• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Các ông lớn thể thao Nike, Yonex chuẩn bị cho kỷ nguyên hậu Covid-19

Chuyện kinh doanh 13/07/2020 13:29

(Tổ Quốc) - CEO của Nike cho biết đại dịch đã khiến người tiêu dùng nhận thức được sự cần thiết của sức khỏe và tập thể dục.

Các nhà sản xuất thời trang thể thao đang chuẩn bị tinh thần cho "cơn bão" về nhu cầu của người tiêu dùng sau dịch Covid-19 với hàng loạt sản phẩm mới và phương thức bán hàng trực tuyến.

Hiện chưa ai có thể dự đoán khi nào đại dịch sẽ được kiểm soát hoàn toàn tại Nhật Bản nhưng các công ty may mặc và đồ thể thao đã chuẩn bị cho giai đoạn hậu Covid-19 với các sản phẩm mới. Yonex đã bắt đầu tung ra một loại vợt mới cho những người đam mê quần vợt, còn Nike có trụ sở tại Mỹ đã thêm nhiều màu mới vào dòng sản phẩm giày của mình.

Tuy việc Olympic Tokyo 2020 phải hoãn vì Covid-19 gây nhiều khó khăn nhưng các nhà sản xuất đồ thể thao vẫn tìm cách để đặt nền tảng cho sự phát triển trong tương lai.

Lần cuối Yonex ra mắt sản phẩm vợt tennis mới là 3 năm trước. Còn lần này, cùng phát triển với cựu vận động viên quần vợt Kimiko Date, sản phẩm mới của họ nhắm đến người đam mê ở độ tuổi từ 30 trở lên. Được biết, cây vợt mới có thể giúp người dùng trả lại bóng hiệu quả hơn và nhẹ hơn 12% so với các dòng vợt trước đó.

Các ông lớn thể thao Nike, Yonex chuẩn bị cho kỷ nguyên hậu Covid-19 - Ảnh 1.

Dòng vợt mới của Yonex.

50% doanh thu của Yonex đến từ Nhật Bản. Khi đại dịch bùng phát tại đây, các hoạt động thể thao đã buộc phải tạm dừng. Hàng loạt giải đấu cũng bị hủy bỏ. Vì vậy, doanh số tháng 3 của Yonex đã giảm 30% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tình hình vẫn khá khó khăn trong tháng 4 và tháng 5, đủ để Yonex từ bỏ kế hoạch kinh doanh trung hạn, vốn dự kiến kết thúc vào năm tài chính năm nay. Tuy nhiên, Yonex vẫn tiếp tục phát triển sản phẩm mới để sẵn sàng nắm bắt nhu cầu về đồ thể thao trong thời kỳ hậu Covid-19.

Trong khi đó, ngày 2/7 vừa qua, Nike đã thêm nhiều màu mới cho dòng giày chạy Air Zoom Alphafly "bom tấn" của mình. Công ty đã nối lại hoạt động tại Nhật Bản sau khi tuân thủ các quy tắc an toàn liên quan đến dịch Covid-19 của chính quyền địa phương.

CEO John Donahoe cho biết đại dịch đã khiến người tiêu dùng nhận thức được sự cần thiết của sức khỏe và tập thể dục. Do đó, thể thao sẽ trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

Thị trường hàng thể thao tại Nhật Bản năm 2019 được dự báo sẽ tăng 2,1% so với năm trước lên 1,57 nghìn tỷ yên (khoảng 14,6 tỷ USD), theo Viện nghiên cứu Yano có trụ sở tại Tokyo. Đó sẽ là năm tăng trưởng thứ tư liên tiếp. Nếu việc hoãn Olympic Tokyo 2020 không được thực hiện, thị trường dự kiến sẽ tăng 1,8% lên 1,6 nghìn tỷ yên vào năm 2020.

Công ty nghiên cứu thị trường INTAGE đã khảo sát hơn 800 người vào giữa tháng 5 và nhận thấy rằng dưới 60% trong số đó nói rằng tập thể dục không đủ và suy nhược cơ thể là những vấn đề xuất hiện khi họ phải ở nhà vì Covid-19. Vậy nên, nhu cầu với hàng thể thao được đánh giá là sẽ tăng cao sau đại dịch.

Nhiều công ty sản xuất đồ thể thao đã hoạt động tốt cho đến năm 2019. Điều đó được thúc đẩy bởi việc quần áo thể thao ngày càng được sử dụng nhiều hơn vào trang phục hàng ngày.

Những công ty cung cấp trang phục và thiết bị cho Olympic Tokyo vốn phát triển tốt nay lại đang gặp không ít thách thức do sự kiện này bị hoãn. Ví dụ như Yonex, Adidas Nhật Bản và Sumitomo Rubber Industries đều là các nhà cung cấp độc quyền sản phẩm bóng cho trận đấu và dịch vụ cho vận động viên. Dù vậy, năm nay mọi chuyện đã khác khi đại dịch bùng nổ và tác động đáng kể đến các thương hiệu.

Tuy nhiên, vẫn có tin vui trong cuộc khủng hoảng vì đại dịch. Tất cả các công ty trên đều tăng đáng kể doanh số bán hàng trực tuyến. Trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 3, doanh số trực tuyến của ASICS đã tăng 60% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, doanh thu toàn bộ năm tài chính của Goldwin tăng 45%.

Nhiều thương hiệu cho biết sẽ tập trung thúc đẩy doanh số bằng cách liên kết giữa thương mại điện tử với cửa hàng vật lý. Ngoài ra, họ còn lên kế hoạch sử dụng mạng xã hội nhiều hơn để thu hút khách hàng.

Các công ty cũng đang rục rịch ra mắt sản phẩm mới để cạnh tranh với đối thủ trên thị trường. Có thể nói, giai đoạn tạm hoãn Olympic Tokyo là cơ hội tốt để các công ty có thêm thời gian để xúc tiến bán hàng.

Tất nhiên, sẽ mất thời gian để những "hạt giống" như vậy đơm hoa kết trái nhưng không thể phủ nhận, nhu cầu với hàng thể thao có khả năng sẽ tăng mạnh sau khi đại dịch qua đi và các thương hiệu cần chuẩn bị sẵn sàng ngay từ bây giờ.

Gia Vũ

NỔI BẬT TRANG CHỦ