (tương đương 638 USD). Và tôi vẫn đang loay hoay để tìm người phù hợp".

Công ty xây dựng của ông Weng cách thành phố Hồ Chí Minh khoảng 60 phút lái xe. Hiện có khoảng 30 khu công nghiệp phục vụ các công ty nước ngoài từ phía Nam Trung Quốc do muốn tránh hàng rào thuế quan cao của Mỹ. Trong 5 tháng đầu năm, vốn đầu tư nước ngoài của Việt Nam đạt 16,74 tỷ USD, tăng 69,1% so với năm 2018; phần lớn là từ các công ty của Hong Kong, với tổng số vốn khoảng 5,08 tỷ USD. Với thực tế là hầu hết các nhà máy sản xuất của Hong Kong đã được chuyển đến phía Bắc tỉnh Quảng Đông trong những năm gần đây, dễ hiểu rằng khi phần lớn khoản đầu tư đó đại diện cho các nhà sản xuất chuyển từ Trung Quốc đến Việt Nam.

Theo số liệu của Cục Đầu tư Nước ngoài, dù chỉ có 2,1 triệu dân trong tổng dân số 95 triệu dân của Việt Nam, Bình Dương đứng thứ ba, sau Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, song thu hút vốn đầu tư nước ngoài trong năm 2019 của Bình Dương đã đạt mức 1,25 tỷ USD trên tổng số đăng ký.

Đầu tư mạnh để xuất khẩu sang Mỹ

Một ví dụ về việc cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã đẩy các nhà sản xuất Trung Quốc sang Việt Nam là việc nhà sản xuất đồ nội thất hàng đầu Hong Kong, Man Wah Holdings, mua lại và mở rộng một trong những nhà sản xuất đồ nội thất lớn nhất Việt Nam vào năm 2018. Man Li Wong, một nhà sáng lập của Công ty, cho biết, việc mở rộng sẽ được tiến hành sớm nhất vào tháng 8 tới. Ông này cho biết: "Chúng tôi tin tưởng rằng việc sản xuất các mặt hàng xuất sang Mỹ sẽ được bắt đầu ở Việt Nam từ năm 2020, với công suất mở rộng tăng lên khoảng 800.000 đơn vị mỗi năm".

Tuy nhiên, sự đổ bộ của các công ty như Man Wah đã làm tăng sự cạnh tranh, khiến các công ty nhỏ gặp khó khăn trong việc thu hút lực lượng lao động. Một doanh nhân Trung Quốc có nhà máy gần nhà máy của Man Wah cho biết: "Mức lương cơ bản mỗi tháng mà Man Wah đưa ra là 8 triệu đồng (tương đương khoảng 340 USD) khi họ bắt đầu tuyển dụng vào tháng 8, sau đó được tăng lên 9 triệu và sau đó lên 10 triệu. Họ đã phá hủy cơ cấu lương địa phương và thị trường". Ông này cũng cho biết thêm: "Các nhà máy sản xuất nội thất có yêu cầu đầu vào thấp nhất - bất cứ lao động trẻ tuổi nào cũng có thể làm công việc đó. Bây giờ, người lao động có nhiều sự lựa chọn hơn vì đang có những ngành công nghiệp trung và cao cấp đến Việt Nam.

Theo Stanley Kung, Tổng Giám đốc của Ever Win Service Group, một công ty tư vấn của Đài Loan có trụ sở tại thành phố Hồ Chí Minh, "giá đất đang tăng nhưng vẫn có thể chấp nhận được, các khách hàng của tôi đang lo lắng về việc tuyển dụng lao động". Nhiều doanh nhân nói với South China Morning Post rằng giá đất công nghiệp trung bình ở Bình Dương đã tăng 80% trong ba năm, dẫn đến việc xây dựng các khu công nghiệp ở các khu vực kém phát triển hơn. Nhưng điều này tạo ra một vấn đề khác, đó là việc tìm kiếm công nhân ở những vùng xa Hà Nội và thành phố Hồ Chính Minh.

Theo ông Teng Lihao, một doanh nhân Trung Quốc đang điều hành một công ty xây dựng ở Bình Dương, "một vấn đề nữa là Việt Nam có số lượng hạn chế công nhân lành nghề và trình độ kỹ năng tổng thể của họ so với (công nhân) Trung Quốc thấp hơn nhiều. Chẳng hạn, công việc chỉ cần ba người Trung Quốc thì ở Việt Nam phải cần 5 người".

Với mức thu nhập nhân công tương đối thấp, chính phủ ổn định, và sự gần gũi về địa lý với Trung Quốc, Việt Nam đã trở thành địa điểm yêu thích của các nhà sản xuất Trung Quốc trong những năm gần đây. Tư cách là thành viên của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cũng đã giúp lôi kéo các nhà sản xuất Trung Quốc đến Việt Nam do được hưởng mức thuế quan thấp từ các quốc gia thành viên CPTPP khác./.

(Theo các báo nước ngoài)

 

Lưu Việt

NỔI BẬT TRANG CHỦ