(Tổ Quốc) - Sau khi tới Washington vào rạng sáng 11/5 (giờ địa phương), bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị Cấp cao Đặc biệt ASEAN-Mỹ; thăm, làm việc tại Mỹ và Liên Hợp Quốc từ ngày 11-17/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc gặp với Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen, Chủ tịch thường trực Thượng viện Mỹ và các Thượng nghị sỹ Mỹ, tiếp Tổng Giám đốc điều hành Ngân hàng Thế giới (WB) và tiếp lãnh đạo một số doanh nghiệp, tập đoàn lớn của Mỹ, tới thăm và có bài phát biểu quan trọng tại Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Mỹ (CSIS) và có cuộc gặp với Thủ tướng Campuchia Hun Sen.
Tại cuộc tiếp Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định chuyến thăm lịch sử của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng 7 năm trước đã đặt nền móng vững chắc cho quan hệ, tạo cơ sở để quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam-Mỹ tiếp tục phát triển sâu rộng, trên nguyên tắc tôn trọng thể chế chính trị, độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, vì hòa bình, hợp tác, phát triển ở khu vực và trên thế giới, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước. Thủ tướng đánh giá cao chính sách của Mỹ ủng hộ Việt Nam hùng cường, độc lập, thịnh vượng.
Thủ tướng cảm ơn sự hỗ trợ của Bộ Thương mại Mỹ nói chung và cá nhân Bà Bộ trưởng nói riêng trong việc thúc đẩy trao đổi thương mại giữa hai nước thời gian qua cũng như tháo gỡ kịp thời các vấn đề vướng mắc theo hướng không làm gián đoạn thương mại giữa hai nước.
Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Thương mại Raimondo cùng chứng kiến lễ trao các văn kiện hợp tác giữa các bộ, ngành, doanh nghiệp hai nước trên nhiều lĩnh vực như năng lượng, cơ sở hạ tầng, viễn thông, công nghệ số, ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần hỗ trợ Việt Nam sớm đạt được cam kết đề ra tại COP26.
Trong cuộc gặp Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen, Thủ tướng cũng chia sẻ về những tác động phức tạp đối với các nền kinh tế bắt nguồn từ những biến động toàn cầu trong khu vực như cạnh tranh chiến lược, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, xung đột vũ trang.
Thủ tướng cho rằng để ứng phó cần có cách tiếp cận toàn cầu, đề cao chủ nghĩa quốc tế và tiếp cận đa phương, có cách tiến cận câng bằng, công lý. Đồng thời, mỗi nước cần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, xuất phát từ nội lực và thế mạnh của mình. Trong quá trình đó, Thủ tướng đề nghị Chính phủ và Bộ Tài chính Mỹ hỗ trợ và hợp tác chặt chẽ với Việt Nam về phát triển kinh tế, xử lý các thách thức toàn cầu, trong đó có vấn đề chuyển đổi năng lượng và thực hiện cam kết tại COP26.
Bộ trường Tài chính Mỹ Janet Yellen bày tỏ sự trân trọng và mong muốn làm sâu sắc thêm quan hệ kinh tế - thương mại – đầu tư giữa hai nước, trong đó có hợp tác tài chính, ngân hàng. Bà Yellen đặc biệt đánh giá cao quan điểm điều hành tỷ giá linh hoạt của Việt Nam, kiên định mục tiêu kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Bộ trưởng khẳng định Mỹ sẽ thông qua các thể chế tài chính toàn cầu và khu vực, phối hợp với các nước phát triển để hỗ trợ các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam nhằm phát triển cơ sở hạ tầng, ứng phó với dịch bệnh truyền nhiễm và chuyển đổi năng lượng, thực hiện cam kết mạnh mẽ chống biến đổi khí hậu. Mỹ sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ Việt Nam về xây dựng năng lực, cơ chế nhằm phát triển hiệu quả thị trường vốn và thị trường bất động sản.
Tại cuộc gặp Chủ tịch thường trực Thượng viện Patrick Leahy và một số Thượng nghị sỹ chủ chốt của các Uỷ ban Đối ngoại, Chuẩn chi, Tư pháp, Tài chính, Năng lượng và tài nguyên thiên nhiên Thượng viện Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam coi Mỹ là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu và sẵn sàng cùng Mỹ thúc đẩy quan hệ Đối tác toàn diện tiếp tục phát triển trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của nhau.
Thủ tướng hoan nghênh và bày tỏ mong muốn Quốc hội hai nước tăng cường hợp tác nghị viện. Thủ tướng hân hạnh chuyển lời của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trân trọng mời Chủ tịch thường trực Leahy thăm Việt Nam trong năm 2022; đề nghị Chủ tịch thường trực Leahy và các cộng sự thúc đẩy việc thành lập Nhóm các nghị sỹ Mỹ thân thiện với Việt Nam, đồng thời phối hợp thúc đẩy trao đổi đoàn các cấp cũng như các cơ chế đối thoại thường xuyên giữa Quốc hội hai nước.
Về phần mình, Chủ tịch thường trực Leahy khẳng định "Quốc hội Mỹ luôn có những thế hệ nghị sỹ ủng hộ quan hệ Việt Nam – Mỹ". Các Thượng nghị sỹ Mỹ cũng khẳng định sẽ tiếp nối công việc của Chủ tịch thường trực Leahy sau khi ông nghỉ hưu để thúc đẩy quan hệ hai nước và giải quyết hiệu quả các vấn đề hai bên cùng quan tâm, cũng như tiếp tục thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam – Mỹ phát triển sâu, rộng hơn nữa.
Trong khuôn khổ chuyến công tác tại Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp ông Axel Van Trotsenburg, Tổng Giám đốc điều hành Ngân hàng Thế giới (WB) và tiếp lãnh đạo một số doanh nghiệp, tập đoàn lớn của Mỹ.
Tại cuộc tiếp ông Axel Van Trotsenburg, Tổng Giám đốc điều hành Ngân hàng Thế giới (WB), Thủ tướng đề nghị thời gian tới, hợp tác giữa hai bên tập trung vào các lĩnh vực chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi số; các dự án hạ tầng giao thông lớn như các tuyến cao tốc, đường ven biển; các dự án ứng phó biến đổi khí hậu tại ĐBSCL, miền Trung; xóa đói giảm nghèo; nâng cao năng lực y tế…
Tổng Giám đốc WB cũng cho biết cơ quan này muốn tăng cường hợp tác với Việt Nam trong quá trình phục hồi và phát triển sau đại dịch, nhất là trong bối cảnh quá trình phục hồi trên toàn cầu gặp những khó khăn do căng thẳng, xung đột tại một số nơi và giá nguyên vật liệu, lạm phát tăng cao ở nhiều nước, các nguồn lực quốc gia bị suy giảm trong quá trình kiểm soát dịch bệnh.
Tiếp ông Marc Allen, Giám đốc Chiến lược kiêm Phó Chủ tịch Cấp cao, Chiến lược và Phát triển Doanh nghiệp của Tập đoàn Boeing, Thủ tướng cho biết lĩnh vực hàng không của Việt Nam sẽ phát triển rất mạnh trong thời gian tới và Boeing có thể tham gia phát triển hệ sinh thái hàng không của Việt Nam. Thủ tướng đánh giá cao sự hợp tác và hỗ trợ của Boeing trong quá trình khai thác tàu bay của Boeing tại Việt Nam; hoan nghênh và ủng hộ kế hoạch mở rộng các cơ sở tại Việt Nam để cung cấp nguyên liệu và tìm hiểu cơ hội hợp tác về công nghệ.
Thủ tướng cũng đề nghị Tập đoàn mở cơ sở bảo hành, bảo trì và tiến hành một số công việc khác tại Việt Nam; có chính sách hợp tác lâu dài và có ưu đãi cụ thể để giúp các doanh nghiệp Việt Nam vượt qua khó khăn lúc này; góp phần quan trọng thúc đẩy sự hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Thủ tướng cũng mong muốn Tập đoàn hợp tác với phía Việt Nam trên tinh thần "đã nói phải làm".
Chiều ngày 11/5 (theo giờ địa phương), Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thăm và có bài phát biểu quan trọng tại Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Mỹ (CSIS), trước thềm Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN – Mỹ.
Trong bài phát biểu với chủ đề "Chân thành, lòng tin và trách nhiệm vì một thế giới tốt đẹp hơn", Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ về 3 nội dung lớn. Một là, cách nhìn của Việt Nam về thế giới hiện nay; Hai là, vai trò của sự chân thành, lòng tin và trách nhiệm trong thế giới nhiều biến động hiện nay; Ba là, chúng ta cần phải làm gì để thể hiện sự chân thành, tăng cường lòng tin và trách nhiệm, vì một thế giới tốt đẹp hơn.
Thủ tướng đã nhấn mạnh: Hội nhập quốc tế là xu thế khách quan. Nhưng trong hội nhập, mỗi quốc gia phải lấy nội lực là cơ bản, là chiến lược, là lâu dài, là nhân tố quyết định, ngoại lực là nhân tố quan trọng, cần thiết, thường xuyên, đột phá. Hay nói cách khác, phải biết huy động sức mạnh dân tộc kết hợp với sức mạnh của thời đại một cách phù hợp, hiệu quả.
Sau bài phát biểu, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã giải đáp một số câu hỏi của các thính giả. Trong đó, về sáng kiến Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ, Thủ tướng cho biết, những trụ cột của sáng kiến này cũng là những vấn đề quan trọng với Việt Nam, Mỹ và nhiều nước khác. Do đó, Việt Nam sẵn sàng cùng phía Mỹ và các đối tác trao đổi để làm rõ nội hàm cụ thể, các công việc, lộ trình, bước đi… trong khuôn khổ này, trong đó, Việt Nam sẵn sàng ủng hộ những nội dung phục vụ cho hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển, phồn vinh, thịnh vượng trong khu vực và thế giới, đặc biệt là vì lợi ích nhân dân hai nước.
Cũng trong chiều ngày 11/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc gặp với Thủ tướng Campuchia Hun Sen.
Tại cuộc gặp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao vai trò, đóng góp của Campuchia trên cương vị Chủ tịch ASEAN, trong đó có việc thúc đẩy triển khai thực hiện “Đồng thuận 5 điểm” của ASEAN về Myanmar.
Thủ tướng Campuchia Hun Sen đánh giá cao những thành tựu Việt Nam đạt được trong ứng phó với dịch COVID-19, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; tin tưởng Chính phủ và nhân dân Việt Nam sẽ tiếp tục đạt nhiều thành tựu to lớn hơn nữa trong công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế; chân thành cảm ơn sự ủng hộ của Việt Nam dành cho Campuchia trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2022.
Nhằm tiếp tục thúc đẩy mối quan hệ “láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài” giữa hai nước trong thời gian tới, hai Thủ tướng nhất trí thúc đẩy trao đổi đoàn cấp cao trong “Năm Hữu nghị Việt Nam - Campuchia, Campuchia - Việt Nam 2022”, phối hợp tổ chức tốt các hoạt động ý nghĩa kỷ niệm 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước (24/6/1967 – 2022); nỗ lực duy trì đà phát triển thương mại - đầu tư; thúc đẩy du lịch, trong đó có du lịch đường bộ; sử dụng hiệu quả hệ thống cửa khẩu để tạo thuận lợi cho giao thương và giao lưu nhân dân; phát huy thành quả phân giới cắm mốc khoảng 84% đường biên giới trên đất liền và tiếp tục giải quyết phân giới cắm mốc khoảng 16% còn lại; cùng phối hợp xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị giữa hai nước.