(Tổ Quốc) - Sáng nay 23/10, trước Quốc hội, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi).
Dự thảo Luật bám sát, thể hiện khá đầy đủ 4 chính sách mà Quốc hội đã thảo luận
Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện, Luật Điện ảnh năm 2006 (được sửa đổi, bổ sung năm 2009) đã tạo ra hành lang pháp lý cho hoạt động điện ảnh, đóng góp quan trọng cho công tác quản lý nhà nước và phát triển sự nghiệp của ngành điện ảnh.
Theo đó, Điện ảnh Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả quan trọng; thu hút, khuyến khích tổ chức, cá nhân từ mọi thành phần kinh tế tham gia vào các lĩnh vực hoạt động của điện ảnh; đầu tư có trọng tâm, trọng điểm thông qua chương trình mục tiêu phát triển điện ảnh.
Số lượng phim Việt Nam sản xuất ngày càng tăng, sự phát triển của các đơn vị sản xuất và phát hành, phổ biến phim tư nhân, các sự kiện phổ biến phim đưa điện ảnh Việt Nam vươn xa, hòa nhập vào dòng chảy điện ảnh quốc tế là những minh chứng cho sự đầu tư đúng hướng cho điện ảnh.
Tuy nhiên, do sự vận động của đời sống xã hội cùng sự bùng nổ của khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin, kỹ thuật số đã đòi hỏi một môi trường pháp lý mới cho hoạt động điện ảnh, tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp điện ảnh, vào năm 2019, Bộ VHTTDL đã trình Đề nghị xây dựng Luật Điện ảnh (sửa đổi) và được Chính phủ thông qua.
Trải qua các lần chỉnh sửa, bổ sung, dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) trình tại kỳ họp thứ 2 được đánh giá là bám sát và thể hiện khá đầy đủ 4 chính sách mà Quốc hội đã thảo luận, bao gồm: Tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động sản xuất phim; Hỗ trợ, khuyến khích phát hành, phổ biến phim Việt Nam; Khuyến khích, thu hút tổ chức, cá nhân tham gia xúc tiến, quảng bá điện ảnh trong và ngoài nước; Đổi mới công tác quản lý, áp dụng công nghệ tiên tiến trong bối cảnh phát triển của cách mạng khoa học kỹ thuật.
Trong đó, 3 vấn đề được Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội cho ý kiến nhiều lần, được xã hội quan tâm và tham gia góp ý trong quá trình xây dựng dự án Luật. Thứ nhất là sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước. Thứ hai là việc quản lý hình thức phổ biến phim trên không gian mạng sẽ áp dụng hậu kiểm hay tiền kiểm. Thứ ba là Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh.
Kỳ vọng dự thảo Luật có chất lượng tốt, phù hợp với thực tiễn
Trao đổi về dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi), ĐBQH Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội khẳng định, công nghiệp điện ảnh là một ngành kinh tế sáng tạo, sử dụng các tài năng của các nghệ sĩ kết hợp với vốn văn hóa, công nghệ và kỹ năng kinh doanh để tạo ra các tác phẩm điện ảnh.
Theo đại biểu Bùi Hoài Sơn, khi thấy được các yếu tố tổng hợp như vậy thì chúng ta phải xây dựng Luật Điện ảnh (sửa đổi) để phù hợp hơn với cách quan niệm mới với bối cảnh xã hội mới. Làm như vậy sẽ giúp cho ngành điện ảnh phát triển bền vững, nó có thể tạo ra những giá trị.
Đặt niềm tin điện ảnh Việt Nam sẽ phát triển như Hàn Quốc trong tương lai không xa, đại biểu Bùi Hoài Sơn kỳ vọng, với Luật Điện ảnh mới, chúng ta sẽ có một nền điện ảnh phát triển, tạo điều kiện cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Trao đổi về dự án Luật này, ĐBQH Phan Viết Lượng - Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho biết, trong quá trình góp ý xây dựng dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi), các ý kiến đều bày tỏ mong muốn các chính sách của Nhà nước cần cụ thể và khả thi hơn, tránh tình trạng "Luật ống, Luật khung" .
"Luật khi ban hành phải tạo điều kiện, cơ chế, khuyến khích tổ chức cá nhân có điều kiện tốt nhất tham gia vào quá trình phát triển công nghiệp điện ảnh, có tác phẩm giá trị đáp ứng nhu cầu hưởng thụ ngày càng cao của nhân dân và đáp ứng hội nhập quốc tế" - ĐBQH Phan Viết Lượng bày tỏ mong muốn.
Cũng theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, không chỉ cá nhân ông mà các thành viên Ủy ban, cơ quan soạn thảo, đối tượng liên quan, đặc biệt là các nghệ sĩ trong lĩnh vực điện ảnh cũng rất kỳ vọng dự thảo Luật có chất lượng tốt, phù hợp với thực tiễn và đáp ứng được nguyện vọng của những người làm nghề, đáp ứng yêu cầu trong Nghị quyết Đại hội cũng như văn bản liên quan của Đảng, Nhà nước.
Được biết, dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 2 trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 3, tháng 5/2022.