(Tổ Quốc) - Đó là nhận xét của TS. Nguyễn Đình Cung – Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Chính phủ tại Hội thảo "Bất động sản gắn với đô thị Di sản Huế" được tổ chức sáng nay (18/12) tại TP Huế.
- 18.12.2020 Nhiều cơ hội cho Bất động sản Hắc Dịch (Phú Mỹ) thời điểm cuối năm
- 17.12.2020 Bất động sản nghỉ dưỡng trở lại đường đua cuối năm
- 17.12.2020 Thành lập “Thành phố Thủ Đức” không đơn thuần chỉ để xây những con đường và bán bất động sản
- 17.12.2020 Sa bàn ảo, "vũ khí mới" của ngành bất động sản
- 16.12.2020 Sa bàn ảo, "vũ khí mới" của ngành bất động sản
"Bất động sản gắn với đô thị Di sản Huế" là hội thảo được Sở Xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với Báo Công Thương tổ chức nhằm đánh giá những tiềm năng, thế mạnh, những chính sách ưu đãi. Tìm giải pháp hữu hiệu, cơ chế đặc thù và truyền thông thu hút đầu tư để bất động sản Thừa Thiên Huế phát triển theo đúng định hướng, tầm nhìn, ổn định, lành mạnh và phát triển bền vững gắn bó bền vững với đô thị di sản Huế.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Văn Phương – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, theo định hướng phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Huế được xác định là một trong số các đô thị lớn, là một trong các cực tăng trưởng tạo động lực phát triển và gắn với việc phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của Huế.
Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, xác định mở rộng địa giới hành chính đô thị để hình thành đô thị trung tâm với hai trục phát triển và các đô thị động lực gồm TX Phong Điền, TX Hương Trà, TX Hương Thủy, xây dựng đô thị Chân Mây.
Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý xây dựng đề án điều chỉnh địa giới để mở rộng TP Huế trên cơ sở tính đến các yếu tố đặc thù của Thừa Thiên Huế. Từng bước cụ thể hóa xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trong tương lai và thực hiện theo quy hoạch chung TP Huế.
Theo nhà nghiên cứu văn hóa Huế Nguyễn Xuân Hoa, bài toán hóc búa về giải quyết hài hòa giữa bảo tồn và phát triển đã làm một số nhà đầu tư rất dè dặt, e ngại khi đến với Huế. Đã nhiều năm trước đây, TP Huế thiếu vắng những dự án đầu tư bất động sản có quy mô lớn. Trong lúc khu vực các đô thị mới manh nha chưa gắn kết được với đô thị trung tâm như một tổng thể để hấp dẫn nhà đầu tư. Thị trường bất động sản ở Thừa Thiên Huế gần như bị đóng băng.
Tuy nhiên, cũng theo ông Hoa, thị trường bị đóng băng vừa là một thiệt thòi, nhưng lại là một may mắn, tránh cho đô thị di sản Huế khỏi bị xé nát bởi những công trình bất động sản thô bạo. Đồng thời, vẫn để mở cơ hội cho Thừa Thiên Huế xây dựng một chiến lược thu hút đầu tư phát triển bất động sản hợp lý, vừa bảo tồn và phát huy được giá trị đô thị di sản Huế, vừa tạo thế mở rộng phát triển TP Huế trở thành một trong 6 đô thị cấp quốc gia, một đô thị di sản - văn hóa - sinh thái - cảnh quan - thân thiện môi trường và thông minh.
Tại hội thảo, KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, các nhà quy hoạch, nhà đầu tư bất động sản phải xác định di sản là lợi thế so sánh nổi bật của Thừa Thiên Huế, để khi quy hoạch, đầu tư các dự án "bảo tồn di sản phải gắn với chỉnh trang đô thị". Không nên tìm cách phát triển đan xen mật độ và tầng cao quá mức trong các khu vực lịch sử, càng không nên phá bỏ các công trình lịch sử để xây dựng các dự án cao tầng, điều đã xảy ra tại các đô thị lớn của Việt Nam mà nên phát triển các dự án bảo tồn kết hợp chỉnh trang đô thị và tổ chức các hoạt động phù hợp với văn hóa di sản.
Ở góc độ chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Đình Cung – Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, Thành viên Tổ tư vấn Chính phủ cho rằng, phát triển bất động sản phải đặt trong định hướng đô thị hóa, hiện đại hóa, phát triển ngành nghề và chuyển đổi cơ cấu kinh tế của Thừa Thiên Huế nói chung và TP Huế nói riêng theo lợi thế so sánh của Huế. Hiện các dự án bất động sản ở Huế hiện vẫn đơn điệu, chưa thể hiện rõ nét "di sản Huế".
"Phát triển Bất động sản phải tập trung, đồng bộ, hiệu quả. Trong đó, thành phần tư nhân giữ vai trò chủ đạo, nhà nước là đối tác đồng hành, nhân dân giám sát. Tạo được việc làm tốt và thu nhập cao hơn cho người dân địa phương, cải thiện được sinh kế và chất lượng sống của họ", TS. Nguyễn Đình Cung nói./.