(Tổ Quốc) - Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương Nguyễn Viết Nhung đã đề xuất cho cách ly F0 tại nhà trong bối cảnh số ca nhiễm ngày càng tăng nhanh trong thời gian qua. Đề xuất này được đưa ra sau khi Bộ Y tế cho biết sẽ xem xét cách ly F1 tại nhà.
Trong đợt bùng phát dịch bệnh thứ 4, số ca nhiễm được phát hiện ngày càng tăng nhanh. Ví dụ như ở TP.HCM đã ghi nhận số ca nhiễm kỷ lục trong một ngày lên đến hơn 1.000 ca.
Nguyên nhân được Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn xác định là do đặc thù tại địa phương này khá rộng, nhiều khu công nghiệp, chợ tự phát, dân cư đông đúc. Ngoài ra, virus SARS-CoV-2 gây dịch bệnh tại thành phố thuộc biến chủng Delta. Biến chủng này có sự lây lan nhanh, đặc biệt là trường hợp tiếp xúc gần.
Đưa ra dự báo càng về sau thì các đợt dịch càng lây lan nhanh hơn, số ca nhiễm tăng gây khó khăn và quá tải cho các bệnh viện, PGS.TS Nguyễn Viết Nhung cho rằng, nếu số bệnh nhân tăng lên hàng nghìn người rất khó đảm bảo năng lực điều trị trong bệnh viện.
Trước tình hình này, PGS.TS Nguyễn Viết Nhung - Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho rằng, cần phải phân loại theo nhóm các ca nhiễm SARS-CoV-2 để thực hiện việc cách ly tại nhà. Theo đó, đối với các ca bệnh có triệu chứng nhẹ như chỉ ho, sốt, đau họng, không tổn thương phổi và ăn uống bình thường thì nên cho cách ly tại nhà.
Thực tế cho thấy, 84% người bệnh không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, không cần chăm sóc y tế. "Nếu chúng ta vẫn duy trì biện pháp bắt buộc tất cả F0 cách ly, điều trị tại bệnh viện sẽ gây tốn kém nguồn lực và không cần thiết" - PGS.TS Nguyễn Viết Nhung nêu quan điểm.
Cũng theo Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, việc điều trị một bệnh nhân Covid-19 tại bệnh viện đòi hỏi nguồn lực về con người và kinh tế rất lớn. Chính vì vậy, ông cho rằng chỉ nên cách ly tại cơ sở y tế đối với những ca bệnh có nhiều bệnh nền, cao tuổi.
Nguồn lực các bệnh viện chỉ nên tập trung điều trị các ca bệnh nặng. Cách ly F1 và F0 triệu chứng nhẹ tại nhà sẽ không gây quá tải cho lực lượng y tế. Biện pháp này cũng giải quyết bài toán về lâu dài là chúng ta phải học cách sống chung với dịch bệnh
PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Y tế dự phòng (Bộ Y tế)
Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cũng đưa ra quan điểm, nếu triển khai cách ly F0 tại nhà cần đảm bảo 6 điều kiện.
Thứ nhất, Bộ Y tế cần phải quy định cụ thể về việc khám sàng lọc, phân loại F0 được cách ly tại nhà, hoặc điều trị trong bệnh viện.
Thứ hai, đối với việc cách ly F0 tại nhà cần đảm bảo các tiêu chuẩn về phòng, nhà ở, cơ sở vật chất. Theo đó, các hộ gia đình phải có phòng riêng, khép kín. Các phòng cách ly có thể trong khu chung cư hoặc nhà riêng. Tuy nhiên, đối với chung cư có điều hòa trung tâm thì không nên dùng làm nơi cách ly F0, bởi dễ lây lan dịch bệnh từ đây.
Thứ ba, F0 cần được gắn máy đo nồng độ oxy, hướng dẫn cụ thể cách theo dõi sức khỏe hằng ngày, cách sinh hoạt, tự cách ly tại nhà, cập nhật và thông báo về tình hình sức khỏe.
Thứ tư, các thành viên còn lại trong gia đình được coi là F1, cũng cần tự cách ly tại nhà. Vì vậy, việc mua đồ dùng sinh hoạt hằng ngày cần có người hỗ trợ. Việc này có thể giao cho các tổ Covid-19 cộng đồng, đoàn thể địa phương và hướng dẫn cụ thể cách đảm bảo an toàn.
Thứ năm, cần quy định cụ thể việc giám sát F0 tại nhà và phải khác với việc giám sát F1. Cơ quan chuyên môn cũng cần có quy trình cụ thể để nhân viên y tế địa phương vận dụng, khi nào đưa F0 đến bệnh viện; quá trình vận chuyển như thế nào; cấp cứu F0 nếu tình hình sức khỏe diễn tiến nặng nhanh.
Thứ sáu, xây dựng quy trình, số lần lấy mẫu xét nghiệm cho F0 tại nhà. Nhân viên y tế có thể mặc đồ bảo hộ hai lớp, khi đến nhà F0 sẽ bỏ lớp ngoài, để không bị lây nhiễm và phát tán mầm bệnh cho cộng đồng.
Theo Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, nếu thực hiện việc này thì các cơ quan chuyên môn phải hướng dẫn cụ thể. Theo đó, F0 và gia đình phải ký cam kết tuân thủ quy định khi ở nhà. Bên cạnh đó, cần lập đường dây nóng hỗ trợ tinh thần cho tất cả người cách ly tại nhà, giúp họ giải tỏa tâm lý cũng như hướng dẫn họ thực hiện đúng quy định./.