Các vị khách nước ngoài lần đầu dò theo danh sách Michelin tìm đến quán phở gà Nguyệt đã miêu tả món ăn tại đây ra sao?
Các vị khách đã có những nhận xét chân thực sau khi nếm thử các món ở Phở gà Nguyệt.
Đầu tháng 6 vừa qua, Phở gà Nguyệt đã trở thành một trong 29 quán ăn được Michelin Guide xếp vào danh sách các quán ăn ngon có giá cả phải chăng. Vốn vang danh từ khi mở vào năm 2009 nhưng việc được hệ thống ẩm thực nổi danh thế giới nhắc tên vẫn là một cơ hội giúp hàng phở gà này được các vị khách trong và ngoài nước chú ý nhiều hơn nữa.
Ghé quán phở nằm đối diện bệnh viện Việt Đức vào một buổi tối tháng 6, 2 tuần sau khi được Michelin vinh danh, chiếc bảng chứng nhận danh hiệu vẫn chưa tìm được chỗ trưng bày. Song, lượng khách tới ăn cứ tăng dần từ chiều đến tận khuya. Theo lời người quản lý của Phở gà Nguyệt, quán mở bán cả ngày nhưng chủ yếu phục vụ chính vào khung giờ 17:00 - 01:00.
Các thực khách nói gì về Phở gà Nguyệt ?
Thông thường, cao điểm của quán sẽ vào lúc 6 rưỡi - 7 giờ tối. Còn những ngày trời Hà Nội mưa to thì khách sẽ tới rải rác và muộn hơn, khoảng 7 rưỡi - 8 giờ tối. Cứ ngớt mưa là nhân viên phục vụ không ngừng nghỉ. Các vị khách, người đội mưa chạy tới ăn tại chỗ, người xếp hàng chờ mua mang về.
Là khách quen của quán ngót nghét 10 năm, sau mỗi buổi gặp gỡ, nhóm bạn của cô N. đều kéo nhau tới đây ăn tối: “Bọn cô sẽ không ăn nhiều phở mà chỉ gọi hai bát đặc biệt, có tim cật, tràng trứng, mỗi người thường ăn một gắp thôi. Còn đâu cô sẽ gọi thêm nửa con gà luộc. Gà ở đây chắc thịt, da giòn, phong độ nấu nướng ổn định.”
Nhóm khách quen của quán.
Chị Vân Anh (Phùng Hưng, Hoàn Kiếm) mặc áo mưa đợi mua mang về: "Chị đi ăn nhiều chỗ, nhưng phở trộn thì đều lên đây mua. Quán gần nhà, vị lại vừa miệng, chị thường ăn phở trộn thường. Nếu ở Việt Nam thì giá này cũng hơi cao so với mặt bằng chung nhưng nếu tính về chất lượng và cách phục vụ thì xứng đáng."
Chạy xe hơn 10km từ nhà ở Nam Từ Liêm, anh Lê Việt Hùng và vợ tới đây bởi sự tò mò về quán phở được Michelin gọi tên. Gọi bát phở gà thường, anh nhận xét: “Anh thấy ngon hơn mặt bằng chung so với các quán phở gà mà anh từng ăn. Anh gọi một bát rất phổ biến, thử miếng đầu tiên anh thấy nước của nó có vị đậm đà, không phải vị của mì chính mà là vị đậm ngọt của xương. Thịt không mềm và không bị khô, thường gà lườn rất hay bị bở, nhưng ở đây đã giải quyết được điều này. Bánh phở cũng không dai, không mềm, vừa đủ.”
Trong khi đó, chị Tuyết, vợ anh Hùng được giới thiệu và gọi "món tủ" của quán - phở gà trộn: "Chị thấy ở khu vực phố cổ mà giá tiền như này là hợp lý. Điểm cộng là lượng phở vừa phải, không nhiều quá, không ít quá, ăn phở xong vẫn còn bụng để đi uống cà phê. Riêng với khẩu vị cá nhân chị thì chị thích sợi phở sẽ dai hơn một xíu, gà đùi chắc thịt.
Về phục vụ, chị thấy phục vụ nhanh, nhân viên nhiệt tình, ngay cả khi có người xếp hàng ở ngoài nhưng đồ ăn ra rất nhanh. Tuy nhiên, cá nhân chị không thích khi đi ăn mà thấy khu rửa bát ở ngay phía trước mặt, nhất là khi khách nước ngoài đến, có lẽ họ sẽ hơi e ngại, mặc dù mình cũng thông cảm bởi phía mặt bằng này thật khó để bố trí các khu vực cho hợp lý hơn."
Cũng giống như vợ chồng anh Hùng, nhóm du khách người Honduras tìm tới Phở gà Nguyệt theo gợi ý của bản đồ Michelin. Họ thử phở nước và nhanh chóng thưởng thức khi bát phở còn nóng hổi. Được đề nghị nhận xét về món ăn, một người trong nhóm thoả mãn và dành một từ: “Tuyệt!” kèm biểu cảm của sự ngạc nhiên tột độ khi “lần đầu chúng tôi được nếm nước Phở ngon đến thế. Cảm giác không hề thất vọng khi chúng tôi lần đầu đi theo danh sách Michelin để trải nghiệm ăn uống tại Việt Nam.
Trước khi đến Việt Nam, chúng tôi còn rất lo lắng rằng chuyến đi này sẽ khá tệ nếu đồ ăn không ngon như những gì chúng tôi kỳ vọng. Nhưng bây giờ chúng tôi sẽ tự tin hơn khi đã có sẵn các địa điểm với món ăn ngon dành cho khách du lịch như chúng tôi”.
Không có chuyện khách tăng gấp đôi, gấp ba, nhưng huy động nhân viên phục vụ ca tối tăng gấp đôi ban ngày
Quản lý của quán Phải thừa nhận rằng từ sau khi được vào danh sách Michelin, quán phở đón tiếp thêm lượng khách lần đầu tới ăn. Tuy nhiên, chị cho biết, không đến mức tăng gấp hai, ba lần lượt khách như nhiều nơi khác.
“Không gian của quán vẫn như vậy, vẫn là ăn trong 2 căn nhà, kê được 8 chiếc bàn inox, tối thì nhờ thêm nhà hàng xóm, thêm được 5 chiếc bàn nhựa. Do đó, có muốn phục vụ thêm nhiều cũng không được. Ví dụ trước kia phục vụ 10-12 khách mỗi lúc thì nay tăng lên thành 15-20 khách thôi”, chị lý giải.
Nếu đến vào lúc đông thì một số vị khách cũng phải xếp hàng đợi có chỗ ngồi. Song, điểm cộng là từ nhân viên đến quản lý ở đây đều rất niềm nở, sẵn sàng thông báo tình hình và mong thực khách thông cảm.
Thêm nữa, để phục vụ khách nhanh hơn, ca bán buổi tối, quán huy động tới 12 nhân viên. Ngoài 1 người đứng bếp chính, 1 người chan nước phở, 1 người lấy phở thì những người còn lại đều đợi bưng phở, dọn đồ, xếp lá chanh… nhanh thoăn thoắt. “Số nhân viên buổi tối có khi gấp 2, 3 lần nhân viên làm ca sáng. Nếu không tăng được không gian thì mình nâng cao chất lượng phục vụ để bù lại”, quản lý của quán cho hay.
Mỗi người một việc, lá chanh và bột canh được chuẩn bị sẵn trong những chiếc khay có nắp để tiện múc ra bát nhỏ cho khách. Bát cũng được rửa sạch sẽ, tráng nước sôi và xếp thành chồng ở quầy chế biến để tiện lấy.