(Tổ Quốc) - Sau 5 năm Bình Định ứng dụng công nghệ số vào hoạt động thư viện đã góp phần nâng cao chất lượng phục vụ bạn đọc, tạo nền tảng phát triển văn hóa đọc.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số
Theo TS. Nguyễn Ngọc Sinh - Phó Giám đốc Thư viện tỉnh Bình Định, chuyển đổi số trong thư viện thực chất là việc ứng dụng công nghệ số vào hoạt động thư viện, có nghĩa là thư viện có ứng dụng một trong các công nghệ như: Trí tuệ nhân tạo (AI); Internet vạn vật (IoT); Dữ liệu lớn (Big Data) hay Điện toán đám mây (Cloud Computing). Nếu thư viện không ứng dụng bất kỳ một trong các công nghệ vừa nêu thì khó có thể thực hiện thành công chuyển đối số.
Ông Sinh cho hay, Bình Định có nguồn thu ngân sách địa phương hạn chế, không có điều kiện kinh phí tốt như một số địa phương khác, do đó thực hiện chuyển đổi số ngành thư viện ở Bình Định được nghiên cứu tỉ mỉ, có bước đi cụ thể phù hợp với tình hình kinh tế, điều kiện hạ tầng và nguồn nhân lực ở địa phương.
Song quá trình chuyển đổi số ngành thư viện năm 2017-2022 cơ bản đã làm thay đổi quy trình nghiệp vụ, quy trình xử lý trong hoạt động thư viện theo hướng tự động hóa; làm thay đổi sâu hơn về nhiệm vụ của mỗi thư viện theo hướng chuyên môn hóa. "Sự thay đổi trên mang đến nhiều lợi ích cho người sử dụng thư viện và chính bản thân các thư viện. Đây còn là một bài toán đã có đáp án mang tính khả thi, thực tiễn dành cho các thư viện trên địa bàn tỉnh thực hiện chuyển đổi số", ông Sinh nói.
Cụ thể, Thư viện tỉnh Bình Định đã xây dựng nền tảng số quản lý thư viện dùng chung VietBiblio, ứng dụng công nghệ số như điện toán đám mây, xử lý dữ liệu (data analytics), công nghệ mở,... cho hoạt động quản lý thư viện cấp huyện và trường học trên địa bàn tỉnh. Đây là phần mềm do Thư viện tỉnh Bình Định phát triển trên cơ sở sử dụng mã nguồn mở với mục tiêu nâng cao năng lực hoạt động của các thư viện nhỏ, hình thành mạng lưới thư viện hiện đại, từng bước đáp ứng nhu cầu của người sử dụng.
Hiện, VietBiblio đang được Bình Định áp dụng cho 10 thư viện cấp huyện, 261 thư viện trường học trên địa bàn tỉnh và các thư viện tại 24 tỉnh bạn. "Nếu như dùng máy chủ và phần mềm riêng thì phải triển khai hệ thống riêng biệt cho hơn 400 thư viện tại Bình Định, dùng điện toán đám mây thì tất cả các thư viện này sẽ dùng chung một hệ thống", ông Sinh thông tin, thêm rằng việc dùng công nghệ số đã giúp tiết kiệm chi phí và dễ dàng triển khai.
Từ năm 2017, dựa vào cơ sở vật chất sẵn có, hệ thống quản lý thư viện dùng chung được triển khai đồng bộ ở 10 thư viện cấp huyện tại tỉnh Bình Định, các thư viện chỉ cần máy tính nối mạng là có thể sử dụng. Đến nay, các thư viện cùng chung một hệ thống đều sử dụng miễn phí, các thư viện có sẵn có trang thông tin điện tử có khả năng cung cấp dịch vụ trực tuyến trên nhiều phương tiện truy cập, đáp ứng mục tiêu chủ yếu đến năm 2025 của Quyết định số 206/QĐ-TTg ngày 11/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt "Chương trình chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" (gọi tắt là Chương trình 206).
Cùng với đó, bằng ứng dụng Big Data, hệ thống thông tin quản lý tất cả các thư viện trên địa bàn tỉnh Bình Định được xây dựng và tích hợp vào hệ thống VietBiblio, dành cho phòng Quản lý Văn hóa, Sở GD&ĐT và các phòng ban để quản lý các thư viện trường học và cấp huyện thuộc phạm vi quản lý. Dữ liệu thư mục của tất cả các thư viện trên địa bàn đều ở trong tình trạng sẵn có, việc xây dựng mục lục liên hợp dành cho các thư viện trong tỉnh trở nên dễ dàng hơn khi hệ thống tự động cập nhật dữ liệu từ mỗi thư viện trong cùng hệ thống.
Các thư viện huyện và trường học trong hệ thống dùng chung với chi phí đầu tư tối ưu, bước đầu cũng có thể thử nghiệm sử dụng AI trong nhận dạng khuôn mặt, mục đích sau này loại bỏ việc in thẻ bạn đọc trong thư viện khi giao dịch mượn trả. Dùng các thiết bị IoT giúp thư viện trở nên thông minh hơn ở các khía cạnh: an ninh, chiếu sáng thông minh, kiểm soát nhiệt độ và môi trường, tiết kiệm năng lượng, điều khiển thông minh,… Ứng dụng công nghệ mở nguồn mở để thư viện có thể chủ động trong việc tích hợp các trang thiết bị mới, các công cụ mới nhằm cải tiến, rút ngắn các thao tác, quy trình, làm cho các hoạt động của thư viện trở nên đơn giản và dễ dàng hơn đối với nhân viên thư viện và người sử dụng,...
Tiếp tục chuyển đổi số ngành thư viện theo Chương trình 206
Theo ông Sinh, việc nắm bắt xu hướng thay đổi trong hoạt động tự động hóa thư viện theo hướng ứng dụng công nghệ số giúp cho các thư viện dễ dàng thực hiện tự động hóa, tiếp cận với các trang thiết bị kỹ thuật mới phù hợp hơn với điều kiện hiện tại, thích ứng trong tương lai, bắt kịp với sự phát triển chung của ngành thư viện. Tránh việc đầu tư lãng phí vào công nghệ cũ, lạc hậu giảm thiểu rủi ro cũng như các chi phí phát sinh không đáng có.
Hiện nay, nhiều trường học đã sử dụng thẻ sinh viên tích hợp thẻ thư viện và thẻ ngân ngân hàng mang lại sự tiện lợi giúp sinh viên dễ dàng sử dụng một chiếc thẻ với nhiều tính năng khác nhau. Các thư viện trường học ứng dụng VietBiblio, dùng chính thông tin bạn đọc và giáo viên sẵn có từ Cơ sở dữ liệu ngành - Bộ GD&ĐT để sử dụng cho thư viện của mình, một số trường học đã tích hợp thẻ học sinh được sử dụng cho bảo hiểm y tế và thư viện.
Trước đây, để rút ngắn thời gian làm thẻ thì các thư viện triển khai thủ tục đăng ký thẻ trực tuyến nhằm giảm thiểu thời gian nhập liệu của nhân viên thư viện. Hiện, với thiết bị quét mã QR Code hoặc thiết bị quét mã vạch, các thư viện có thể dùng chính thẻ căn cước công dân hiện nay để nhập nhanh tất cả các thông tin cơ bản của bạn đọc mà không mất nhiều thời gian, người sử dụng có thể dùng chính thẻ căn cước công dân để thay thế cho thẻ thư viện.
Lãnh đạo Thư viện tỉnh Bình Định khẳng định, trong những năm qua, nhất là giai đoạn 2017-2022, nhờ xác định đúng xu hướng phát triển và ứng dụng những thành tựu công nghệ mới, hoạt động ứng dụng công nghệ số ngành thư viện trên địa bàn tỉnh đã có những bước phát triển thuận lợi theo hướng chuyển đổi số, thực hiện trách nhiệm đầu tàu trong mạng lưới thư viện trên địa bàn tỉnh, đã góp phần không nhỏ vào sự thay đổi, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ, đổi mới phương thức hoạt động hiện đại của các thư viện.
Qua đó, tạo điều kiện cho hệ thống thư viện trên địa bàn tỉnh hoàn thành sớm một số mục tiêu chuyển đổi số chủ yếu đến năm 2025 của Chương trình 206 ngay trong năm 2022 như: "60% thư viện cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ sở giáo dục khác có trang thông tin điện tử có khả năng cung cấp dịch vụ trực tuyến trên nhiều phương tiện truy cập; 100% người làm công tác thư viện được đào tạo và đào tạo lại, cập nhật các kiến thức, kỹ năng vận hành thư viện hiện đại; 60% số thư viện trong tỉnh được kiểm tra, quản lý thông qua hệ thống quản lý thông tin của cơ quan quản lý."
"Chương trình 206 đã đưa ra các nhiệm vụ và giải pháp để thực hiện chuyển đổi số ngành thư viện, nhiệm vụ của chúng ta là cụ thể hóa các nhiệm vụ và giải pháp đã đề ra, triển khai các bước thực hiện phù hợp với điều kiện của các thư viện trên địa bàn tỉnh Bình Định", ông Sinh nói.
Thời gian tới, Bình Định sẽ tiếp tục nâng cao nhận thức về chuyển đổi số ngành thư viện, cập nhật các kiến thức, kỹ năng vận hành thư viện hiện đại; Xây dựng, hoàn thiện chính sách, quy chuẩn kỹ thuật về thư viện và ứng dụng công nghệ trong thư viện; Xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật hiện đại bảo đảm triển khai, vận hành thư viện số và tự động hóa thư viện; Cải tạo không gian thư viện theo hướng hiện đại hóa; Đầu tư trang thiết bị, ứng dụng công nghệ vào hoạt động thư viện; Xây dựng và phát triển nền tảng thư viện số dùng chung.
H.An
*Vụ Thư viện, Bộ VHTTDL thực hiện