• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Cách Ấn Độ bảo tồn di sản tại bảo tàng địa phương: Việt Nam có thể học hỏi

Văn hoá 29/08/2023 07:59

(Tổ Quốc) - Theo trang The Times Of India, giữa những thành phố bận rộn và cảnh quan đô thị nhộn nhịp, một kho tàng văn hóa phong phú đang nằm tại các bảo tàng địa phương và khu vực nông thôn của Ấn Độ.

Những vùng di sản tiềm năng này - nơi lưu giữ văn hóa, câu chuyện và nghệ thuật truyền thống- xứng đáng được trân trọng và bảo vệ. Trong khi các bảo tàng quốc gia đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn các di sản thì phải có thêm nhiều bảo tàng địa phương và nông thôn để bảo tồn kho tàng di sản địa phương.

Cách Ấn Độ bảo tồn di sản văn hóa từ bảo tàng: Việt Nam có thể học hỏi - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: The Hindu

Những bảo tàng địa phương và nông thôn cung cấp một nền tảng quan trọng để cộng đồng kể lại những câu chuyện xa xưa và tôn vinh bản sắc riêng biệt. Bằng cách tích cực thu hút sự tham gia của cộng đồng địa phương vào việc thành lập và quản lý các bảo tàng, người dân sẽ nuôi dưỡng ý thức về quyền sở hữu và niềm tự hào.

Những câu chuyện về tổ tiên của những người cao tuổi và sự khéo léo của các nghệ nhân đã tìm thấy tiếng nói chung trong bảo tàng. Thông qua các bảo tàng, di sản phi vật thể của các cộng đồng sẽ được khắc họa hữu hình, cho phép du khách hòa mình vào những truyền thống sống động đã trường tồn vượt qua thử thách của thời gian.

Ấn Độ là nơi có hơn 3.000 bảo tàng trên khắp cả nước, bao gồm các bảo tàng địa phương và nông thôn, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo tồn di sản địa phương. Những bảo tàng này hiện có hơn 200.000 tác phẩm nghệ thuật với niên đại cách đây hơn 5.000 năm.

Hồi sinh văn hóa

Một trong những khía cạnh quan trọng của các bảo tàng địa phương và nông thôn là sự hợp tác với các trường học, tổ chức cộng đồng và nghệ sĩ địa phương.

Các bảo tàng cung cấp một loạt các chương trình giáo dục, hội thảo và triển lãm mang lại cái nhìn sâu sắc về di sản văn hóa phong phú của các cộng đồng. Trong lĩnh vực giáo dục, bảo tàng đã trở thành những lớp học sống động, mang đến những trải nghiệm học tập phong phú vượt ra ngoài sách giáo khoa và bài giảng.

Học sinh từ xa đến có thể hiểu rõ hơn về lịch sử và di sản văn hóa phong phú của khu vực, nuôi dưỡng ý thức tôn trọng và đánh giá cao những truyền thống đa dạng tạo nên bản sắc dân tộc đất nước. Các cuộc triển lãm tương tác và các buổi kể chuyện đã giúp bộ môn lịch sử trở nên sống động hơn, khơi dậy sự tò mò và mong muốn khám phá sâu hơn của học sinh.

Thời đại kỹ thuật số đã mang đến cơ hội cho các bảo tàng địa phương và nông thôn ở Ấn Độ. Với sự tham gia của công nghệ, các nền tảng kỹ thuật số đã mở ra cánh cửa giúp khán giả toàn cầu khám phá và tương tác với những viên ngọc quý ẩn giấu ở vùng nông thôn Ấn Độ. Các chuyến tham quan ảo, triển lãm trực tuyến và kho lưu trữ số cho phép mọi người từ khắp nơi trên thế giới bước vào hành trình khám phá văn hóa, thậm chí ngay cả khi họ đang thoải mái tại nhà riêng. Sự tích hợp công nghệ này mở ra con đường mới cho hợp tác, chia sẻ kiến thức và khuếch đại tiếng nói của các cộng đồng trên quy mô toàn cầu.

Thắp lửa du lịch văn hóa

Tác động của bảo tàng là hướng tới trách nhiệm bảo tồn văn hóa. Bảo tàng đã trở thành động lực chính của du lịch, thu hút du khách tìm kiếm những trải nghiệm văn hóa đích thực và phong phú. Tuy nhiên, bảo tàng cũng đóng vai trò là địa danh văn hóa, thu hút khách du lịch khám phá truyền thống, nghề thủ công và nghệ thuật của cộng đồng địa phương. Bảo tàng có tiềm năng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo cơ hội sinh kế bền vững cho cộng đồng địa phương.

Tuy nhiên, các bảo tàng địa phương và nông thôn cũng phải đối mặt với những thách thức về tài chính. Ngành du lịch ở Ấn Độ chỉ được phân bổ khoảng 1% tổng ngân sách hàng năm. Sự đầu tư kém vào hoạt động du lịch có tác động trực tiếp đến sự tăng trưởng và phát triển của các bảo tàng địa phương. Vì vậy, nguồn tài trợ và hỗ trợ bổ sung từ chính phủ và các bên liên quan khác là rất quan trọng để duy trì hoạt động bền vững của các bảo tàng.

Với nguồn lực tăng lên, các bảo tàng có thể mở thêm nhiều triển lãm, cải thiện cơ sở vật chất và phát triển các chương trình hấp dẫn để thu hút nhiều du khách hơn. Bằng cách đầu tư vào phát triển các bảo tàng địa phương và nông thôn, Ấn Độ có thể khai thác tiềm năng du lịch văn hóa và tạo cơ hội kinh tế bền vững cho khu vực nông thôn.

Những bảo tàng địa phương ở Ấn Độ hiện sở hữu một tấm thảm độc đáo về văn hóa dân gian, tập quán truyền thống và kiến thức địa phương từ cuộc sống hàng ngày của người dân. Tuy nhiên, khi quá trình hiện đại hóa lan rộng khắp đất nước, những kho tàng văn hóa vô giá này phải đối mặt với nguy cơ bị mai một. Sự cân bằng mong manh giữa việc bảo tồn quá khứ và đón nhận tương lai là căn cứ để các bảo tàng ở nông thôn và địa phương xuất hiện trong bối cảnh hiện nay.

Cuối cùng, việc thành lập các bảo tàng địa phương và nông thôn ở Ấn Độ không chỉ dừng lại ở việc bảo vệ di sản mà còn trao quyền cho cộng đồng, thúc đẩy phát triển du lịch và tăng cường kết nối văn hóa./.

Hồng Nhung

NỔI BẬT TRANG CHỦ