• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Các doanh nghiệp nhỏ và vừa cần liên kết hợp tác theo cụm, nhóm ngành nghề

Kinh tế 22/07/2022 19:58

(Tổ Quốc) - Các doanh nghiệp cam kết ưu tiên sử dụng dịch vụ, tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa của nhau; hàng hóa của doanh nghiệp này có thể là nguyên liệu đầu vào của doanh nghiệp kia; từ đó tiết kiệm chi phí, nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm…

Chương trình kết nối doanh nghiệp toàn quốc lần thứ II năm 2022 với chủ đề "Hợp tác và Đầu tư" do Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) TP Đà Nẵng phối hợp cùng Văn phòng đại diện Hiệp hội DNNVV Việt Nam tổ chức tại Đà Nẵng chiều 22/7, với sự đồng hành của Sở Công Thương và Ban Xúc tiến - Hỗ trợ đầu tư TP Đà Nẵng.

Các đại biểu đại diện hơn 500 doanh nghiệp trong cả nước cùng các ngân hàng thương mại, quỹ đầu tư phát triển tham dự sự kiện này.

Các doanh nghiệp nhỏ và vừa cần liên kết hợp tác theo cụm, nhóm ngành nghề - Ảnh 1.

Quang cảnh chương trình kết nối doanh nghiệp toàn quốc lần thứ II năm 2022 diễn ra tại Đà Nẵng.

Phát biểu tại chương trình, ông Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp Hội DNNVV Việt Nam - cho rằng hợp tác, kết nối, liên kết trong phát triển kinh tế để đẩy mạnh đầu tư, phát triển sản xuất - kinh doanh dịch vụ là xu thế tất yếu.

Chương trình là sự kiện quan trọng trong chuỗi sự kiện "Kết nối doanh nghiệp toàn quốc lần thứ II tại Đà Nẵng", nhằm tăng cường hợp tác, liên kết giữa các doanh nghiệp trong toàn quốc với doanh nghiệp của Đà Nẵng để đầu tư vào Đà Nẵng. Thông qua chương trình, các doanh nghiệp sẽ có nhiều cơ hội gặp gỡ, giao thương, liên kết, tìm hiểu về những cơ hội đầu tư cụ thể, rõ ràng hơn.

Ông Phạm Bắc Bình - Chủ tịch Hiệp hội DNNVV TP Đà Nẵng - đề xuất các doanh nghiệp cần liên kết hợp tác theo mô hình cụm, nhóm doanh nghiệp có ngành nghề chung hoặc ngành nghề bổ trợ cho nhau nhằm tăng khả năng tham gia chuỗi cung ứng và tăng cường năng lực cho doanh nghiệp.

Theo ông Bình, các doanh nghiệp có thể liên kết hợp tác cam kết ưu tiên sử dụng dịch vụ, tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa của nhau; hàng hóa của doanh nghiệp này có thể là nguyên liệu đầu vào của doanh nghiệp kia; từ đó tiết kiệm chi phí, nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm.

"Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn mà còn góp phần đẩy mạnh cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", ông Bình nói.

Các doanh nghiệp nhỏ và vừa cần liên kết hợp tác theo cụm, nhóm ngành nghề - Ảnh 2.

Ông Phạm Bắc Bình - Chủ tịch Hiệp hội DNNVV TP Đà Nẵng phát biểu tại chương trình.

Các doanh nghiệp nhỏ và vừa cần liên kết hợp tác theo cụm, nhóm ngành nghề - Ảnh 3.

Đại diện hơn 500 doanh nghiệp trong cả nước cùng các ngân hàng thương mại, quỹ đầu tư phát triển tham dự chương trình.

Hiện nay, cả nước có khoảng 800.000 doanh nghiệp, trong đó các DNNVV chiếm trên 97%. Những năm qua, sự phát triển của các DNNVV đã tạo việc làm, cải thiện đời sống, bảo đảm an sinh xã hội, đóng góp ngày càng lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương nói riêng và cả nước nói chung.

Theo Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Đà Nẵng, số lượng DNNVV tuy lớn nhưng quy mô rất nhỏ, lao động chủ yếu là phổ thông, công nghệ lạc hậu, vốn mỏng, thị trường manh mún, năng suất lao động và chất lượng sản phẩm thấp, dẫn đến năng lực cạnh tranh cũng như hiệu quả kinh doanh thấp. Bên cạnh đó, tính liên kết, liên doanh hợp tác, hỗ trợ bảo vệ nhau của các doanh nghiệp cũng rất yếu.

Vì vậy, ông Bình cho rằng, các DNNVV cần phải có sự kết nối chặt chẽ, liên kết hợp tác với nhau để cùng phát triển, mở rộng thị trường, tạo sức mạnh nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh để hội nhập kinh tế quốc tế.

"Trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp là yếu tố đóng vai trò quyết định. Có nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp thì mới nâng cao được năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và sản phẩm; người lao động có việc làm, thu nhập; tình hình kinh tế - xã hội đất nước ổn định và phát triển", ông Bình nhấn mạnh.

Đức Hoàng

NỔI BẬT TRANG CHỦ