(Tổ Quốc) - Ngày 10/4 âm lịch hằng năm UBND phường Dữu Lâu, TP Việt Trì, Phú Thọ long trọng tổ chức trọng Lễ dâng hương tại đình Dữu Lâu để tưởng nhớ công lao Hoàng tử Lang Liêu - Hùng Chiêu Vương nhằm tri ân công đức tổ tiên, với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”.
Dữu Lâu là vùng đất thuộc kinh đô Văn Lang thời các Vua Hùng dựng nước. Nơi đây có những di tích thờ tự các Vua Hùng, tướng lĩnh của các đời Hùng Vương. Trong các di tích đó có ngôi miếu cổ thờ Lang Liêu Đại Vương. Theo truyền thuyết và sử sách còn ghi lại, hoàng tử Lang Liêu là con thứ của Vua Hùng thứ VI (Hùng Huy Vương), sống tại làng Dữu Lâu của kinh đô Văn Lang xưa, nay là phường Dữu Lâu, thành phố Việt Trì. Hoàng tử Lang Liêu thông minh, hiếu thuận, siêng năng làm lụng ruộng nương, sống gần gũi hòa đồng với nhân dân, được vua Hùng thứ 6 chọn là người kế vị, trở thành Vua Hùng thứ 7 hiệu là Hùng Chiêu Vương.
Từ khi nhận trọng trách Vua cha giao cho, Hùng Chiêu Vương thể hiện là một ông Vua hiền tài, đức độ, luôn tu rèn bản thân, sống giản dị, lấy nhân nghĩa làm gốc trị vì thiên hạ. Ngài thường lên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh cúng tế trời đất, dâng hương tổ tiên, cầu xin trời đất ban cho mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt, nhân dân ấm no, đất nước thịnh vượng. Ngài còn cùng vợ là bà Lăng Thị Tiêu lãnh đạo, chỉ huy quân dân Văn Lang đánh thắng đội quân xâm lược nhà Ân từ phương Bắc, giữ yên bờ cõi. Với tấm lòng hiếu nghĩa với tổ tiên và thương yêu dân lành nên khi Vua Hùng Chiêu Vương băng hà, nhân dân làng Dữu Lâu lập miếu thờ Ngài, gọi là "Dữu Lâu Vũ Miếu" và tôn vinh là Lang Liêu Đại Vương.
Theo các nhà sử học, trong truyền thuyết của Việt Nam, Hoàng tử Lang Liêu là người sáng tạo ra bánh Chưng, bánh Giầy - hai món ăn đặc biệt của dân tộc Việt Nam. Bánh Chưng, bánh Giầy đã qua quá trình mấy ngàn năm vẫn còn lưu giữ nguyên vẹn đến ngày nay. Bánh Chưng, bánh Giầy không chỉ là những món ăn thông thường mà còn trở thành Quốc hồn, Quốc túy của dân tộc Việt Nam.
Hôm nay, ngày 17/5 cùng với nhân dân phường Dữu Lâu các đầu bếp, những chủ nhà hàng lớn, nhỏ tại các địa phương trên toàn quốc về dâng những món ăn đặc sắc tại đình Dữu Lâu. Ông Phạm Xuân Hiếu Phó chủ tịch hội Văn hóa ẩm thực tỉnh Phú Thọ chia sẻ: Năm nay khoảng 200 anh em đầu bếp trên toàn quốc về dự lễ và dâng hương. Đây là một dịp rất ý nghĩa với các đầu bếp chúng tôi, chúng tôi coi đây như ngày giỗ Tổ nghề đầu bếp truyền thống. Trong dịp này anh em ba miền dâng những món ăn tự tay mình làm để tri ân công đức Lang Liêu Đại Vương. Đây là cũng là dịp để đầu bếp toàn quốc tụ họp và sẻ chia, gắn kết với nhau hơn. Đã nhiều năm nay đây là hoạt động thường niên của các đầu bếp, các chuyên gia ẩm thực, chúng tôi rất mong muốn thời gian tới nhà nước sẽ công nhận đây là ngày giỗ tổ nghề truyền thống và được tổ chức quy mô và đúng bài bản hơn.
Đền thờ Lang Liêu không chỉ là điểm văn hóa tâm linh mà trở thành điểm sinh hoạt cộng đồng, nhằm tôn vinh tinh thần đạo nghĩa và ý thức trách nhiệm công dân, giữ gìn hiếu đạo của thế hệ trẻ thông qua một hình tượng nhân văn độc đáo trong cội nguồn dân tộc về câu chuyện hoàng tử Lang Liêu với sự tích bánh chưng, bánh giầy, qua đó góp phần lan truyền tinh thần sống có hiếu đạo như Lang Liêu- Hùng Chiêu Vương trong xã hội hiện đại. Lễ dâng hương tưởng nhớ công lao Lang Liêu Đại Vương hằng năm là dịp tri ân công đức tổ tiên, với đạo lý "Uống nước nhớ nguồn". Đồng thời lễ hội có giá trị tuyên truyền, giáo dục các thế hệ về niềm tự hào dân tộc và nét đẹp trong tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương của vùng Đất Tổ.