(Tổ Quốc) - Một trong những nội dung được quan tâm trong quá trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới là việc đánh giá học sinh như thế nào, cách đánh giá mới sẽ khác gì so với cách đánh giá học sinh hiện nay...
Nói về những khác biệt giữa các cách đánh giá học sinh, tại buổi giao lưu trực tuyến do báo Giáo dục & Thời đại tổ chức sáng 25/12, bà Trần Thị Hải Yến (Hiệu trưởng trường THPT Trần Phú, Hà Nội) cho rằng, đánh giá kết quả học tập của học sinh là quá trình thu thập và xử lý thông tin về trình độ, khả năng thực hiện, đạt mục tiêu học tập xác định, về tác động và nguyên nhân của tình hình đó nhằm tạo cơ sở cho những quyết định sư phạm của giáo viên và nhà trường, cho bản thân học sinh để họ học tập ngày một tiến bộ hơn.
Còn đánh giá năng lực là đánh giá khả năng vận dụng kiến thức, kỹ năng và thái độ trong một bối cảnh có ý nghĩa. Hay, đánh giá năng lực đánh giá khả năng làm, giải quyết các tình huống của đời sống và học tập.
Hiệu trưởng Trần Thị Hải Yến cho biết, trường THPT Trần Phú đã triển khai đổi mới kiểm tra, đánh giá. Cụ thể, Trường yêu cầu các thầy cô dựa vào vào yêu cầu cần đạt của chương trình (theo định hướng tiếp cận năng lực) đối với từng môn học để dạy học và kiểm tra đánh giá.
Việc đánh giá sẽ kết hợp giữa đánh giá thường xuyên và đánh giá định kì, đánh giá quá trình và đánh giá kết quả học tập, đánh giá định tính và định lượng, đánh giá của giáo viên và tự đánh giá của học sinh, giữa đánh giá của nhà trường và đánh giá của gia đình, cộng đồng. Kết hợp giữa hình thức đánh giá bằng trắc nghiệm khách quan và tự luận nhằm phát huy những ưu điểm của mỗi hình thức đánh giá này. Đồng thời, có công cụ đánh giá thích hợp nhằm đánh giá toàn diện, công bằng, trung thực, có khả năng phân loại, giúp giáo viên và học sinh điều chỉnh kịp thời việc dạy và học.
Trong khi đó, bà Mai Thị Hà (Tổ trưởng Tổ Xã hội, trường THPT Yên Hòa, Hà Nội) đã có những trao đổi về sự khác nhau giữa đánh giá năng lực của học sinh với đánh giá kết quả học tập của học sinh.
Theo bà Hà, đánh giá kết quả học tập của học sinh là đánh giá qua các bài kiểm tra với các mực độ khác nhau. Còn đánh giá năng lực của học sinh chủ yếu thông qua đánh giá quá trình học tập của học sinh (quá trình thực hiện nhiệm vụ học tập, sản phẩm học tập, báo cáo, thảo luận…).
Bà Hà cho biết, tại trường THPT Yên Hòa, công tác kiểm tra đánh giá học sinh đang được thực hiện khá bài bản và theo hướng đổi mới. Cụ thể, các kỳ thi tập trung được thực hiện theo quy trình của Bộ GDĐT từ việc thành lập ban ra đề, ban phản biện đề, ban làm phách cho đến tổ nhập điểm đều được làm việc độc lập; đồng thời các quy định đối với giáo viên và học sinh được áp dụng theo Quy chế thi Kỳ thi THPT quốc gia của Bộ GDĐT.
Với các bài kiểm tra thường xuyên, giáo viên rất chú trọng đánh giá qua các hoạt động trên lớp; đánh giá qua hồ sơ học tập, vở học tập; đánh giá qua học sinh báo cáo kết quả thực hành, thí nghiệm; đánh giá qua bài thuyết trình về kết quả thực hiện nhiệm vụ học tập. Giáo viên sử dụng các hình thức đánh giá nói trên thay cho các bài kiểm tra được quy định trong chương trình giáo dục phổ thông hiện hành.
Trong thực tế, khi còn nhiều học sinh vẫn hướng đến kết quả tại các kì thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học, bà Hà chia sẻ, trường THPT Yên Hòa luôn thực hiện theo nguyên tắc, vừa bảo đảm chuẩn kiến thức kỹ năng, vừa phát triển năng lực cho học sinh.
Trường nhận định, nếu không có kiến thức sẽ không phát triển được năng lực, bởi vì kiến thức là cốt lõi để tạo ra năng lực. Vì vậy để đạt được mục tiêu phát triển năng lực, không có nghĩa là xem nhẹ kiến thức.
"Thực tế ở trường tôi luôn thực hiện song hành theo nguyên tắc trên. Bằng chứng là, kết quả trong Kỳ thi THPT quốc gia Trường THPT Yên Hòa luôn nằm trong top đầu của TP Hà Nội", bà Hà nói.
Trong thời gian tới, việc đánh giá học sinh sẽ có những thay đổi do hướng tiếp cận chương trình GDPT mới hoàn toàn thay đổi so với chương trình hiện hành. Trong chương trình GDPT mới sẽ đánh giá học sinh theo các chuẩn đầu ra về phẩm chất, năng lực. Việc đánh giá bám sát vào yêu cầu cần đạt của chương trình chứ không phải yêu cầu kiến thức cụ thể trong SGK.
Được biết, Bộ GDĐT cũng đang xây dựng hướng dẫn đánh giá học sinh lớp 1 theo chương trình GDPT mới, giúp các nhà trường, giáo viên đánh giá học sinh được hiệu quả. Nội dung chính của hướng dẫn tập trung đánh giá quá trình học tập, sự tiến bộ của học sinh theo yêu cầu cần đạt về các phẩm chất, năng lực được quy định trong chương trình tổng thể và chương trình từng môn học lớp 1 thông qua quá trình học tập từng môn học; đánh giá sự hình thành và phát triển phẩm chất chủ yếu, năng lực cốt lõi của học sinh được quy định trong chương trình tổng thể - chương trình GDPT mới.
Bộ cũng đang nghiên cứu để đưa ra những công cụ hỗ trợ việc đánh giá học sinh đạt hiệu quả. "Nhóm nghiên cứu đã xây dựng các khung chuẩn đánh giá năng lực, phẩm chất cho học sinh lớp 1, gồm các khung chuẩn chung và khung năng lực, phẩm chất đặc thù.
Theo đó, mỗi phẩm chất, năng lực sẽ gồm một số tiêu chí và mỗi tiêu chí được cụ thể hóa thành một số chỉ báo; mỗi chỉ báo sẽ xác định bằng những biểu hiện hành vi đặc trưng, cốt lõi nhất. Dựa trên những khung phẩm chất, năng lực này, giáo viên sẽ có bảng tham chiếu, để biết từng học sinh mạnh gì - yếu gì, đã đạt được những yêu cầu nào của chương trình - cái nào dưới mức chuẩn; để từ đó hỗ trợ các em và điều chỉnh hoạt động dạy học", PGS.TS Nguyễn Công Khanh cho biết.
Việc đánh giá học sinh vừa có tác động đánh giá thực trạng chất lượng giáo dục, vừa giúp điều chỉnh quá trình dạy và học để đạt hiệu quả tốt. "Việc đánh giá phải vì sự tiến bộ của mỗi học sinh" - Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Hữu Độ khẳng định.
Với học sinh các lớp 1, 2, 3 cần chú trọng đánh giá thường xuyên theo tiến trình học tập, rèn luyện của học sinh. Để làm được điều này, giáo viên phải quan tâm, sát sao với từng học trò để biết được năng lực, phẩm chất thực tế của mỗi em, từ đó có sự hỗ trợ kịp thời giúp học sinh tiến bộ.