• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Các thời kỳ lễ hội của người Việt

01/03/2017 07:00

(Cinet)- “Lễ hội” và “hội lễ” là hai thuật ngữ tương đương do các nhà khoa học đặt ra. Hiện nay, trong xã hội và trên các phương tiện thông tin đại chúng, chủ yếu người ta sử dụng cụm từ “lễ hội”.

(Cinet)- “Lễ hội” và “hội lễ” là hai thuật ngữ tương đương do các nhà khoa học đặt ra. Hiện nay, trong xã hội và trên các phương tiện thông tin đại chúng, chủ yếu người ta sử dụng cụm từ “lễ hội”.



>>> Giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc qua các lễ hội




Có người cho rằng, lễ hội là một tổng thể bao gồm lễ và hội. Người khác không tán thành, cho rằng không thể chia tách như vậy được, bởi lễ hội là cả một không gian thiêng, từ trong đình đến cả những bãi cỏ ở ngoài đình, nơi diễn ra những đám rước và các cuộc thi tài. Song Truyện Kiều của Nguyễn Du đã từng có câu thơ: “Thanh minh trong tiết tháng ba/ Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh”. Xưa kia, người dân thường nói “đi hội”, “trẩy hội”, “vào đám”, “hội hè đình đám”. Có nhiều loại lễ hội. Từ năm 1976, nhà dân tộc học Lê Thị Nhâm Tuyết phân chia hội làng thành 5 loại: loại hình hội nông nghiệp; loại hình hội phồn thực giao duyên; loại hình hội văn nghệ, giải trí; loại hình hội thi tài; loại hình hội lịch sử. Ở nước ta, nơi nào cũng có lễ hội. Song ở Bắc Bộ, lễ hội ra đời sớm hơn, phong phú hơn, có nhiều lễ hội lớn, đặc biệt có lễ hội đền Hùng là lễ hội có quy mô toàn quốc. Vì vậy, ở đây chủ yếu chúng tôi bàn về lễ hội của người Việt ở Bắc Bộ. Có thể phân chia lịch sử lễ hội của người Việt ở Bắc Bộ từ xưa đến nay thành bốn thời kì.

Ảnh minh họa. Nguồn: hanhtrinhtamlinh.com



1. Thời kì thứ nhất: lễ hội trong thời kì Đông Sơn



Thời kì Đông Sơn bắt đầu khoảng 6, 7 thế kỉ trước Công nguyên cho đến một vài thế kỉ sau Công nguyên. Trong thời kì xây dựng nền văn hoá Đông Sơn, người Lạc Việt (tổ tiên của người Việt hiện nay) với số dân từ nửa triệu tăng dần lên đến một triệu đã từng bước khai thác và cải tạo sông Hồng. Họ đắp đê, khoanh vùng ruộng nương để cấy lúa theo hai vụ chiêm - mùa (1). Trong thời kì này, đã xuất hiện quyền lực tiền Nhà nước. Biểu tượng quyền lực của các thủ lĩnh Việt cổ (vua Hùng) là trống đồng. Trống đồng Đông Sơn thể hiện quan niệm của người Việt cổ về vũ trụ. Khi chế tạo mặt trống với hình mặt trời ở trung tâm, họ quan niệm đấy là hai tầng thế giới gồm cả trời và đất. Tang trống có hình thuyền và những con vật sống dưới nước là cõi nước ở bên cạnh. Còn thân trống với những hình vật tổ là cõi âm ở bên dưới (2).



Lễ hội được mở vào mùa thu. Đánh trống đồng là một nghi thức không thể thiếu. Khi đánh trống, người ta không đánh từng chiếc mà hòa tấu từng đôi hoặc nhiều đôi trống một lúc. Bơi thuyền và những hoạt động trên sông nước là một trong những hoạt động quan trọng nhất của ngày hội. Ngày hội cũng là dịp người Việt cổ sinh hoạt văn nghệ, đặc biệt các nam nữ thanh niên rất thích hát đối đáp, hát kể chuyện và nhảy múa. Ngoài ra, những người dự hội còn đánh cồng để cầu mùa, cầu sự sinh sôi, nảy nở.



2. Thời kì thứ hai: lễ hội trong thời kì Tiền Đại Việt



Có người gọi thời kì này là thời kì Bắc thuộc và chống Bắc thuộc hoặc thời kì Thiên niên kỉ đầu Công nguyên. Trong thời kì này, người Việt có những cuộc tiếp xúc tự nguyện và tiếp xúc bất đắc dĩ với văn minh Trung Hoa, có sự giao lưu với văn minh Ấn Độ. Mỗi dịp mở hội là một dịp người Việt khẳng định tinh thần bất khuất, chứng tỏ sức sống của mình.



Cùng với sự du nhập của lịch phương Bắc, của phong tục ăn Tết Nguyên đán, với sự có mặt ngày càng ổn định và có hiệu quả của lúa chiêm tăng vụ, thời gian mở hội làng đã chuyển dần từ mùa thu sang mùa xuân, hội xuân dần dần thay thế hội thu, nhưng hội thu không bị mất hẳn, vì thế mà cả hai hội cùng tồn tại (xuân thu nhị kì). Hội chùa xuất hiện. Đến thời kì này, lễ hội không chỉ phản ánh tín ngưỡng phồn thực của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước, mà còn thể hiện ý nghĩa Phật giáo đã được Việt hóa. Mỗi dịp mở hội là một dịp cư dân Việt sùng bái, tưởng niệm, diễn lại sự tích các anh hùng dân tộc. Các vị này đã trở thành Thần Thành hoàng của nhiều xóm làng cư dân Việt.



3. Thời kì thứ ba: lễ hội trong thời kì xây dựng quốc gia Đại Việt độc lập, tự chủ



Thời kì này bắt đầu từ khi Ngô Quyền xưng vương (939) cho đến năm 1883 - 1884 (thời điểm nhà Nguyễn kí các hiệp ước thừa nhận sự đô hộ của thực dân Pháp). Có thể chia lễ hội thời kì này thành ba giai đoạn.



3.1. Giai đoạn từ năm 939 đến hết thế kỉ XIV



Trong giai đoạn này, lễ hội dân gian phát triển trong điều kiện cực thịnh của Phật giáo, ranh giới giữa văn hóa dân gian và văn hóa bác học chưa sâu sắc. Lễ hội vẫn được mở tập trung vào mùa xuân; hội mùa thu cũng vẫn có mặt nhưng không nhiều bằng. Hội chùa phát triển nhất ở lưu vực sông Hồng. Dưới các triều đại Lý - Trần, lễ hội không chỉ có ý nghĩa Phật giáo, mặc dù đây là một ý nghĩa bao trùm, nổi bật. Trong các lễ hội, còn có ý nghĩa Đạo giáo, ý nghĩa biết ơn Thần Thành hoàng và tín ngưỡng nguyên thủy. Tính chất cởi mở, dân chủ hào hứng rất đậm nét trong các lễ hội.

Ảnh minh họa. Nguồn: dantri.com.vn



3.2. Giai đoạn thế kỉ XV



Ở giai đoạn này, hội chùa vẫn được mở nhưng không còn rộn ràng, nhộn nhịp như ở giai đoạn trước. Trong một lễ hội, thường vẫn có sự pha trộn của nhiều tín ngưỡng: tín ngưỡng nguyên thủy, tín ngưỡng Phật giáo, tín ngưỡng Đạo giáo, tín ngưỡng Thành hoàng. Trong các sinh hoạt văn nghệ tại các lễ hội, đã có sự phân biệt rạch ròi giữa cung đình, bác học với dân gian, quan nhạc (nhạc chính thức của nhà nước) khác hẳn nhạc giáo phường (nhạc dân gian). Các sinh hoạt văn nghệ dân gian không chỉ bị triều đình kì thị mà còn bị áp chế, cấm đoán. Năm 1437, Lê Thái Tông bãi bỏ hát chèo và cấm nhạc dân gian trong buổi lễ yết Thái miếu. Năm 1465, Lê Thánh Tông ra lệnh cấm các buổi chèo hát kéo dài trong các hội hè đình đám ở nông thôn. Khi hội làng được tiến hành cùng với việc tổ chức tế lễ ở đình, cùng với việc thâm nhập của Nho giáo vào làng quê, một bộ phận của hội làng - việc tế lễ ở đình - bị quy định bởi những nghi thức rập khuôn, chịu ảnh hưởng của những nghi thức Nho giáo như độc chúc, tiến tửu.



3.3. Giai đoạn từ đầu thế kỉ XVI đến cuối thế kỉ XIX (cụ thể là 1883 - 1884)



Trong giai đoạn này, lễ hội dân gian phát triển trong hoàn cảnh chế độ phong kiến có những dòng họ mới cầm quyền, đất nước nhiều phen bị chia cắt và đã bùng nổ nhiều cuộc khởi nghĩa của nông dân. Các triều đại phong kiến giống nhau ở chỗ đề cao Nho giáo, hạn chế sự phát triển của Phật giáo. Trên thực tế, ở các thôn làng, Đạo giáo và Phật giáo không bị mất đi, đặc biệt Phật giáo phát triển mạnh. So với giai đoạn Lý - Trần, Đạo giáo và Phật giáo ở giai đoạn này bộc lộ nhiều yếu tố tiêu cực. Lễ hội được tổ chức ở chùa, đình, đền, vào cả hai mùa xuân, thu. Các tín ngưỡng phồn thực, tín ngưỡng Thành hoàng, sự sùng bái các nhân vật lịch sử... đều được duy trì. Trong một lễ hội thường có nhiều lớp ý nghĩa, nhiều mục đích, nhiều tầng văn hóa. Ở thế kỉ XVII, hội đình rất phát triển. Trong các ngày hội làng, một mặt thì tính chất hồn nhiên, cởi mở của ngày hội bị biến chất do tầng lớp chức sắc trong làng xã chú trọng đến những nghi thức rước sách, tế lễ phiền toái, việc ăn uống chè chén trong chốn đình trung; mặt khác, dựa vào “lệ làng”, đông đảo dân chúng, đặc biệt là các nam nữ thanh niên đã nhân ngày hội mà vượt khỏi lễ giáo phong kiến, dù chỉ là trong một mức độ nhất định và với một thời gian hạn hẹp, để trở về quá khứ xa xưa của loài người, trong đó con trai, con gái tự do luyến ái, mọi người đều bình đẳng, hòa đồng với thiên nhiên và trong cộng đồng.



4. Thời kì thứ tư: lễ hội từ cuối thế kỉ XIX đến nay



4.1. Giai đoạn từ cuối thế kỉ XIX đến Cách mạng tháng Tám năm 1945



Hội làng ở nông thôn về cơ bản vẫn giống như hội làng ở thời kì trước. Về thời gian, vẫn diễn ra vào hai mùa xuân, thu; về địa điểm, vẫn ở chùa, đình, đền; về ý nghĩa, có nhiều lễ hội vẫn là lễ hội nông nghiệp, vẫn có tục thờ Thành hoàng; về giá trị, yếu tố dân chủ, bình đẳng tồn tại bên cạnh những tư tưởng mê tín, dị đoan, những hủ tục nặng nề. Vào thập niên thứ hai của thế kỉ XX, học giả Phan Kế Bính đã phê phán những hủ tục này. Trong thời gian thực dân Pháp đô hộ, những lễ hội tưởng niệm các anh hùng dân tộc, lễ hội nhắc nhở mọi người nhớ về cội nguồn dân tộc vẫn được mở, thu hút sự tham gia của đông đảo người dân nước Việt. Năm 1893, học giả Pháp G. Đuymuchiê ca ngợi hội Gióng. Năm 1937, GS. Nguyễn Văn Huyên khảo tả chi tiết và đánh giá cao hội này. Hội đền Hùng là biểu tượng của ý thức không quên cội nguồn dân tộc. Trong các năm 1918 - 1922, các tỉnh thành ở Bắc Bộ đã góp tiền để trùng tu các đền trong quần thể đền Hùng.



4.2. Giai đoạn từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến nay



Cách mạng tháng Tám (1945) đưa đất nước sang một trang lịch sử mới. Nhưng chẳng bao lâu, cả dân tộc lại phải tiến hành cuộc kháng chiến chín năm (1946 - 1954) chống xâm lược Pháp. Kháng chiến kết thúc, thắng lợi chưa trọn vẹn: Miền Bắc được giải phóng, ở miền Nam đồng bào ta còn phải tiếp tục một cuộc kháng chiến nữa, cuộc chiến đấu kéo dài 20 năm.

Ảnh minh họa. Nguồn: Báo Lào Cai



Sau ngày giải phóng Thủ đô (tháng 10 năm 1954), trong bối cảnh của cuộc cải cách ruộng đất, nhận thức của nhiều người lúc đó thường tả khuynh, đơn giản nên hầu hết các lễ hội cổ truyền đều bị coi là "phong kiến”, "lạc hậu", các đình, đền, chùa, miếu phải chịu cảnh hương lạnh khói tàn. Trong thời gian tiến hành hợp tác hoá, tập thể hoá, không ít đình, đền, chùa... bị chuyển thành nhà kho, sân phơi, trụ sở ủy ban, trường học. Nhiều đồ thờ bị đem ra sử dụng với những mục đích không tôn nghiêm. Nhiều lễ hội không được mở. Tại Hà Nội, theo lời Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin, "một số lễ hội lớn có tiếng như Cổ Loa, Phù Đổng, Đồng Nhân, Chèm,... tuy còn được mở, đã biến dạng đi rất nhiều. Trình tự lễ hội thường thấy là lãnh đạo chính quyền đọc diễn văn ca ngợi sự tích và sự kiện người anh hùng được tôn thờ có kết hợp với "tình hình nhiệm vụ cách mạng hiện nay", làm lễ dâng hương tưởng niệm, tổ chức để nhân dân địa phương và khách thập phương đến tham quan chiêm ngưỡng và kết thúc là một buổi biểu diễn văn nghệ”.



Từ năm 1964 trở đi, miền Bắc vừa phải lao động sản xuất vừa phải chiến đấu chống lại các cuộc ném bom, bắn phá của đế quốc Mỹ, vừa phải chi viện cả người và của cho cuộc chiến đấu của đồng bào miền Nam. Tất cả cho tiền tuyến! Tất cả cho chiến thắng! Lúc này hầu như không một lễ hội cổ truyền nào được tổ chức.



Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, miền Nam được giải phóng, đất nước thống nhất. Do tình hình bất ổn ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc, do những khó khăn mới của nền kinh tế cả nước, nhu cầu nguyện vọng của nhân dân đối với lễ hội chưa được quan tâm đúng mức. Điều này thể hiện ở Quyết định 56/CP, trong đó nêu rõ: “Đối với hội làng ở nông thôn mà từ lâu không tổ chức nữa thì nay không được phục hồi”.



Năm 1984, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước công bố Pháp lệnh về bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh, tạo cơ sở pháp lí đầu tiên dẫn đến việc phục hồi các lễ hội truyền thống. Từ khoảng 1985, 1986 trở đi, có nơi mở lại lễ hội một cách công khai, có nơi địa phương chưa cho phép thì nhân dân mở hội chui. Các văn bản của nhà nước (Hiến pháp năm 1992, Nghị định 69 ban hành năm 1991, Quy chế mở hội truyền thống dân tộc của Bộ Văn hóa - Thông tin), đời sống kinh tế nâng cao, kinh tế thị trường được thừa nhận, vai trò của các doanh nhân, doanh nghiệp được chú ý là cơ sở để nhiều nơi mở lễ hội, làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, bảo tồn và làm sống lại bản sắc và truyền thống văn hóa của dân tộc ta. Trong sự bùng phát của lễ hội, đã có những hạn chế, sai lầm như sự phục hồi các tệ nạn mê tín, dị đoan, lợi dụng niềm tin của quần chúng nhân dân để lừa bịp kiếm tiền, biến việc tổ chức lễ hội thành việc kinh doanh thu lợi, bất chấp đạo lí, thuần phong mĩ tục. Ngày 12 tháng 01 năm 1998, Bộ Chính trị ra Chỉ thị số 27 về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, theo định hướng bảo tồn có chọn lọc, cải tiến, đổi mới những phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc, lành mạnh, tiết kiệm, tránh xa hoa lãng phí, phiền nhiễu, chống khuynh hướng kinh doanh vụ lợi, xóa bỏ hủ tục, bài trừ mê tín dị đoan (3).



Tóm lại, lễ hội ra đời từ rất sớm và có sức sống lâu dài. Trong dịp khác, chúng tôi xin được bài kĩ về những hạn chế của việc tổ chức lễ hội mấy năm gần đây.



Chú thích:

1. Lê Thị Nhâm Tuyết (1984), "Nghiên cứu về hội làng cổ truyền của người Việt"// Văn hoá dân gian, H, số 1, tr. 3.

2. Lê Văn Lan (1983), "Bàn về tính chất văn hoá thời đại các vua Hùng"// Văn hoá dân gian, H, số 2, tr. 8 - 9.

3. Bài này được rút gọn chủ yếu từ bài viết cùng tên trong cuốn sách Con người, môi trường và văn hóa, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2013. Xin xem chi tiết và các nguồn dẫn khác ở bài viết trong cuốn sách này.



GS. TS. Nguyễn Xuân Kính

Viện Nghiên cứu văn hóa (Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam)
 

NỔI BẬT TRANG CHỦ