(Tổ Quốc) - Ứng dụng công nghệ vào trách nhiệm xã hội đang được các startup triển khai trong việc hỗ trợ phòng chống dịch Covid-19.
Các khoản quyên góp được trưng bày như sản phẩm, hành động quyên góp được thực hiện như cách mua hàng thanh toán không dùng tiền mặt. Đây là cách mà Lazada tận dụng nền tảng thương mại sẵn có của mình để tổ chức quyên góp trực tuyến. Tất cả quyên góp được người dùng thực hiện từ nay đến hết tháng 5 thông qua quỹ Hy vọng được sử dụng để hỗ trợ các y bác sỹ, chiến sỹ ở tuyến đầu trong đại dịch Covid-19.
"Nền tảng thương mại điện tử của chúng tôi đã quen thuộc với 10 triệu người dùng. Do đó việc thiết kế quyên góp như một gian hàng bình thường trên thương mại điện tử giúp người dùng tiếp cận được dễ hơn. Một trong những vấn đề cố hữu của việc quyên góp từ thiện là tính minh bạch. Tuy nhiên khi áp dụng công nghệ vào thì người dùng và Lazada sẽ quyên góp vào quỹ Hy vọng sẽ được cập nhật theo thời gian thực bằng việc chúng tôi mở API. Mọi người có thể biết được chi tiết của từng giao dịch quyên góp”, ông James Dong - Tổng giám đốc Lazada Việt Nam trả lời phỏng vấn VTV.
Các ví điện tử với lợi thế gắn chặt với túi tiền người dùng cũng triển khai quyên góp. Theo đại diện MôM, với hình thức quyên góp thông thường phải mất 1 tháng mới đạt được thì khi thông qua nền tảng công nghệ rút ngắn chỉ còn tối đa 1 tuần. Giá trị quyên góp lại linh hoạt có thể chỉ từ 500 đồng hoặc quy đổi với tương tác của người dùng và ứng dụng.
"Các bạn không có tiền thì chúng ta có thể đi bộ và dùng bước chân để đổi lấy những phần đóng góp của những người cơ nhỡ hoặc nuôi heo, nuôi vàng trên ứng dụng để đóng góp cho họ. Chúng tôi cũng cung cấp rất đầy đủ thông tin số tiền bạn đóng góp được dùng để làm gì, giúp cho cá nhân nào hay hình ảnh cá nhân đấy được thay đổi như thế nào sau khi nhận được tiền", ông Nguyễn Bá Diệp - Phó chủ tịch HĐQT CTCP Ví MoMo.
Vì hình thức còn mới mẻ nên thách thức vẫn là gia tăng độ nhận biết và niềm tin của người dùng. Giới công nghệ kỳ vọng các hoạt động quyên góp trong dịch Covid-19 sẽ mang tính tiên phong để nhân rộng hình thức này hơn trong tương lai.
"Nền tảng thương mại điện tử khi thực hiện quyên góp thì quá trình gần như không có sự tiếp xúc trực tiếp nào giữa người với người, vì vậy một số ít người sẽ có cảm giác chưa thực sự yên tâm. Tuy nhiên tôi cho rằng theo thời gian, khi công nghệ chứng minh sự hiệu quả của nó về độ minh bạch thì điều tưởng như bất lợi sẽ trở thành lợi thế của doanh nghiệp công nghệ", Tổng giám đốc Lazada chia sẻ thêm.
Trước đó đề án 844 về đổi mới sáng tạo quốc gia của Bộ khoa học công nghệ cũng đã tiếp nhận hơn 45 giải pháp hỗ trợ mùa dịch từ 40 công ty khởi nghiệp để chung tay đẩy lùi dịch bệnh. Trong đó nhiều startup đưa ra được các giải pháp xử lý tuyến đầu dịch và hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn. Cùng nhau các doanh nghiệp công nghệ lớn nhỏ đang thể hiện tư duy phát triển bền vững của những người làm chủ nền kinh tế trong tương lai.