• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Các dự án công thúc đẩy nhu cầu đá xây dựng tại Việt Nam: Nhiều cơ hội cho đối tác nước ngoài

Kinh tế 04/07/2023 10:29

(Tổ Quốc) - Một loạt các dự án cơ sở hạ tầng đang thúc đẩy nhu cầu về đá xây dựng ở Việt Nam, đồng thời mở ra nhiều cơ hội cho các công ty xây dựng muốn tận dụng xu hướng này, theo Vietnam Briefing.

Chuyên trang tham vấn chính sách, đầu tư, kinh doanh Vietnam Briefing cho biết, một trong những động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam là đầu tư công và đầu tư công trong thời gian tới được kỳ vọng sẽ có tác động tích cực đến nhiều ngành, trong đó có ngành đá xây dựng.

Nhu cầu đá xây dựng tại Việt Nam và các mỏ đá trọng điểm

Theo Bộ Giao thông vận tải, giai đoạn 2023 - 2025 sẽ cần 21,5 triệu m3 đá xây dựng cho các công trình hạ tầng trọng điểm. Cụ thể, dự kiến riêng các dự án đường Vành đai 3, cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, sân bay Long Thành của TP.HCM sẽ cần đến 8 triệu m3 đá - tương đương với khối lượng cần cho hơn 3.000 bể bơi tiêu chuẩn Olympic.

Nhu cầu trên thực tế có có thể cao hơn thế nữa khi quy hoạch tổng thể phát triển đường cao tốc quốc gia, được phê duyệt vào năm 2016, được đưa vào thực hiện. Quá trình xây dựng một hệ thống đường cao tốc rộng lớn được phát triển ở khu vực miền Trung và miền Nam từ năm 2022 đến năm 2030 sẽ cần một khối lượng đá xây dựng khổng lồ.

Các dự án công thúc đẩy nhu cầu đá xây dựng tại Việt Nam: Nhiều cơ hội cho đối tác nước ngoài - Ảnh 1.

Các dự án xây dựng công lớn thúc đẩy nhu cầu về đá. Ảnh: Vietnam Briefing.

Điểm qua về các mỏ đá xây dựng trọng điểm tại Việt Nam, đầu tiên phải kể đến là mỏ đá Tân Cảng. Theo báo cáo năm 2023 về đá xây dựng tại Việt Nam do Công ty Chứng khoán SSI thực hiện, mỏ đá Tân Cảng nhiều khả năng sẽ là nguồn cung cấp đá xây dựng chính cho dự án Sân bay Long Thành, đường Vành đai 3 và một số dự án khác. Mỏ đá này được tỉnh Đồng Nai cấp phép và các doanh nghiệp được phép khai thác với tổng diện tích 400 ha. Trữ lượng đá xây dựng ước tính hơn 160 triệu m3. Hiện có 10 doanh nghiệp được cấp phép hoạt động trên địa bàn.

SSI ước tính nhu cầu tại các mỏ đá của Tân Cảng sẽ tăng 28% so với cùng kỳ năm ngoái nhờ các dự án lớn này. Giá đá xây dựng dự kiến tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tiếp theo là khu mỏ đá Thạnh Phú - nguồn cung cấp đá xây dựng chính cho khu vực Tây Nam Bộ. Hiện tại có chín mỏ đá ở khu vực Thạnh Phú. SSI cũng ước tính nhu cầu tại các mỏ đá Thạnh Phú sẽ tăng 15-16% so với cùng kỳ năm ngoái do các dự án lớn như đường cao tốc Cần Thơ – Hậu Giang và Hậu Giang – Cà Mau. Giá đá xây dựng tại đây dự kiến cũng sẽ tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cơ hội cho các nhà đầu tư

Lúc này, các nhà đầu tư nước ngoài muốn tận dụng cơ hội này cần quan tâm đến hệ thống luật và quy định liên quan tại Việt Nam. Theo Luật Khoáng sản, nhà đầu tư nước ngoài muốn tiến hành hoạt động khai thác khoáng sản tại Việt Nam phải được cấp giấy phép khai thác khoáng sản.

Để được như vậy, họ phải đáp ứng đủ các điều kiện như: Phải có dự án đầu tư vào khu vực đã thăm dò và phê duyệt trữ lượng; Dự án phải đi kèm phương án về nhân lực, thiết bị, phương pháp khai thác phù hợp; Đối với khoáng sản độc hại, cần có văn bản xin phép các cấp lãnh đạo cao nhất; Phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc cam kết bảo vệ môi trường.

Các nhà đầu tư cũng cần quan tâm đến những quy định về môi trường. Theo quy định tại Điều 30 Luật Khoáng sản, tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác khoáng sản phải sử dụng công nghệ, thiết bị, vật liệu thân thiện với môi trường. Họ cũng phải chịu mọi chi phí liên quan đến thiệt hại đối với môi trường. Do đó, trước khi bắt đầu khai thác, họ phải ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường.

Một nội dung nữa cần quan tâm là luật thuế bảo vệ môi trường 2010, quy định thuế đối với các ngành, lĩnh vực gây ô nhiễm nặng. Đối với tài nguyên khoáng sản, thuế bảo vệ môi trường chỉ thu đối với than đá. Tuy nhiên, các biện pháp bảo vệ môi trường của Việt Nam đang được mở rộng và hoạt động xây dựng có thể bị ảnh hưởng sau này nếu mở rộng sang bao gồm cả đá xây dựng.

Các nhà đầu tư cũng phải chú ý tới một số khó khăn về thị trường Việt Nam hiện tại. Đầu tiên, là vấn đề tăng giá nhiên liệu. Do tác động của giá nguyên liệu đầu vào quốc tế như xăng, dầu, than đá…, giá cước vận tải, giá vật liệu xây dựng… cũng leo thang. Và xu hướng này có thể làm tăng chi phí vận chuyển đá, đẩy giá cao hơn và từ đó có thể làm giảm nhu cầu.

Bên cạnh đó, ngành đá xây dựng cũng đối mặt với một số thách thức trong năm 2023 do thị trường bất động sản nhà ở trầm lắng. Số lượng dự án nhà ở thương mại trên toàn quốc năm 2022 giảm đáng kể so với năm trước đó. Chỉ có 22 dự án nhà ở thương mại được phê duyệt phát triển tại vùng kinh tế phía Nam, giảm 25% so với năm 2021.

Một cách tổng quan, dù phải đối mặt với một số rào cản đối với tăng trưởng liên quan đến thị trường bất động sản trầm lắng và chi phí đầu vào tăng cao, ngành đá xây dựng vẫn có nhiều tiềm năng với số lượng lớn các dự án công dự kiến sẽ được xây dựng từ nay đến năm 2030.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ