(Tổ Quốc) -Trước đây, với rất nhiều chương trình hay nhưng các nhà hát thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) chưa chú trọng tới việc làm truyền thông tới khán giả.
Nhưng với chủ trương lớn của Bộ đưa các chương trình chất lượng nghệ thuật cao diễn tại Nhà hát Lớn, giờ đây, các nhà hát đang có một đợt chuyển mình với tư duy truyền thông mạnh mẽ, sáng tạo.
“Chưa bao giờ lại có thể mơ bán được vé nhiều như vậy"
NSƯT Thanh Ngoan, Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam cho hay, trước đêm công diễn đầu tiên của Nhà hát Chèo tại Nhà hát Lớn, chị chưa bao giờ lại có thể mơ bán được vé nhiều như vậy.
Trong niềm cảm xúc dâng trào, NS Thanh Ngoan đã gửi lời cảm ơn tới Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện trong chiến dịch vừa qua để Nhà hát Chèo có thể tiếp cận tới nhiều khán giả, truyền thông vào cuộc với những phản hồi rất tốt. Để ngoài tới Nhà hát Lớn, khán giả có thể tới Nhà hát Chèo ở Kim Mã trong hàng tuần, hàng tháng xem các chương trình.
“Chúng tôi ngay từ sớm đã cùng với Nhà hát Lớn trao đổi kế hoạch marketing, truyền thông, quảng bá chương trình để kéo khán giả tới rạp. Tôi rất mong, Nhà hát Chèo lại được tới công diễn tại đây” – NS Thanh Ngoan chia sẻ.
Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ Trương Nhuận: "Chúng tôi không biết làm truyền thông, không biết kết nối cộng đồng" |
Trong khi đó, Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ Trương Nhuận đánh giá 3 chương trình nghệ thuật đỉnh cao vừa qua thành công nói phải kể tới dấu ấn tác động rất lớn của truyền thông của nhà hát.
“Đơn cử, rất may mắn là cách đây 2 hôm Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện bất chợt “vi hành” xuống nhà hát, Bộ trưởng đã cho một số ý kiến chỉ đạo cũng như tư duy quyết định cho nhà hát” – Giám đốc Trương Nhuận cho biết.
Vị giám đốc nhà hát này cũng chia sẻ, Nhà hát luôn có nhiều chương trình chuẩn bị công phu như vở kịch “Công lý không gục ngã” sẽ được diễn tại Nhà hát Lớn trong thời gian tới.
“Chương trình này, Nhà hát quy tụ các nghệ sĩ hàng đầu, khán giả xem tại Nhà hát Tuổi trẻ xúc động, khán phòng lặng như tờ. Nhưng họ có trao đổi lại với chúng tôi, tại sao vở kịch hay như thế này mà không bán được vé. Đây là lỗi của chúng tôi không biết làm truyền thông, không biết kết nối cộng đồng”- Giám đốc Trương Nhuận nói.
Thời gian tới, Ban Giám đốc sẽ làm theo hướng chỉ đạo của Bộ trưởng: quảng bá thương hiệu và Nhà hát phải thay đổi mạnh mẽ hơn nữa, vận động anh em nghệ sĩ kết nối với doanh nghiệp chẳng hạn.
Các nhà hát phải biết làm truyền thông
Theo chỉ đạo của Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện: các đơn vị phải biết làm thương hiệu. Trong đó chú trọng ba yếu tố: xây dựng chất lượng nghệ thuật tốt, có nơi biểu diễn tốt và khán giả tốt. Với ba yếu tố này, Bộ trưởng cho rằng, khi đó, các nhà hát sẽ có thương hiệu và đi diễn ở đâu cũng sẽ thành công.
“Bộ có thể có chương trình tập huấn làm thương hiệu kinh tế, truyền thông như thế nào cho các nhà hát để bán vé. Đưa các nghệ sĩ nổi tiếng nhất của nhà hát, phối hợp với Nhà hát Lớn để quảng bá cũng là một cách tốt. Thời gian đầu Bộ sẽ hỗ trợ về mặt truyền thông. Các nhà hát phải biết khán giả cần gì chứ không phải chúng ta có gì…” – Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nhắn nhủ.
Đánh giá cao Dàn nhạc Giao hưởng làm thương hiệu tốt, luôn có sẵn chương trình biểu diễn hàng năm ngay từ đầu năm, Bộ trưởng đề nghị các nhà hát khác cũng phải quan tâm tới vấn đề thương hiệu như vậy. Các đơn vị khác như Nhà hát Nhạc vũ kịch cùng đối tượng khán giả là người nước ngoài như Dàn nhạc Giao hưởng thì có thể học hỏi nhau để làm truyền thông.
Nhiều ý kiến cũng đề nghị các nghệ sĩ của các nhà hát, tới giờ giải lao ra giao lưu với khán giả, chụp hình để khán giả được trao đổi, đăng những tấm hình đó lên các trang mạng xã hội thì đó cũng là cách truyền thông tốt.
NSƯT Thanh Ngoan mong mỏi được làm truyền thông chuyên nghiệp. |
Trong khi đó, trả lời câu hỏi phỏng vấn báo Điện tử Tổ Quốc, với các môn nghệ thuật truyền thống, NSƯT Thanh Ngoan mong mỏi, các hoạt động truyền thông ngoài tập trung vào các gương mặt nghệ sĩ nổi trội thì có thể tìm hiểu sâu thêm về những công việc nhọc nhằn của các nghệ sĩ đam mê nghệ thuật truyền thống để khơi gợi sự tò mò, sự khám phá, hiểu biết sâu của khán giả.
“Tôi từng đi diễn ở các chương trình của công ty tổ chức sự kiện, họ không đầu tư sâu về chất lượng nghệ thuật nhưng lại làm truyền thông rầm rộ. Tôi mong truyền thông của Bộ VHTTDL và các nhà hát liên kết với nhau để vừa tạo dựng, quảng bá thương hiệu vừa làm truyền thông chuyên nghiệp” – NSƯT Thanh Ngoan chia sẻ.
Được biết, theo sự chỉ đạo của Bộ trưởng, để thu hút khán giả đối với các loại hình nghệ thuật truyền thống, ngay từ bây giờ, các nhà hát đã chủ động cử cán bộ khảo sát việc bán vé, quảng bá và đề nghị Nhà hát Lớn giúp sớm trong công tác truyền thông ngoài việc đăng trên website của các nhà hát./.
Song Đào, ảnh: Nam Nguyễn