• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Cách ly xã hội phòng Covid-19: Những trường hợp nào ở Hà Nội được ra ngoài, các cơ sở, nhà máy nào vẫn hoạt động?

Thời sự 01/04/2020 08:49

(Tổ Quốc) - Dưới đây là chi tiết các trường hợp được ra ngoài, cơ sở kinh doanh, nhà máy của Hà Nội vẫn hoạt động theo quy định về cách ly xã hội phòng, chống Covid-19.

Những trường hợp nào được ra ngoài?

Tối 31/3, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã ký ban hành Chỉ thị về thực hiện cách ly xã hội phòng, chống COVID-19.

Theo đó, người đứng đầu UBND TP yêu cầu thực hiện cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày, kể từ 0h ngày 1/4/2020 trên phạm vi toàn thành phố, theo nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình, thôn bản cách ly với thôn bản, xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện, thành phố cách ly với tỉnh, phân xưởng, nhà máy sản xuất phải bảo đảm khoảng cách an toàn, đeo khẩu trang, thực hiện khử trùng, diệt khuẩn theo quy định.

Ông Chung yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như: mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu không bị đóng cửa, dừng hoạt động và các trường hợp khẩn cấp khác.

Thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp; không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng.

Cách ly xã hội phòng Covid-19: Những trường hợp nào ở Hà Nội được ra ngoài, các cơ sở, nhà máy nào vẫn hoạt động? - Ảnh 1.

Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung.

Những trường hợp nào đến làm việc tại cơ quan, đơn vị?

Chủ tịch Hà Nội cũng yêu cầu các cơ quan, đơn vị nhà nước bố trí cho cán bộ, công chức, viên chức sử dụng công nghệ thông tin làm việc tại nhà; chỉ những trường hợp cần thiết mới đến làm việc tại cơ quan, đơn vị như: Trực chiến đấu; trực cơ quan; cung ứng hàng hóa, dịch vụ thiết yếu; xử lý tài liệu mật, tham gia chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác phòng, chống dịch; các trường hợp khác phải có văn bản của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh TƯ và TP mới đến làm việc tại cơ quan.

Người đứng đầu cơ quan, đơn vị lập danh sách cán bộ công chức, người lao động đến cơ quan đơn vị làm việc; chịu trách nhiệm về việc cán bộ, nhân viên lây nhiễm dịch bệnh do không chấp hành nghiêm quy định phòng, chống dịch tại cơ sở.

Các cơ sở, dịch vụ nào vẫn được mở cửa?

Các cơ sở kinh doanh dịch vụ đóng cửa, tạm dừng kinh doanh toàn bộ các dịch vụ kinh doanh, trừ các trường hợp sau:

Siêu thị tổng hợp (trừ dịch vụ vui chơi, ăn uống tại chỗ); Trung tâm thương mại (gồm siêu thị tổng hợp như trên, bệnh viện).

Chợ dân sinh (gồm các gian hàng: lương thực, thực phẩm, rau hoa quả, đồ khô).

Các cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini (trừ dịch vụ ăn uống tại chỗ); Các cửa hàng tạp hóa, kinh doanh hoa, quả, trái cây; Cơ sở lưu trú du lịch; Chuỗi kinh doanh nông sản thực phẩm, thuốc chữa bệnh.

Dịch vụ khám chữa bệnh; Dịch vụ bưu điện; Dịch vụ ngân hàng, thanh toán điện tử; Dịch vụ viễn thông truyền hình; Dịch vụ bảo vệ; Cửa hàng kinh doanh xăng dầu gas khí đốt; Dịch vụ tang lễ, nghĩa trang, hỏa táng, cơ sở cai nghiện, cơ sở bảo trợ xã hội.

Khi giao dịch trong các loại hình kinh doanh dịch vụ nêu trên cần đeo khẩu trang và giữ khoảng cách tối thiểu 2m, vệ sinh khử khuẩn theo hướng dẫn của ngành Y tế.

Các nhà máy, xí nghiệp, các cơ sở sản xuất, công trường xây dựng tổ chức cho cán bộ công nhân viên, người lao động nghỉ tại nhà, nơi cư trú, tại nhà máy, tại công trường xây dựng (nếu có), trừ các trường hợp:

Sản xuất kinh doanh hàng hóa thiết yếu như: sản xuất, sơ chế, chế biến lương thực, thực phẩm, hoa quả, dược phẩm, thuốc chữa bệnh, trang thiết bị vật tư y tế phục vụ phòng chống dịch bệnh, an ninh quốc phòng,

Dịch vụ cung cấp điện, nước, vệ sinh môi trường, các trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản, các nhà máy cung cấp nước sạch, các xưởng may sản xuất khẩu trang y tế, nhà máy sản xuất nước đóng chai, nước trái cây.

Các nhà máy xí nghiệp đang phải sản xuất các đơn hàng phải trả theo hợp đồng đã ký trước ngày 15/4.

Các trường hợp được tổ chức sản xuất, kinh doanh tại các nhà máy xí nghiệp, công trường nêu trên phải đảm bảo tuân thủ nghiêm ngặt về bảo hộ lao động, đeo khẩu trang, giữ khoảng cách an toàn, áp dụng các giải pháp phòng chống dịch tại cơ sở, đảm bảo sức khỏe cho mọi người.

Đặc biệt, các cơ sở sản xuất kinh doanh này cần phải chủ động yêu cầu bắt buộc các nhân viên, công nhân có liên quan đến yếu tố tiếp xúc đến thăm, khám chữa bệnh hoặc có tiếp xúc với người thân, bạn bè đã đến hoặc làm việc tại BV Bạch Mai trong thời gian từ ngày 10 - 28/3 phải cách ly, lấy mẫu xét nghiệm.

Bên cạnh đó, Hà Nội cũng yêu cầu dừng các hoạt động hội họp, các sự kiện tập trung trên 20 người trong 1 phòng; Thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp.

Đeo khẩu trang, không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng.

Dừng triệt để các nghi lễ tôn giáo, hoạt động có tập trung từ 20 người trở lên tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự; dừng tất cả các hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí tại các địa điểm công cộng.

Khi tập trung dưới 20 người phải tiến hành khử khuẩn vệ sinh y tế, kiểm tra thân nhiệt, đeo khẩu trang và thực hiện khoảng cách tối thiểu 2m giữa người với người.

Cách ly xã hội phòng Covid-19: Những trường hợp nào ở Hà Nội được ra ngoài, các cơ sở, nhà máy nào vẫn hoạt động? - Ảnh 3.

Hoàng Đan

NỔI BẬT TRANG CHỦ