• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Các nhà hát quyết tâm cùng xây dựng thương hiệu “Nhà hát Lớn”

Văn hoá 08/09/2016 15:44

(Tổ Quốc) - Từ dư luận sau ba đêm diễn, có thể khẳng định, chuỗi chương trình đã được khởi động thành công. Đây đã và sẽ là một “thương hiệu” chung của các nhà hát, thương hiệu các chương trình có chất lượng được biểu diễn tại Nhà hát Lớn.

Sáng qua (7.9), Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Nguyễn Ngọc Thiện đã làm việc với các nhà hát thuộc Bộ về biểu diễn các chương trình nghệ thuật, tác phẩm sân khấu đỉnh cao tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

Các nhà hát cùng xây dựng thương hiệu “Nhà hát Lớn”

Theo báo cáo của Cục Nghệ thuật biểu diễn tại buổi làm việc, ba đêm diễn mở màn cho chuỗi chương trình biểu diễn này đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của khán giả. Dư luận, báo chí đánh giá chương trình được tổ chức rất thành công.

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện: "Các nhà hát phải cùng xây dựng thương hiệu "Nhà hát Lớn"- ảnh Nam Nguyễn

 

"Từ dư luận sau ba đêm diễn, có thể khẳng định, chuỗi chương trình đã được khởi động thành công. Đây đã và sẽ là một “thương hiệu” chung của các nhà hát, thương hiệu các chương trình có chất lượng được biểu diễn tại Nhà hát Lớn". báo cáo nêu rõ.

Tại buổi làm việc với các Nhà hát, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nhấn mạnh, khán giả sẽ là vị quan toà khách quan, công minh nhất để thẩm định tác phẩm. Nhìn vào thành công của ba đêm diễn mở đầu thấy rõ con đường duy nhất để sinh tồn của nghệ thuật trong cơ chế thị trường là xây dựng những chương trình tử tế nhất, chất lượng nhất. 

Mục đích cao nhất là phục vụ khán giả- ảnh Nam Nguyễn

 

Bộ trưởng lưu ý, các nhà hát muốn xây dựng được thương hiệu của mình phải có 3 điều kiện: chất lượng nghệ thuật tốt, nơi biểu diễn tốt, khán giả tốt. Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết kể từ buổi diễn thứ 4 trong kế hoạch biểu diễn các chương trình nghệ thuật có chất lượng cao ở Nhà hát Lớn sẽ không còn chuyện phát vé mời, bản thân Bộ trưởng đi xem cũng sẽ tự bỏ tiền ra mua vé. Vì theo Bộ trưởng, chủ trương bán vé và không phát vé mời là việc làm phù hợp với kinh tế thị trường và phá bỏ tư duy đi xem nghệ thuật “chùa” của rất nhiều khán giả lâu nay. “Người làm nghệ thuật cũng cần có cả tư duy làm kinh tế. Những người làm văn hoá nghệ thuật trước hết phải yêu lấy chính mình trước khi kêu gọi người khác đến với nghệ thuật", Bộ trưởng nhấn mạnh.

"Việc biểu diễn trong Nhà hát Lớn buộc các đơn vị nghệ thuật và nghệ sĩ phải đứng trước thách thức rất lớn. Làm tốt sẽ được dư luận ủng hộ, làm kém sẽ bộc lộ ngay và điều đó khiến các đơn vị biểu diễn phải cân nhắc khi đăng ký chương trình vào Nhà hát Lớn”, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện lưu ý các Nhà hát.

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng, trách nhiệm của các nhà hát thuộc Bộ là phải đi đầu trên các lĩnh vực của loại hình nghệ thuật của các nhà hát đó. Các nhà hát của Bộ phải là tấm gương mẫu mực, hàng đầu về chất lượng của mỗi loại hình nghệ thuật, phải vươn tới đỉnh cao của loại hình nghệ thuật đó. 

Quyết tâm cao nhất cho chất lượng nghệ thuật

Phát biểu ý kiến tại buổi làm việc, Lãnh đạo các Nhà hát trực thuộc Bộ hứa với Bộ trưởng sẽ quyết tâm chỉ đạo xây dựng chất lượng nội dung các chương trình nghệ thuật, tất cả các nghệ sĩ rất ao ước, chờ đợi được biểu diễn tại Nhà hát lớn Hà Nội trong thời gian tới đây. 

Nhìn lại ba chương trình nghệ thuật vừa qua, nhiều khán giả cho rằng, so với các chương trình liveshow ca nhạc hiện nay trên thị trường, vé của một chương trình nghệ thuật như Đêm Giao hưởng đặc biệt I (tối 30/8) vừa qua với giá vé cao nhất được ấn định 1 triệu đồng là quá thấp. Trong khi chương trình được đầu tư công phu, chất lượng ở mức cao.

Còn với ông Nguyễn Thế Vinh- Nhà hát Kịch Việt Nam, đơn vị đã biểu diễn vở kịch “Biệt đội báo đen” tối 31/8 vừa qua bày tỏ bất ngờ vì vé của vở diễn được bán ở mức cao, 1 triệu đồng/vé và đã bán được nhiều vé”.

NSƯT Thanh Ngoan- Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam cũng hồ hởi: “Nhờ chủ trương của Bộ trưởng, ba nhà hát vào diễn mở màn ở Nhà hát Lớn đã có được thương hiệu của mình. Nếu cứ duy trì chất lượng các chương trình như thế này, nghệ thuật sẽ thực sự có vị trí, có chỗ đứng của nó. Chúng tôi không mơ Nhà hát Chèo đã bán được nhiều vé như vậy.  Cái được lớn nhất sau chương trình chính là chèo vẫn còn chỗ đứng trong lòng khán giả”.

Ông Trương Nhuận- Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ cho biết: “Nhà hát đã chuẩn bị kỹ vở “Công lý không gục ngã” quy tụ những nghệ sĩ hàng đầu. Trước khi đưa vở diễn ra Nhà hát Lớn, chúng tôi sẽ quảng bá mạnh mẽ hơn nữa theo chỉ đạo của Bộ trưởng”.

Các nhà hát phải mua vé để xem chương trình của nhà hát bạn- ảnh Nam Nguyễn

Trong tháng 9 này, các chương trình được biểu diễn tại Nhà hát Lớn theo đề án của Bộ VHTTDL gồm: vở kịch nói: “Công lý không gục ngã” do Nhà hát Tuổi trẻ thực hiện, công diễn: 20 giờ 00 ngày 10/9 và chương trình múa rối “Nhịp điệu quê hương” do Nhà hát Múa rối Việt Nam biểu diễn 20 giờ 00 ngày 21/ 9

Hoàng Nguyên

NỔI BẬT TRANG CHỦ