• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Các tập đoàn đồ điện gia dụng Nhật Bản tìm lối thoát mới

Kinh tế 28/08/2014 05:50

(Toquoc)-Ngành sản xuất đồ điện gia dụng vang bóng một thời của Nhật đổi mới công nghệ, quản trị nhằm tồn tại cạnh tranh toàn cầu.

(Toquoc)-Ngành sản xuất đồ điện gia dụng vang bóng một thời của Nhật Bản đổi mới công nghệ và quản trị nhằm tồn tại cạnh tranh toàn cầu.

Đã từng là động lực chính để vực dậy đà phát triển nhanh chóng của nền kinh tế Nhật Bản, đã từng tạo nên danh tiếng lẫy lừng với các sản phẩm “Made in Japan” trên thị trường thế giới, hiện nay những đại gia đồ điện gia dụng Nhật Bản đang phải vật lộn để thoát ra khỏi cảnh làm ăn thua lỗ lớn. Cùng với sự cạnh tranh gay gắt của một loạt các tên tuổi mới nổi như Samsung, LG, HTC, Huawei, Xiaomi…, thị phần của các công ty điện tử và đồ điện gia dụng của Nhật Bản ngày một bị thu hẹp tại thị trường trong và ngoài nước. Điều này đã buộc các doanh nghiệp Nhật Bản phải tìm lối thoát mới nếu muốn tồn tại và cạnh tranh lâu dài. Một dấu hiệu đáng khích lệ là báo cáo tài khóa quý 2, năm 2014 của ba đại gia sản xuất đồ điện gia dụng hàng đầu Nhật Bản đều trình làng những bảng thành tích khả quan, dường như điều này đã làm cho ngành chế tạo Nhật Bản “ngửi thấy” hơi thở của mùa xuân mới.



Chỉ số bán hàng của của công ty gia dụng Nhật Bản ngày càng sút kém, thua lỗ

Doanh số kinh doanh của 3 đại gia đồ điện gia dụng cải thiện

Gần đây, ba anh cả của ngành đồ điện gia dụng Nhật Bản bao gồm Panasonic, Sony và Sharp đều đã đưa ra báo cáo tài chính quý 2/2014, kết quả hầu hết đều khả quan hơn dự báo ban đầu: lợi nhuận ròng của Panasonic tăng 35% so với cùng kỳ, Sony tăng 8 lần, số tiền thua lỗ của Sharp cũng được thu hẹp đáng kể.

Theo báo cáo quý mà Panasonic công bố, từ tháng 4 đến tháng 6 năm nay, doanh thu của công ty này đạt 1.852,3 tỷ Yên, lợi nhuận ròng đạt 37,9 tỷ Yên, tăng 35% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này có nghĩa sau khi thua lỗ trong năm 2013, hiện nay Panasonic đang bước vào quỹ đạo tăng trưởng kép của doanh thu và lợi nhuận. Báo cáo tài chính của Sony cũng cho thấy, doanh thu của công ty này tăng 5.8% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 1809,9 tỷ Yên, lợi nhuận ròng đạt 26,8 tỷ Yên, tăng 757,3%. Trong đó, nghiệp vụ đồ dùng gia dụng của công ty Sony đã kết thúc chuỗi ngày làm ăn thua lỗ, lần đầu tiên có lãi. Được hưởng lợi từ sự gia tăng doanh số tiêu thụ màn hình tinh thể lỏng ở các thị trường châu Âu và châu Á-Thái Bình Dương, lợi nhuận của nghiệp vụ đồ điện gia dụng của Sony đã tăng từ 2,7 tỷ yên lên đến 7,9 tỷ.

Trong quý 2, doanh thu của Sharp đạt 619,7 tỷ yen, tăng 1,9% so với cùng kỳ, số tiền thua lỗ 1,7 tỷ yen, thấp hơn mức cùng kỳ năm ngoái là 17,9 tỷ yen. Theo như thông tin, nguyên nhân dẫn đến hiện tượng Sharp tiếp tục làm ăn thua lỗ là do có liên quan đến vụ tố tụng dân sự màn hình tinh thể lỏng, và cuộc cải cách cơ cấu nghiệp vụ năng lượng mặt trời ở châu Âu. Tuy nhiên, công ty này dự báo, doanh thu cả năm 2014 của công ty sẽ đạt 3000 tỷ yen, lợi nhuận dòng đạt 30 tỷ yen, tăng 2.6 lần so với năm tài khóa 2013.

Ngành chế tạo dần dần sống lại

Việc doanh số kinh doanh của  các công ty Panasonic, Sony và Sharp dần dần ấm lên dường như chỉ là một bức tranh thu nhỏ về việc các doanh nghiệp chế tạo Nhật Bản trở thành một “liều thuốc trợ tâm” cho nền kinh tế Nhật Bản. Ngoài 3 đại gia điện tử này ra, thì doanh số bán hàng của hàng loạt các công ty trong ngành chế tạo khác càng rực rỡ hơn. Theo đó, lợi nhuận kinh doanh quý 2 của công ty ô tô Nissan tăng lên 122,6 tỷ yen, doanh thu đạt 2.470 tỷ yen, tăng 10,4%. Ngoài ra, lợi nhuận dòng của công ty ô tô Mitsubishi cũng đã đạt kỷ lục trong quý này.

Do vào ngày 1/4/2014, Nhật Bản đã tăng thuế tiêu thụ, nên thị trường không có nhiều kỳ vọng vào những biểu hiện kinh tế của nước này trong quý 2. Tuy nhiên, theo số liệu điều tra của công ty chứng khoán Nhật Bản SMBC Nikko Securities, tính đến hết ngày 31/7, tỷ lệ lợi nhuận ròng của các công ty niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Tokyo (không bao gồm các tổ chức tài chính và các doanh nghiệp sự nghiệp công) đã tăng trưởng 12% so với cùng kỳ, trong đó lợi nhuận của các doanh nghiệp trong ngành chế tạo tăng đến 17%. Nguyên nhân chủ yếu là do các doanh nghiệp này được hưởng lợi từ việc đồng yên giảm giá so với đồng đô la, khiến cho giá trị bán hàng của các doanh nghiệp Nhật Bản tại nước ngoài tăng lên.

Nghiệp vụ truyền thống làm “phép trừ”

Động lực tăng trưởng doanh số kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành chế tạo đồ điện gia dụng của Nhật Bản đã không còn bắt nguồn từ đồ điện gia dụng nữa. Mặc dù nghiệp vụ đồ điện gia dụng của công ty Sony đã chấm dứt chuỗi ngày làm ăn thua lỗ, tuy nhiên doanh thu quý 2 của các nghiệp vụ khác như dịch vụ mạng và trò chơi của Sony đã đạt đến 257,5 tỷ yen, tăng 95,7%. Trong 10 năm qua, nghiệp vụ đồ điện gia dụng đã trở thành rào cản chắn đường của Sony. Theo ước tính của Tuần báo thương mại Mỹ, trong 10 năm qua, ngành sản xuất TV của Sony đã thua lỗ 8 tỷ USD.

Toshiba cũng đang làm “phép trừ” đối với nghiệp vụ sản xuất TV màu. Để có thể giảm bớt thua lỗ cho ngành sản xuất của mình, sau khi đóng cửa nhà máy sản xuất tivi tại châu Âu và Trung Quốc, năm nay Toshiba có kế hoạch đóng cửa một nửa số đại lý tiêu thụ tivi ở nước ngoài. Dưới sự lãnh đạo của CEO mới Amatsu Hiroshi, Panasonic cũng không ngừng điều chỉnh các nghiệp vụ, theo đó hãng này đã quyết định từ bỏ nghiệp vụ TV plasma và điện thoại thông minh, đồng thời nhắm mũi tên chiến lược vào sản xuất các thiết bị gia đình tiết kiệm năng lượng. Ngoài ra, công ty Panasonic còn có một điểm tăng trưởng hoàn toàn mới, đó là cùng góp vốn với công ty Tesla xây dựng một công xưởng sản xuất pin siêu hạng tại Mỹ.

Vài năm sau, trong số các đại gia đồ điện gia dụng toàn cầu có lẽ sẽ không còn xuất hiện những cái tên lẫy lừng một thời như Panasonic, Sony hay Sharp nữa, chúng có thể không còn được gọi là đại gia đồ điện gia dụng nữa. Theo các nhà phân tích, sau khi trải qua quá trình chuyển đổi mô hình và điều chỉnh kết cấu, Sony, Panasonic… đã bắt đầu ngửi thấy mùa xuân mới, tuy nhiên các hãng này còn phải cạnh tranh gay gắt với các công ty công nghệ đến từ Hàn Quốc, Mỹ, Trung Quốc.

Quá trình thực sự phục hồi của các sản phẩm gia dụng “Made in Japan” quả là gánh nặng đường xa.

Nguyễn Nam (Gt)

NỔI BẬT TRANG CHỦ