(Tổ Quốc) - Tiếp theo chương trình làm việc, chiều 27/8, Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 6 đã cho ý kiến về dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).
Dự thảo Luật giảm 2 điều so với dự thảo luật trình tại kỳ họp 7
Phát biểu mở đầu Hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho biết, tại kỳ họp thứ 7 tháng 6/2024, Quốc hội đã xem xét, thảo luận về Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), đã có 122 lượt ý kiến đại biểu Quốc hội phát biểu tại tổ và hội trường, có 2 đại biểu Quốc hội gửi ý kiến góp ý bằng văn bản.
Ngay sau kỳ họp thứ 7 của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục phối hợp chặt chẽ với Ban soạn thảo và các cơ quan có liên quan tổ chức hội thảo và tiếp thu ý kiến các chuyên gia, các nhà khoa học để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật.
Tại phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8/2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật này. Sau phiên họp này, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các cơ quan có liên quan đã tiếp thu, hoàn chỉnh hồ sơ báo cáo Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 6.
Dự thảo luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý gồm có 9 chương với 100 điều, giảm 2 điều so với dự thảo luật trình tại kỳ họp 7, đã làm rõ và cụ thể hơn nhiều quy định so với dự thảo luật trình và cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7. Đến thời điểm hiện nay, cơ bản đã nhận được sự đồng tình của các cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra về các nội dung của dự án luật.
Làm rõ và phân loại tiêu chí, quy mô, loại hình công trình sửa chữa, cải tạo
Cho ý kiến thảo luận, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thu Hà (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh) bày tỏ quan điểm thống nhất với các nội dung tiếp thu, giải trình của cơ quan soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra. Góp ý vào dự thảo Luật, đại biểu cho biết tại Điều 28 về sửa chữa, cải tạo, xây dựng công trình trong khu vực bảo vệ di tích.
Thống nhất với nội dung tiếp thu, giải trình của cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra đã được thể hiện ở tại điểm a khoản 1 và điểm a khoản 2 của Điều 28, tuy nhiên, đại biểu đề nghị cần làm rõ và phân loại tiêu chí, quy mô, loại hình công trình sửa chữa, cải tạo hoặc là phải xác định được tiêu chí về các thủ tục hành chính, thời gian trả lời đối với từng loại hình công trình.
Quan tâm dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông) đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, chỉnh lý các quy định liên quan đến việc phân loại tiêu chí nhận diện, kiểm kê và các quy định về biện pháp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản tư liệu, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia trong trường hợp tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt, bảo đảm tính thống nhất với các quy định về nghiệp vụ lưu trữ và phát huy giá trị tài liệu lưu trữ trong Luật Lưu trữ năm 2024.
Tại hội nghị, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn) quan tâm đến các hành vi bị nghiêm cấm tại Điều 9. Dự thảo luật quy định 12 khoản về các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động di sản văn hóa, tăng 07 khoản so với luật hiện hành và giảm 01 khoản so với dự thảo luật được trình tại kỳ họp thứ 7.
Tuy nhiên, theo đại biểu, để tránh các hành vi khác có thể xảy ra ảnh hưởng đến hoạt động di sản văn hóa mà chưa được luật quy định, ban soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung một khoản mang tính chất đảm bảo được việc liên quan có ảnh hưởng đến hoạt động di sản văn hóa, đó là các hành vi khác gây thiệt hại, ảnh hưởng đến di sản văn hóa, đề nghị đưa nội dung này vào hành vi cấm trong Điều 9 của dự thảo luật.
Cần bổ sung thêm một điều quy định cụ thể về quản lý và bảo vệ di sản văn hóa dưới nước
Nêu ý kiến tại Hội nghị, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương) bày tỏ nhất trí cao với nhiều nội dung Ban soạn thảo đã tiếp thu các ý kiến của đại biểu Quốc hội trong thảo luận tại kỳ họp 7.
Đại biểu đề nghị dự thảo luật cần bổ sung thêm một điều quy định cụ thể về quản lý và bảo vệ di sản văn hóa dưới nước từ việc luật hóa quy định tại Nghị định số 86 năm 2005 của Chính phủ, đồng thời bổ sung quy định về thăm dò, khai quật, trục vớt tài sản chìm, đắm là di sản văn hóa tại Điều 39 dự thảo luật để đảm bảo cơ chế quản lý, bảo vệ và phát huy di sản văn hóa dưới nước.
"Có như thế thì việc quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị của di sản văn hóa mới thực sự toàn vẹn và không tạo thành khoảng trống, tránh được những hậu quả đáng tiếc, làm thất thoát và phá hủy di sản văn hóa" - đại biểu Việt Nga nêu ý kiến.
Cùng với đó, đại biểu cũng đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu bổ sung những quy định riêng, cụ thể về bảo tàng ngoài công lập và bảo tàng tư nhân vào Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) để tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý và hỗ trợ sự phát triển của bảo tàng tư nhân.
Đại biểu Nguyễn Thị Sửu (Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế) thì bày tỏ quan tâm đến chính sách của Nhà nước về di sản văn hóa tại Điều 7. Theo đại biểu, từ thực tế nhiều năm trở lại đây, vấn đề hồi hương cổ vật đã được quan tâm khi nhiều cổ vật quý của Việt Nam được rao bán trên một số sàn đấu giá cổ vật nổi tiếng ở Pháp, Tây Ban Nha, Hồng Kông, Trung Quốc, tuy nhiên cần phải có chiến lược, kế hoạch ở tầm quốc gia trong công cuộc hồi hương cổ vật. Đi cùng với đó là hoàn thiện hành lang pháp lý với những chế độ đãi ngộ và ưu đãi đối với người có công, gìn giữ, lưu truyền, bảo quản. v.v.
Đại biểu đề nghị nghiên cứu bổ sung chính sách của Nhà nước về di sản văn hóa với nội dung khuyến khích, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân trong và ngoài công lập tham gia đưa cổ vật về nước một cách phù hợp.
Nhất trí với nhiều nội dung được tiếp thu, chỉnh lý
Giải trình làm rõ thêm một số ý kiến đại biểu, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng trân trọng cảm ơn các ý kiến của đại biểu chuyên trách vì các đại biểu chuyên trách có nhiều thời gian để nghiên cứu sâu để đóng góp vào dự Luật.
Thông tin thêm, Bộ trưởng cho biết, yêu cầu đầu tiên đặt ra khi soạn thảo Luật là phải thể chế các quan điểm của Đảng với tinh thần phát huy tối đa giá trị di tích, di sản. Bởi đây là báu vật của thiên nhiên ban tặng, là giá trị văn hóa tinh hoa của ngàn đời nay mà người Việt Nam đã tôn tạo, phát huy và giữ gìn để trở thành một tài nguyên văn hóa lớn. Vì vậy, với cơ quan soạn thảo thì đây là đề bài rất khó và rộng.
Với tinh thần cầu thị, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng giải trình làm rõ thêm một số vấn đề như: tên gọi, di sản tư liệu, di sản dưới nước, thanh tra, chính sách nghệ nhân...
Phát biểu kết thúc buổi thảo luận, cho ý kiến, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh khẳng định, các ý kiến phát biểu nhất trí với nhiều nội dung được tiếp thu, chỉnh lý, đồng thời cũng góp thêm nhiều ý kiến, vừa đề cập đến những vấn đề tổng thể, vừa góp ý trực tiếp vào các điều khoản, điểm cụ thể về kỹ thuật soạn thảo văn bản để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, khả thi, phát huy hiệu lực, hiệu quả khi luật được thông qua.
"Ngay sau Hội nghị này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan thẩm tra, cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan có liên quan nghiêm túc tiếp thu, giải trình đầy đủ, thấu đáo ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách hôm nay, hoàn chỉnh hồ sơ lấy ý kiến Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan có liên quan, gửi hồ sơ dự án luật đến các đoàn đại biểu Quốc hội để tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật trình kỳ họp thứ 8, tháng 10 tới đây" - Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết./.