• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Các ngân hàng lớn của thế giới tiếp tục đặt niềm tin vào triển vọng kinh tế Việt Nam 2019

Thời sự 13/10/2019 18:19

(Tổ Quốc) – Theo báo cáo thường niên của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) ngày 25/9/2019, nền kinh tế Việt Nam được dự báo duy trì tăng trưởng mạnh trong năm 2019 và 2020 ở mức tương ứng là 6,8% và 6,7% nhờ cầu nội địa tiếp tục gia tăng và dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài được duy trì. Triển vọng về tiêu dùng trong nước tiếp tục sáng sủa do được hỗ trợ bởi sự gia tăng thu nhập, mở rộng việc làm và lạm phát duy trì ở mức thấp.

Những con số ấn tượng

Kinh tế thế giới được dự báo rằng có nguy cơ rơi vào suy thoái, trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế của Mỹ chậm lại, châu Âu thì không mấy khả quan, còn Trung Quốc đang bộc lộ nhiều bất ổn…Có thể nói, bức tranh kinh tế thế giới 9 tháng đầu năm 2019 thì màu xám là chủ đạo và ảm đạm là cụm từ thường xuyên được nhắc tới. Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, Anh rời EU không có thỏa thuận và nguy cơ xung đột I-ran... chính là những tay vẽ đã góp phần hoàn thiện bức tranh không mấy khả quan, tươi sáng của nền kinh tế thế giới 9 tháng đầu năm nay.

IMG_6291

Hình minh họa - Ảnh Vi Phong

Trong bối cảnh đó, kinh tế Việt Nam được Ngân hàng Standard Chartered - một tập đoàn quốc tế hàng đầu hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng, đánh giá là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất ASEAN trong ngắn hạn.

Cụ thể, trong báo cáo kinh tế toàn cầu Quý III/2019 của Standard Chartered ngày 12/8/2019, ngân hàng này nhận định, Việt Nam sẽ tiếp tục là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất ASEAN trong ngắn hạn, với mức tăng trưởng dự kiến đạt 6,9% trong năm 2019, trong đó lĩnh vực sản xuất có vốn đầu tư nước ngoài đóng vai trò là động lực tăng trưởng chính.

Theo Bộ Công thương, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III/2019 ước tính tăng 7,31% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,53%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 10,05% và khu vực dịch vụ tăng 7,11%. Tăng trưởng của quý III năm nay tuy thấp hơn mức tăng 7,38% của quý III/2017 nhưng cao hơn mức tăng của quý III các năm 2012-2018.

Tính chung 9 tháng năm 2019, GDP ước tính tăng 6,98% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng cao nhất của 9 tháng trong 9 năm trở lại đây.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 9 tháng năm 2019 ước tính đạt 382,72 tỷ USD, với kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 194,3 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước, nhập khẩu ước đạt 188,42 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2018.

9 tháng năm 2019, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong nước đạt 3.634,8 nghìn tỷ đồng, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 9,2% (cùng kỳ năm 2018 tăng 9,1%).

Một số chuyên gia kinh tế cho rằng, giữa thời điểm mà kinh tế, thương mại, chính trị, an ninh thế giới có nhiều biến động đáng lo ngại, kinh tế vĩ mô trong nước vẫn ổn định, lạm phát được kiểm soát thấp nhất trong 3 năm 2017-2019. Tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm giảm dần, thu nhập của người lao động tăng lên, an sinh xã hội được quan tâm thực hiện…đây thực sự là những tín hiệu đáng mừng của kinh tế Việt Nam.

Chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ

Kết quả tăng trưởng đã khẳng định tính quyết đoán, kịp thời và hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các địa phương trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng năm 2019.

8302013-44053-pm-1503650632063-24-0-387-580-crop-1503650639915-1503712425130

Hình minh họa

Ngay từ đầu năm, Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo đẩy mạnh công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, ổn định kinh tế vĩ mô. Các bộ, ngành và địa phương đã theo dõi sát diễn biến tình hình quốc tế, trong nước, ban hành và tập trung tổ chức triển khai quyết liệt, cụ thể ngay từ những ngày đầu năm 2019 các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP, số 02/NQ-CP, các nghị quyết chuyên đề của Chính phủ, Chỉ thị số 09/CT-TTg và các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; tập trung vào nhiệm vụ, giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô; triển khai cơ cấu lại kinh tế trong các ngành, lĩnh vực; tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; kịp thời tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng trong từng ngành, lĩnh vực của nền kinh tế; cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp; đẩy mạnh giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2019; đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí;...và đã đạt được nhiều kết quả tích cực, quyết tâm hoàn thành mục tiêu tăng trưởng và các chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

Năm 2019 là năm bứt phá, có ý nghĩa quyết định trong việc hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020. Quý IV là quý quan trọng nhất quyết định đến khả năng đạt hay không đạt mục tiêu kế hoạch năm.

Do đó, trong 3 tháng cuối năm 2019, Bộ Công Thương tiếp tục đề cao trách nhiệm, bám sát tình hình, chủ động, quyết liệt hành động; kiên định thực hiện đồng bộ và hiệu quả các giải pháp đã đề ra, nhất là 4 nhóm trọng tâm và 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tại Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ, các nhiệm vụ cụ thể tại Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ; Chỉ thị 09/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ cũng như các văn bản chỉ đạo, điều hành khác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; tập trung bám sát diễn biến, tình hình, tuyệt đối không chủ quan, chủ động và sẵn sàng các phương án ứng phó kịp thời, hiệu quả với những biến động mới phát sinh và các sự cố có thể xảy ra; duy trì nỗ lực của toàn hệ thống, tạo chuyển biến rõ nét trong các tháng còn lại của năm 2019, bảo đảm đạt mục tiêu tăng trưởng và các chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra./.

Thành Trung

NỔI BẬT TRANG CHỦ