• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Các tác giả trẻ đã có được dấu ấn riêng

Văn hoá 06/05/2018 06:15

(Tổ Quốc) - Cuộc thi truyện ngắn trên Báo Văn nghệ giai đoạn 2015-2017 đã khép lại với 3.300 tác phẩm gửi về dự thi. Sáng 04/5, Báo Văn nghệ đã tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm thành lập và trao giải Cuộc thi.

Nhân dịp này, Báo điện tử Tổ Quốc đã thực hiện cuộc trao đổi với tác giả trẻ Bùi Việt Phương, cũng là nhà phê bình văn học luôn theo sát thời sự văn học Việt Nam.

 Báo Văn nghệ kỷ niệm 70 năm thành lập và trao giải Cuộc thi truyện ngắn báo Văn nghệ (2015-2017)

- Xin tác giả chia sẻ cảm xúc khi là một trong 28 tác giả có tác phẩm được BGK lựa chọn vào vòng chung khảo Cuộc thi truyện ngắn Báo Văn nghệ 2015-2017?

Chắc hẳn cũng như nhiều tác giả khác, cảm xúc của tôi là vui và bất ngờ. Vui vì mình đã may mắn, bất ngờ vì thể nghiệm của mình đã được đón nhận. Riêng tôi, còn có thêm một nét khác, tôi đến với truyện ngắn khá muộn và có thêm động lực để tiếp tục tập viết truyện ngắn. Một lần nữa xin chúc mừng các tác giả đã được vinh danh trong cuộc thi này.

- Anh nhìn nhận như thế nào về những tác phẩm tham gia cuộc thi lần này?

Theo suy nghĩ của cá nhân tôi, trong cuộc thi này, không có nhiều đề tài mới được lựa chọn, những cách viết với văn phong lạ cũng không nhiều, ngay cả lối viết của chùm truyện ngắn đoạt giải nhất cũng rất bình dị. Tuy nhiên, các tác phẩm cũng đã có những cái nhìn mới mẻ, suy cảm sâu sắc về cuộc sống. Dường như đó mới là điều mà độc giả chờ đợi ở truyện ngắn, một cái nhìn về những gì họ cũng đã nếm trải.

- Trong số 41 tác phẩm của 28 tác giả vào chung khảo, anh ấn tượng với tác giả và tác phẩm nào nhất?

Trong số tác phẩm của 28 tác giả, tôi đặc biệt ấn tượng với “Cây cổ mộc trổ hoa” của Lê Quang Trạng. Anh là tác giả trẻ nhất (sinh năm 1996) nhưng có tư duy truyện ngắn sắc sảo, dù có bộc lộ những non nớt tất yếu của một người viết trẻ nhưng đầy hứa hẹn. “Cây cổ mộc trổ hoa” của Lê Quang Trạng không bị lẫn, không bị khuất lấp giữa “rừng văn”.

 Nhà văn Bùi Việt Phương

- Có nhiều cây bút mới xuất hiện trong cuộc thi cũng đã được các giám khảo cuộc thi đánh giá cao, đặc biệt là những tác giả trẻ như Lê Vũ Trường Giang (vừa được trao Giải thưởng “Chạm” hôm 20/4) cũng xuất hiện trong danh sách với truyện ngắn “Bạc màu áo ngự”. Là một tác giả trẻ, anh nghĩ sao về “dấu hiệu” này?

Tôi nghĩ rằng, sự xuất hiện của Lê Vũ Trường Giang cũng như Lê Quang Trạng, Đinh Phương, Trung Long, Dương Giao Linh… cho thấy thể loại truyện ngắn được những người viết trẻ rất quan tâm. Đó là những bạn trẻ đam mê và có những suy nghĩ cũng như dũng cảm đối diện với những vấn đề của cuộc sống, nếu anh dám đối diện thì sẽ tránh được việc đi vào những lối mòn của sáng tác. Tôi cũng thấy các bạn không cực đoan để tạo lập tên tuổi của mình bằng những cách viết khiên cưỡng. Một điều đặc biệt là họ đã không quên sứ mệnh viết về thời đại và thế hệ của mình.

Năm 2018 - Báo Văn nghệ tròn 70 tuổi

 

- Để có được những thành quả của cuộc thi không thể thiếu vai trò của Báo Văn nghệ. Được biết sáng nay Báo Văn nghệ cũng đã tổ chức kỷ niệm 70 năm thành lập. Trải qua 70 năm thăng trầm, tờ báo này đã có nhiều thay đổi, là một độc giả trẻ của Báo, anh mong chờ điều gì ở tờ báo này trong thời gian tới?

Với chặng đường 70 năm qua, dù không ít trông gai, thử thách, Báo Văn nghệ đã nỗ lực để làm tốt nhiệm vụ của một tờ báo văn chương, nơi công bố và tôn vinh những sáng tác chuyên nghiệp cũng như mang đến hơi thở cho đời sống văn chương nước nhà. Tôi hy vọng rằng 70 năm phía sau lưng và nhiều 70 năm sau nữa sẽ là điểm tựa thời gian vững chắc để Báo củng cố và phát triển hơn, xứng đáng là “khuôn vàng, thước ngọc” để những người viết phấn đấu để khẳng định tài năng của mình.

- Xin cảm ơn nhà văn!

Minh Thư (thực hiện)

NỔI BẬT TRANG CHỦ