• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Cách nào nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức đại diện quyền tác giả, quyền liên quan?

Văn hoá 30/11/2020 13:40

(Tổ Quốc) - (Tổ Quốc)- Một trong những giải pháp hang đầu đó là thực hiện nguyên tắc công khai, minh bạch trong việc thu và phân chia tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất

Những năm qua, ở Việt Nam, hệ thống Tổ chức đại diện Tập thể quyền tác giả, quyền liên quan (CMOs) đã từng bước hình thành, phát triển với 6 tổ chức - đó là: Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) - trực thuộc Hội Nhạc sĩ Việt Nam, được thành lập năm 2002; Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam (RIAV) thành lập năm 2003; Trung tâm quyền tác giả văn học Việt Nam (VLCC) - trực thuộc Hội Nhà văn Việt Nam, thành lập năm 2004; Hiệp hội quyền sao chép Việt Nam (VIETTRRO), được thành lập năm 2010; Hội bảo vệ quyền của Nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc Việt Nam (APPA) được thành lập năm 2016; Hội bảo về quyền tác phẩm điện ảnh và phim truyền hình được thành lập năm 2019.

Cách nào nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức đại diện quyền tác giả, quyền liên quan? - Ảnh 1.

Một trong những giải pháp hang đầu đó là thực hiện nguyên tắc công khai, minh bạch trong việc thu và phân chia tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất

Hành lang pháp lý để các CMOs hoạt động cũng được cơ quan chức năng ban hành (Luật sở hữu trí tuệ- điều 56 và Nghị định: 22/2018). Theo đó, đây là tổ chức phi lợi nhuận do tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan thỏa thuận thành lập, hoạt động theo quy định pháp luật. CMOs có trách nhiệm quản lý quyền tác giả, đàm phán, cấp phép, thu và phân chia tiền nhuận bút, thù lao từ việc cho phép khai thác các quyền được ủy quyền. Đồng thời bảo về quyền, lợi ích hợp pháp của thành viên; tổ chức hòa giải khi có tranh chấp; Khuyến khích sáng tạo…

Theo ông Phạm Thanh Tùng, Trưởng phòng Thông tin và Hợp tác quốc tế, Cục Bản quyền tác giả, thực tiễn hoạt động tại một số CMOs cho thấy công tác phát triển hội viên, thu và phân chia tiền nhuận bút, thù lao từ việc cho phép khai thác các quyền được ủy quyền từng bước đạt được kết quả nhất định, bước đầu đem lại niềm tin cho hội viên, thành viên của mình.

Cũng theo ông Phạm Thanh Tùng, hiện các CMOs đã và đang tiếp tục kiện toàn bộ máy nhân sự, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, trang thông tin điện tử. Tuy nhiên, các CMOs cũng gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình hoạt động. Đơn cử như việc một số CMOs chưa phát triển được nhiều hội viên ủy quyền, thậm chí vẫn còn thiếu kinh nghiệm về năng lực quản trị, về thiết lập biểu mức, kỹ năng đàm phán và cấp phép , cơ sở dữ liệu…

"Trong một số trường hợp, CMOs và bên sử dụng chưa thỏa thuận được mức tiền bản quyền khi sử dụng tác phẩm để biểu diễn trước công chúng, sử dụng tác phẩm đã công bố để phát sóng, sử dụng trực tiếp, gián tiếp bản ghi âm, ghi hình đã công bố nhằm mục đích thương mại để phát sóng và trong hoạt động kinh doanh thương mại", ông Phạm Thanh Tùng cho biết thêm.

Chia sẻ về thực trạng, chính sách pháp luật về vấn đề quản lý tập trung bản quyền tác giả, ứng phó với tình trạng xâm phạm bản quyền online tại Hàn Quốc, ông Lee Yeong Ruk, Ủy ban Bản quyền tác giả Hàn Quốc cho biết, tốc độ phát triển công nghệ ngày càng tăng nhanh đã làm phát sinh khoảng cách giữa thực tế về bản quyền với các quy định pháp luật liên quan. Hàn Quốc bắt đầu áp dụng chính sách quản lý tập trung bản quyền tác giả và sửa đổi toàn diện từ năm 1987, tập trung vào chế độ quản lý ủy thác, chế độ đại lý trung gian, chế độ cấp phép thành lập, chế độ cho phép thi tiền phí sử dụng. Hiện Hàn Quốc có 13 tổ chức quản lý tập trung bản quyền tác giả (âm nhạc 4, ngôn ngữ 4, điện ảnh 2 còn lại là phát sóng, tin tức, công cộng). Số sản phẩm có bản quyền được các tổ chức quản lý ủy thác quản lý tăng rất nhanh, chỉ riêng trong năm 2017- 2018 tăng từ 40.807.678 lên gần gấp đôi- 76.226.135; số hội viên ủy thác (cá nhân, pháp nhân), số tiền phí bản quyền được các tổ chức quản lý ủy thác thu được cũng tiếp tục gia tăng.

Ông Lee Yeong Ruk cũng cho biết những khó khăn mà phía Hàn Quốc đang gặp phải trong việc phát triển chính sách về quản lý tập trung, đó là môi trường mở trong việc thành lập doanh nghiệp, cơ quan; quản lý trên nền tảng quyền tự chủ của hội viên, tìm kiếm môi trường thể chế mới cần thiết trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4…

Liên quan đến những khó khăn mà CMOs ở Việt Nam đang phải đối mặt, ông Phạm Thanh Tùng cho biết, giải pháp đặt ra đối với các CMOs là phải thực hiện nguyên tắc công khai, minh bạch trong việc thu và phân chia tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất.

Đồng thời cần xây dựng và thỏa thuận về Biểu mức sử dụng bản ghi âm, ghi hình đã công bố nhằm mục đích thương mại để phát song hoặc trong hoạt động kinh doanh thương mại (theo Điều 33 Luật Sở hữu trí tuệ).

Hoặc có thể triển khai chương trình hợp tác ba bên VCPMC- RIAV- APPA trong việc thay mặt đàm phán cấp phép thu và phân chia tiền sử dụng bản ghi âm, ghi hình đã công bố nhằm mục đích thương mại để phát song hoặc trong hoạt động kinh doanh thương mại, ông Tùng đưa ra khuyến nghị

Ở góc độ của cơ quan quản lý nhà nước, theo ông Tùng, cần nghiên cứu, rà soát, sửa đổi bổ sung hoàn thiện các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan; Tăng cường thanh tra, kiểm tra nhằm phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, đặc biệt là tác phẩm âm nhạc, điện ảnh, nhiếp ảnh. Đồng thời cần thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin để phát hiện và ngăn chặn vi phạm trên môi trường số; Tuyên truyền nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về quyền tác giả và quyền liên quan của đối tượng trong toàn xã hội; tăng cường hợp tác quốc tế, tuân thủ các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên…

T.Nam

NỔI BẬT TRANG CHỦ