(Tổ Quốc) - Chuẩn bị đến mùa mưa lũ, các thủy điện ở miền Trung đã lên phương án phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, với phương châm 4 tại chỗ…
Ghi nhận tại Quảng Nam, các nhà máy thủy điện đều có dung tích hồ chứa lớn, nếu không chuẩn bị kỹ trong việc đảm bảo an toàn hồ, đập, phòng chống thiên tai, nguy cơ mất an toàn hạ du là rất lớn.
Vì thế, các nhà máy thủy điện đã lên phương án phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) từ rất sớm, với phương châm 4 tại chỗ.
Nhà máy thủy điện A Vương. |
Ông Trương Văn Thời, Trưởng phòng Quản lý Dự án, Công ty Thủy điện Sông Bung cho biết: Công ty Thủy điện Sông Bung được Tổng công ty Phát điện 2 (EVNGENCO 2) giao quản lý, vận hành 2 nhà máy thủy điện Sông Bung 4 và thủy điện Sông Bung 2.
Ngay sau khi kết thúc mùa lũ 2017, Công ty đã tổ chức tổng kết công tác PCTT&TKCN qua đó đánh giá và rút ra các bài học kinh nghiệm, đề ra nhiệm vụ và kế hoạch công tác PCTT&TKCN cho các nhà máy thủy điện Sông Bung 4 và Sông Bung 2.
“Ngay sau khi kết thúc mùa lũ năm 2017, Công ty đã ban hành kế hoạch công tác PCTT&TKCN năm 2018. Kế hoạch được xây dựng với đầy đủ các công việc liên quan đến công tác PCTT&TKCN nhằm đảm bảo quản lý, vận hành các nhà máy thủy điện Sông Bung 4 và Sông Bung 2 an toàn, hiệu quả, tuân thủ các quy trình, quy định về quản lý an toàn công trình, phòng chống thiên tai. Đến nay, Công ty đã hoàn thành toàn bộ các công tác chuẩn bị sẵn sàng để ứng phó trong mùa mưa lũ 2018”, ông Thời cho biết.
Theo đó, đã kiện toàn, củng cố Ban Chỉ huy PCTT&TKCN và các Đội Xung kích của Công ty và các Phương án Phòng, chống lụt bão đảm bảo an toàn đập thủy điện Sông Bung 4 và thủy điện Sông Bung 2 năm 2018 đã được Bộ Công Thương phê duyệt; các Phương án PCLL vùng hạ du đập thủy điện Sông Bung 4 và thủy điện Sông Bung 2 năm 2018 đã trình UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt cũng như phối hợp với các cơ quan liên quan...
Ngoài ra, chú trọng công tác bảo trì, bảo dưỡng hệ thống cảnh báo vùng hạ du đập thủy điện Sông Bung 4 và thủy điện Sông Bung 2; phối hợp với Công ty CP Thủy điện A Vương và các NMTĐ trên lưu vực sông Vu Gia đã thực hiện công tác truyền thông cho 18 xã thuộc huyện Đại Lộc bị ảnh hưởng, năm 2018 này với đối tượng truyền thông là các Tổ trưởng Tổ Đoàn kết của 260 thôn thuộc 18 xã; Tổ chức truyền thông cho nhân dân vùng hạ du thủy điện Sông Bung 2 ở 3 xã La Eê, Chaval và ZuôiH bị ảnh hưởng do xả tràn để tuyên truyền người dân ứng phó khi hồ thủy điện Sông Bung 2 vận hành xả tràn.
Bên cạnh đó, kiểm tra duy trì hoạt động các hệ thống giám sát Camera ở thủy điện Sông Bung 4 và thủy điện Sông Bung 2; Kiểm tra hệ thống thiết bị chống sét, nối đất; Kiểm tra các phương tiện thông tin liên lạc: Điện thoại hotline với A0, A3; điện thoại cố định của Viettel; điện thoại nội bộ ngành Điện, điện thoại vệ tinh Visat; mạng internet; hệ thống thông tin liên lạc nội bộ, bộ đàm đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt trong mọi tình huống phục vụ chỉ đạo, điều hành…
Điều quan trọng là chuẩn bị đầy đủ nguồn lực để thực hiện công tác PCTT&TKCN cho các nhà máy thủy điện Sông Bung 4 và Sông Bung 2 theo Phương án đã ban hành.
“Mọi phương án đã sẵn sàng, với việc rút kinh nghiệm từ mùa mưa bão năm 2017 và sự chuẩn bị chu đáo, Công ty mùa mưa bão 2018 sẽ chủ động tích cực, hạn chế tối đa những thiệt hại xảy ra để đảm bảo góp phần cung cấp điện cho hệ thống lưới điện Quốc gia”, ông Thời nhấn mạnh.
Các hệ thống giám sát Camera ở thủy điện Sông Bung 4 và thủy điện Sông Bung 2. |
Trong lúc đó, theo ông Ngô Xuân Thế, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thủy điện A Vương, đến nay các kế hoạch chuẩn bị cho mùa mưa bão của đơn vị đã sẵn sàng. Việc kiểm tra hồ đập, máy móc, đảm bảo thông tin liên lạc, dự trữ lương thực, thực phẩm, nhiên liệu…đã hoàn tất.
Ngoài các biện pháp PCTT&TKCN triển khai định kỳ, Công ty đã thực hiện quan trắc, tính toán mực nước hồ, lưu lượng nước đến hồ, lưu lượng xả qua đập tràn, qua nhà máy liên tục với tần suất 15 phút – 1 giờ/lần. Đồng thời liên tục cập nhật, báo cáo số liệu quan trắc thủy văn hồ chứa, cho Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Quảng Nam và thường xuyên liên hệ, trao đổi, tham mưu giúp UBND tỉnh Quảng Nam chỉ huy vận hành hồ chứa sát với tình hình thực tế, mang lại hiệu quả trong việc cắt/giảm/ lũ vùng hạ du.
Đặc biệt, để tiến hành quan trắc, thu thập thông tin lượng mưa trên lưu vực, Công ty đã lắp 7 trạm đo mưa tự động với tần suất quan trắc 1 giờ/lần, đảm bảo đo lượng mưa chính xác hơn. Ngoài ra, Công ty hoàn thành lắp hệ thống camera giám sát mực nước tại thượng lưu hồ chứa và giám sát các cửa van cung xả tràn, phục vụ truyền dữ liệu cho các cơ quan liên quan.
“Năm nay, A Vương là đơn vị đứng ra chủ trì và 7 thủy điện khác trên lưu vực sông Vu Gia cũng tham gia công tác tuyên truyền đối với nhân dân vùng hạ du. Đối tượng mở rộng hơn, tuyên truyền tới Tổ trưởng tổ đoàn kết của khu dân cư và hàng ngàn người ở khu vực hạ du”, ông Thế nói.
Ông Ngô Xuân Thế, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thủy điện A Vương cho biết, đến nay các kế hoạch chuẩn bị cho mùa mưa bão của đơn vị đã sẵn sàng. |
Tại buổi làm việc với các nhà máy thủy điện trên địa bàn vào chiều 10/8, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh đề nghị các nhà máy phải khẩn trương kiểm tra lại tất cả các phương án, kể cả phương án đã phê duyệt rồi và chưa được phê duyệt các phương án về vận hành phòng chống bão lũ để đảm bảo an toàn cho công trình và vùng hạ du, nhất là việc tính toán phương án xấu nhất khi xảy ra sự cố, đặc biệt là phương án vỡ đập.
Ông Thanh cũng đề nghị các chủ dự án thủy điện mời các chuyên gia, các đơn vị tư vấn nghiên cứu để tư vấn cho các phương án vỡ đập xảy ra để có kịch bản cần thiết; yêu cầu các chủ hồ, chủ thủy điện thuê đơn vị tư vấn để đánh giá lưu vực hồ, đánh giá đặc điểm về thời tiết, khí tượng thủy văn ở trên địa bàn lưu vực hồ của mình, từ đó để xác định cần thiết lắp đặt bao nhiêu trạm đo cho phù hợp.
Mục đích cuối cùng là vừa đảm bảo an toàn công trình cho chính cái hồ đó và đảm bảo cung cấp thông tin chính xác vào mùa lũ về văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN để căn cứ ra quyết định vận hành.