(Tổ Quốc) - Sau khi có nhiều thay đổi về quy định đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục, số lượng sinh viên Việt Nam theo học tại các trường đại học nước ngoài tại Việt Nam hoặc các chương trình liên kết đào tạo đã có sự tăng trưởng đáng kể.
Theo Vietnam-Brieifing, sau khi Nghị định số 86/2018/NĐ-CP về đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục tại Việt Nam có hiệu lực từ tháng 8/2018, quy định đối với các trường có vốn đầu tư nước ngoài đã được nới lỏng hơn để có thể tuyển sinh nhiều hơn.
Lĩnh vực này cũng nhận được đà thúc đẩy từ đại dịch COVID-19 khi nhiều sinh viên và phụ huynh đã chọn học tập tại các trường đại học quốc tế có cơ sở trong nước hơn là ra nước ngoài.
Do đó, nhu cầu về các trường đại học quốc tế và các chương trình đào tạo toàn cầu do họ hỗ trợ ngày càng tăng nhanh tại Việt Nam. Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, tính đến tháng 11/2022, khoảng 25.000 sinh viên Việt Nam đang theo học chương trình học liên thông với các trường đại học nước ngoài.
Triển vọng phát triển này đang tạo ra rất nhiều cơ hội cho các cơ sở giáo dục đại học nước ngoài (HEI) thâm nhập thị trường Việt Nam.
Nhu cầu về giáo dục nước ngoài tại Việt Nam ngày càng tăng
Có một số yếu tố thúc đẩy nhu cầu theo học tại các trường đại học quốc tế tại Việt Nam hoặc các chương trình liên kết đào tạo giữa các trường đại học nước ngoài và các tổ chức địa phương tại Việt Nam. Đầu tiên là sự tiện lợi. Thay vì phải ra nước ngoài và sống xa gia đình, học sinh có thể có cơ hội tiếp cận với các tiêu chuẩn giáo dục nước ngoài tương đương ngay tại Việt Nam. Cha mẹ không phải lo lắng về con cái khi chuyển đến một đất nước mới và học sinh có thể tránh được các vấn đề sức khỏe tinh thần liên quan đến việc bị cô lập và sống xa nhà.
Chi phí cũng là một yếu tố cần tính đến. Sinh viên có thể tiết kiệm chi phí sinh hoạt vì nhìn chung chi phí sinh hoạt ở Việt Nam thấp hơn so với các nước châu Âu hay các nước châu Á phát triển khác. Ngoài ra, học phí ở các trường đại học nước ngoài tại Việt Nam hoặc các chương trình liên kết đào tạo mặc dù khá cao so với các cơ sở của Việt Nam nhưng vẫn thấp hơn so với các trường đó ở nước chính của họ.
Thêm vào đó, sinh viên vẫn có cơ hội học tập trong môi trường quốc tế với chất lượng giảng dạy cao và có thể nhận bằng tốt nghiệp quốc tế. Hầu hết các nội dung đào tạo được các giảng viên nước ngoài với các kỹ thuật tương tự mà họ sử dụng ở nước sở tại giảng dạy. Ngoài ra, với chương trình giảng dạy và môi trường học tập hoàn toàn bằng tiếng Anh, học viên còn được phát triển các kỹ năng tiếng Anh chuyên nghiệp của mình.
Toàn cảnh giáo dục đại học liên kết với quốc tế tại Việt Nam
Có hai hình thức giáo dục đại học liên kết với quốc tế tại Việt Nam: các trường nước ngoài đến Việt Nam mở phân hiệu và các chương trình liên kết đào tạo giữa các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam và nước ngoài.
Tính đến ngày 31/12/2021, Việt Nam có 408 chương trình liên kết đào tạo với các cơ sở giáo dục đại học nước ngoài. Trong số này, 186 chương trình là giữa các cơ sở giáo dục đại học tư thục và các đối tác quốc tế, trong khi 222 chương trình còn lại là các cơ sở giáo dục đại học được Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp phép.
Năm 2018, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học số 34/2018/QH14 ngày 19/11, hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2019, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài thành lập trường đại học theo một trong hai phương thức: Thành lập một tổ chức kinh tế bình thường và sau đó chuyển đổi thành một cơ sở giáo dục đại học tư thục; hoặc trực tiếp đầu tư thành lập cơ sở giáo dục đại học tư thục.
Nghị định 86/2018/NĐ-CP cũng bổ sung điều kiện thành lập chương trình liên kết đào tạo trình độ đại học và thành lập phân hiệu quốc tế. Những sửa đổi này nhằm nâng cao năng lực của giảng viên và cán bộ quản lý của các cơ sở giáo dục đại học nước ngoài để đáp ứng các tiêu chuẩn giảng dạy quy định tại Việt Nam.
Năm 2019, chính phủ ban hành Nghị định 99/2019/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 15 tháng 2 năm 2020. Nghị định này bổ sung tiêu chí cho các cơ sở giáo dục đại học nước ngoài thành lập phân hiệu tại Việt Nam, bên cạnh các quy định về hội đồng trường đại học và cấp độ tự chủ của các cơ sở này.
Các văn bản mới cũng trao quyền lớn hơn cho các cơ sở giáo dục đại học. Giờ đây, họ có thể tự xây dựng các hoạt động học tập, nhân sự, đào tạo và cơ cấu giáo dục, miễn là họ không vi phạm luật pháp và quy định của địa phương.
Theo đó, các luật và nghị định của Việt Nam liên quan đến giáo dục đại học trong những năm gần đây đã tập trung thúc đẩy việc xây dựng các chương trình liên kết đào tạo với các cơ sở giáo dục đại học nước ngoài. Điều này thể hiện thái độ tích cực của Việt Nam đối với việc phát triển giáo dục đại học và thúc đẩy hợp tác đào tạo với các nước trên thế giới. Khuôn khổ hiện tại cũng đang tạo thuận lợi hơn nhiều cho đầu tư nước ngoài và mở ra nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài đủ điều kiện tham gia vào thị trường có tiềm năng sinh lời cao này.