• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Các hoạt động Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam: Thiết thực, mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống

Văn hoá 01/04/2022 23:26

(Tổ Quốc) - Chiều 1/4, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt đã có cuộc họp với Ban Tổ chức của sự kiện “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam” năm 2022 tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Cùng dự buổi làm việc có đại diện lãnh đạo các Cục, Vụ, Văn phòng Bộ, các cơ quan báo chí của Bộ VHTTDL là thành viên Ban Tổ chức của sự kiện “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam” năm 2022 tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam

Báo cáo tại buổi làm việc, ông Trịnh Ngọc Chung- Quyền Trưởng Ban Quản lý Làng Văn hóa- Du lịch các dân tộc Việt Nam cho biết, mục đích của sự kiện nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị và mọi tầng lớp nhân dân trong công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam trong thực hiện phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa"; bảo vệ và phát huy các giá trị di sản văn hóa cộng đồng góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Các hoạt động Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam: Thiết thực, phong phú, đặc sắc, mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc Việt Nam - Ảnh 1.

Thứ trưởng Đoàn Văn Việt làm việc với Ban Quản lý Làng Văn hóa- Du lịch các dân tộc Việt Nam

Bên cạnh đó, triển khai có hiệu quả những nội dung của Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 và triển khai chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 là xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. Không ngừng nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, từng bước thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng miền.

Ngoài ra, các sự kiện nhằm tái hiện, giới thiệu quảng bá, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc Việt Nam; hướng tới xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh từ cơ sở. Phát huy vai trò của gia đình, cộng đồng, xã hội trong việc xây dựng môi trường văn hóa, làm cho văn hóa trở thành nhân tố bồi đắp giá trị chân - thiện - mỹ. Nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân. Đồng thời, tiếp tục xây dựng và nhân rộng mô hình điểm về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, sinh hoạt văn hóa cộng đồng.

Theo Kế hoạch, Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2022 sẽ diễn ra từ 16 – 19/4/2022 với chuỗi hoạt động chính gồm: Diễn đàn văn hóa với chủ đề "Phát huy truyền thống văn hóa các dân tộc trong xây dựng môi trường Văn hóa"; Hội nghị gặp mặt nghệ nhân, người có nhiều đóng góp trong hoạt động bảo tồn gìn giữ, phát huy truyền thống văn hóa các dân tộc; Triển lãm "Sen trong đời sống văn hóa Việt"; Tái hiện lễ hội, phong tục tập quán của các dân tộc như lễ cấp sắc của dân tộc Dao; Lễ Kin chiêng boọc mạy (dân tộc Thái); Lễ mừng lúa mới của dân tộc Gia Rai và các hoạt động diễn tấu cồng chiêng, dân ca dân vũ dân tộc Gia Rai; Tết Chôl Chnăm Thmây của dân tộc Khmer. Ngoài ra, còn có các hoạt động hàng ngày của cộng đồng 13 dân tộc đang sinh hoạt tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam nhằm giới thiệu, tái hiện nét văn hóa trong cuộc sống hàng ngày, nghi lễ, trang phục, dân ca, dân vũ, ẩm thực…

Các hoạt động Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam: Thiết thực, phong phú, đặc sắc, mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc Việt Nam - Ảnh 2.

Ông Trịnh Ngọc Chung- Quyền Trưởng BQL Làng Văn hóa- Du lịch các dân tộc VN báo cáo tại buổi làm việc

Ông Trịnh Ngọc Chung cho biết, điểm nhấn của các sự kiện Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam là Diễn đàn "Phát huy truyền thống văn hóa các dân tộc trong xây dựng môi trường Văn hóa" sẽ diễn ra ngày 16/4 với sự tham gia của các nhà khoa học, nhà quản lý, nhà nghiên cứu văn hóa, các nghệ nhân và những người am hiểu, có kinh nghiệm bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc thiểu số từ các tỉnh, thành phố. Diễn đàn sẽ tập trung vào nội dung xây dựng, giữ gìn và phát huy những giá trị đặc sắc của nền văn hóa Việt Nam, từ đó có những đề xuất, giải pháp, kiến nghị thiết thực nhằm thực hiện tốt mục tiêu xây dựng môi trường văn hóa, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trong giai đoạn đất nước đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo các Cục, Vụ, các cơ quan báo chí của Bộ đã đóng góp ý kiến về việc tăng cường cơ chế phối hợp giữa Ban Quản lý Làng Văn hóa- Du lịch các dân tộc Việt Nam với các đơn vị nhằm tổ chức các hoạt động trong khuôn khổ sự kiện thiết thực, phong phú, đặc sắc, hiệu quả.

Các hoạt động Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam: Thiết thực, phong phú, đặc sắc, mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc Việt Nam - Ảnh 3.

Toàn cảnh buổi làm việc

Kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt đánh giá cao sự chủ động của Ban Quản lý Làng Văn hóa- Du lịch các dân tộc Việt Nam trong việc xây dựng Kế hoạch tổ chức "Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam" năm 2022. Thứ trưởng ghi nhận những ý kiến đóng góp xác đáng, thiết thực tại buổi làm việc đồng thời yêu cầu Ban Quản lý Làng Văn hóa- Du lịch các dân tộc Việt Nam tập trung thực hiện tốt 5 nhiệm vụ:

Thứ nhất: Xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết về các hoạt động trên cơ sở Kế hoạch Tổ chức Ngày Văn hóa, Du lịch các dân tộc Việt Nam đã được lãnh đạo Bộ VHTTDL phê duyệt. Theo Thứ trưởng Đoàn Văn Việt, khi có kế hoạch chi tiết sẽ có cơ sở để triển khai, kiểm tra, đôn đốc thực hiện.

Thứ trưởng lưu ý các hoạt động chính như: Diễn đàn văn hóa "Phát huy truyền thống văn hóa các dân tộc trong xây dựng môi trường Văn hóa" cần chú trọng mời các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu tham gia đóng góp ý kiến, tham luận. Ban Quản lý Làng Văn hóa- Du lịch các dân tộc Việt Nam phải chuẩn bị thật tốt để Diễn đàn diễn ra hiệu quả, hấp dẫn, thiết thực. Các hoạt động như Hội nghị gặp mặt Nghệ nhân, người có nhiều đóng góp trong hoạt động bảo tồn, gìn giữ, phát huy truyền thống văn hóa các dân tộc phải được chuẩn bị kỹ lưỡng; Triển lãm Sen; Tái hiện các lễ hội… phải đa dạng sản phẩm, tạo sự thu hút đối với du khách.

Thứ hai là đẩy mạnh truyền thông, lan tỏa tinh thần của Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam. Truyền thông đậm nét trước, trong và sau sự kiện trong các cơ quan báo chí của Bộ đồng thời lan tỏa đến các cơ quan báo chí Trung ương và Hà Nội.

Thứ ba, Ban Quản lý Làng Văn hóa- Du lịch các dân tộc Việt Nam kết nối chặt chẽ với các địa phương, phối hợp thực hiện tốt các hoạt động theo Kế hoạch, đảm bảo cho bà con các dân tộc, các nghệ nhân về tham gia Ngày hội có không khí vui tươi, phấn khởi, góp phần gìn giữ, phát huy và lan tỏa văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Thứ tư, phối hợp với Văn phòng Bộ lên danh sách khách mời, công tác đón tiếp khách Trung ương, lực lượng học sinh, sinh viên…Xác định đây là dịp để quảng bá các sản phẩm văn hóa, du lịch của Làng.

Thứ năm, đảm bảo an toàn, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng chống dịch Covid-19 theo đúng quy định.

"Ngày Văn hóa- Du lịch các dân tộc Việt Nam 19/4 diễn ra trong dịp có nhiều sự kiện, lễ kỷ niệm lớn và ý nghĩa của đất nước, vì vậy, Ban Quản lý Làng Văn hóa- Du lịch các dân tộc Việt Nam cần xây dựng nội dung đảm bảo khoa học, thiết thực, phong phú, đặc sắc, mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc Việt Nam do chủ thể văn hóa thực hiện, tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho nhân dân và du khách tham gia. Đồng thời thực hiện tốt công tác tuyên truyền quảng bá nhằm thu hút khách du lịch đến với Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam"- Thứ trưởng Đoàn Văn Việt yêu cầu./.

Hồng Hà

NỔI BẬT TRANG CHỦ