• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Cách nhận biết, phân loại và diễn biến trẻ tự kỷ

Sức khỏe 03/04/2017 14:47

(Tổ Quốc) - Xã hội càng phát triển thì mô hình bệnh tật càng có nhiều thay đổi. Hiện, một mô hình bệnh tật mà nhiều cha mẹ đang lo ngại và quan tâm đó là chứng tự kỷ ở trẻ.

Tự kỷ là một tập hợp các rối loạn phát triển lan tỏa ở mức độ khác nhau từ nhẹ đến nặng, có khởi phát sớm từ khi trẻ trước 3 tuổi và diễn biến kéo dài. Biểu hiện chung của tự kỷ bao gồm những khiếm khuyết trong 3 lĩnh vực là kém tương tác xã hội, kém giao tiếp và hành vi bất thường. bên cạnh đó, trẻ thường có rối loạn cảm giác, nhiều trẻ có kèm theo tăng động và chậm trí tuệ. Tỉ lệ chẩn đoán trẻ mắc tự kỷ trong những năm gần đây có xu hướng tăng lên với tần xuất gặp 1/100 trẻ, trong đó tự kỷ điển hình chiếm 16,8%, trẻ trai bị nhiều hơn trẻ gái 6 lần.

Nếu không thực sự hiểu rõ chứng tự kỷ thì việc nhìn nhận sẽ khiến cha mẹ đôi khi thái quá hoặc có khi lại quá thờ ơ với những biểu hiện khác thường ở con và chưa thấy hết được tầm quan trọng khi các con được hỗ trợ can thiệp sớm và kịp thời.

Trẻ chậm nói có phải là tự kỷ? 

Chậm nói là một trong những dấu hiệu khá điển hình của hội chứng tự kỷ. Tuy nhiên không phải lúc nào trẻ chậm nói cũng là tự kỷ. Trẻ chậm nói có thể chia làm hai dạng: Chậm nói thông thường và chậm nói do khiếm khuyết về sự phát triển của não bộ- chứng tự kỷ.

Nếu bên cạnh việc chậm nói thông thường, trẻ có thêm một vài các biểu hiện như khả năng hiểu lời của trẻ không tốt,  khó ngủ, giấc ngủ không sâu, hành vi bất thường lặp lại, khó hòa nhập, thích một mình thì cha mẹ cần đưa trẻ đến khám tại các cơ sở chuyên khoa tâm bệnh để làm test tâm lý và loại trừ. Còn nếu trẻ chỉ bị chậm nói thông thường thì cha mẹ có thể dạy bé phát triển ngôn ngữ tại nhà hoặc cho bé tiếp xúc với cộng động như đi lớp, không cho trẻ sử dụng máy tính, điện thoại và các thiết bị điện tử.

Chậm nói là một trong những dấu hiện khá điển hình của hội chứng tự kỷ, nhưng không phải lúc nào trẻ chậm nói cũng là tự kỷ.

Trẻ tăng động có mắc chứng tự kỷ?

Tăng động giảm chú ý là rối loạn phát triển thường gặp, có thể ảnh hưởng đến tất cả các khía cạnh cuộc sống của một đứa trẻ. Đây không phải là rối loạn tự kỷ, tuy nhiên, khoảng 2/3 số trẻ tăng động có ít nhất một triệu chứng giống với trẻ tự kỷ và đến một nửa trẻ tự kỷ cũng có những triệu chứng ở trẻ tăng động. Triệu chứng tăng động giảm chú ý có thể làm chậm chẩn đoán rối loạn tự kỷ

Trong một nghiên cứu quan trọng tại bệnh viện nhi Boston – Mỹ đã chỉ ra rằng: Cứ 10 trẻ mắc chứng tự kỷ thì có đến 20% trẻ đã từng mắc phải chứng tăng động, giảm chú ý. Trẻ em mắc chứng tăng động sẽ khiến cho các chẩn đoán tự kỷ của chuyên gia chậm lại trung bình 3 năm. Sau 6 tuổi, trẻ tăng động có nguy cơ mắc phải chứng tự kỷ cao gấp 30 lần.

Sự thiếu tập trung, bốc đồng ở “trẻ tăng động” bao giờ cũng biểu hiện rõ ràng hơn so với các dấu hiệu khó khăn trong tương tác xã hội, giao tiếp, hành vi lặp lại ở “ trẻ tự kỷ”:....Kết quả là các triệu chứng của tăng động giảm chú ý đã làm lu mờ các dấu hiệu của rối loạn tự kỷ dẫn tới sự khó khăn đặc biệt để nhận ra trẻ có bị tự kỷ hay không?

Và điều này đã gây ra một sự chậm trễ đáng kể trong việc chẩn đoán rối loạn tự kỷ ở trẻ. Đó cũng là lý do chính tại sao phải mất trung bình tới 3 năm mới phát hiện ra trẻ thực sự bị tự kỷ hay tăng động đơn thuần. Hiểu theo một cách khác thì 3 năm này chính là khoảng thời gian vàng cho sự tiếp nhận điều trị ở trẻ cũng như tạo nên một sự khác biệt lớn trong tương lai của mỗi trẻ.

Nguyên nhân của hội chứng tăng động giảm chú ý, chậm nói là gì?

Trẻ tăng động giảm chú ý, chậm nói là một trong những hội chứng mắc phải từ thời thơ ấu được nghiên cứu nhiều nhất. Tuy nhiên, cho đến nay người ta vẫn chưa xác định rõ ràng được nguyên nhân nhưng có thể xếp theo các nguyên nhân sau:

- Tiếp xúc với một số độc chất trong thời kỳ mang thai: như thuốc lá, rượu, ma túy, vì những chất này làm giảm sản xuất dopamine ở trẻ em hoặc các độc chất trong môi trường như dioxine, hydrocarbure benzen…cũng làm tăng nguy cơ trẻ sinh ra bị tăng động, kém tập trung, chậm nói, sinh non tháng, thiếu oxi lúc sinh (bị ngạt) làm ảnh hưởng đến sự phát triển trí não của trẻ.

- Đa số những trẻ em mắc chứng không tập trung – tăng động, chậm nói thì trong gia đình của chúng có ít nhất một thành viên mắc chứng này. Hơn nữa, 1/3 số người đàn ông bị chứng tăng động - thiếu tập trung khi còn nhỏ, thì con họ sau này cũng mắc phải chứng này. Nguyên nhân do lo lắng, rối loạn tâm thần, bị cưỡng bức, lạm dụng tình dục, gặp khó khăn trong học tập, lục đục trong gia đình hay do chấn thương đầu, nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương, trẻ ngủ hay ngáy, hoặc có rối loạn giấc ngủ (ngủ nhiều quá hoặc khó ngủ)…

- Nhiều nguyên nhân có thể khiến trẻ chậm nói, chậm phát triển khả năng nói và ngôn ngữ. Đôi khi chỉ là do trục trặc trong vòm miệng, như với lưỡi hoặc hàm ếch. Dây hãm ngắn cũng có thể hạn chế cử động của lưỡi khiến trẻ khó nói... Trục trặc trong khả năng nghe cũng thường có liên quan đến việc chậm nói, đó là lý do vì sao trẻ nên được bác sĩ tai mũi họng kiểm tra khi có vấn đề về nói. Trẻ khó nghe cũng sẽ gặp khó khăn trong việc hiểu, bắt chước và sử dụng ngôn ngữ.

- Nhiều mẹ thường để trẻ xem TV hay dùng điện thoại thông minh để bé ngồi yên, ăn ngoan hay mình rảnh làm việc nhà... Tuy nhiên, đây lại là một trong những lý do phổ biến khiến trẻ chậm nói. Trẻ xem TV như thế trong một thời gian dài sẽ bị ảnh hưởng lớn đến khả năng phát triển ngôn ngữ, cũng như tạo tiền đề cho nhiều hội chứng khác. Lý do là, khi xem TV và sử dụng điện thoại thông minh, trẻ không cần phải nói, không cần suy nghĩ, chỉ ngồi yên và nhìn, đưa tay chỉ, chạm vào màn hình dần tạo thói quen lười nói và giao tiếp ở trẻ. Ngoài ra, nguyên nhân gây trẻ chậm nói còn có thể đến từ các hội chứng tự kỷ, tăng động kém chú ý. Cha mẹ khi phát hiện con chậm nói nên cho bé đi khám ngay.

Các biểu hiện của chứng tăng động giảm chú ý, chậm nói (ADHD):

- Tăng vận động: Bé múa tay múa chân, chạy nhảy liên tục, đang làm việc này chuyển ngay sang việc khác. Ở lớp bé không thể ngồi yên một chỗ như các bạn khác và thường xuyên phải đụng vào bạn này, chọc phá bạn kia. Bé thường không lúc nào nghỉ ngơi tay chân.

- Giảm chú ý: Bé khó tập trung trong học tập, làm việc, sinh hoạt, kể cả lúc vui chơi. Bé dễ bị phân tâm bởi các kích thích xung quanh, không để ý nghe người khác nói chuyện, khó tập trung làm bài tập, hay để quên và làm thất lạc đồ đạc.

Hai biểu hiện này sẽ phối hợp và biểu hiện cùng nhau, mức độ thể hiện nhiều hay ít tùy từng trẻ. Có trẻ chủ yếu bị tăng động, có trẻ chủ yếu bị giảm chú ý.

Đến 18 tháng tuổi trẻ vẫn thích dùng cử chỉ hơn lời nói để giao tiếp, không bắt chước được âm thanh, khó khăn trong việc hiểu các yêu cầu đơn giản... thì bố mẹ nên cảnh giác.

Một số dấu hiệu nhận biết tự kỷ ở trẻ

- Thiếu hụt những kỹ năng tương tác xã hội như: trẻ ít giao tiếp bằng mắt, khi được gọi tên trẻ ít quay đầu đáp ứng; Khi muốn thứ gì trẻ không chịu chỉ tay mà kéo tay người khác; Có ít cử chỉ giao tiếp; Trẻ thường chơi một mình, không hợp tác và không biết chia sẻ với bạn; Luôn làm theo ý thích riêng, không biết khoe những thứ trẻ thích; Chỉ gắn bó với một vài người thân hoặc với một giáo viên mà trẻ thích, không để ý đến thái độ của người khác và thường quan tâm đến đồ vật nhiều hơn là để ý tới mọi người.

- Bất thường về giao tiếp và ngôn ngữ như: chậm nói hoặc đã nói được nhưng rồi lại không nói; Rất hay phát ra những âm vô nghĩa; Khi dạy trẻ nói nhưng không nói theo; Một số trẻ thường nhại lời người khác, nhại quảng cáo, chỉ nói khi có nhu cầu thiết yếu; Ngôn ngữ thụ động, không biết đặt câu hỏi, hỏi một câu nhiều lần, dùng sai đại từ sai ngữ pháp; Không biết đối đáp hội thoại; Giong nói khác thường, không tròn rõ, thiếu diễn cảm, nói nhanh… Không biết chơi giả vờ tưởng tượng mang tính xã hội.

- Có những hành vi bất thường về hành vi, thói quen và ý thích thu hẹp như: đi kiễng gót, đi giậm mạnh chân, xoay tròn người…; Có những thói quen rập khuôn theo kiểu lạp đi lặp lại; Ý thích thu hẹp, cách chơi đơn điệu kéo dài; Cuốn hút nhiều giờ xem quảng cáo, băng hình, điện thoại, quay bánh xe; Tay luôn cầm theo một thứ không thông dụng như bút, que, tăm, giấy…Có khoảng treen 70% trẻ tự kỷ có biểu hiện tăng động, không phản ứng với nguy hiểm.

- Rối loạn cảm giác như sợ khi nghe tiếng động to nên khóc hoặc bịt tai, che mắt hoặc chui vào góc do sợ ánh sáng.

- Có khoảng 60-70% trẻ tự kỷ có chậm phát triển trí tuệ kèm theo, một số trẻ lại có khả năng đặc biệt như bắt chước làm theo đúng những gì trẻ nhìn thấy…

- Có dấu hiệu sớm nguy cơ của tự kỷ như: khi 12 tháng, trẻ không bập bẹ nói và chưa biết chỉ ngón tay hoặc không có những cử chỉ điệu bộ giao tiếp phù hợp, 16 tháng chưa nói từ đơn, 24 tháng chưa nói được câu 2 từ hoặc nói chưa rõ; Trẻ bị mất kỹ năng ngôn ngữ hoặc kỹ năng xã hội ở bất kỳ lứa tuổi nào.

Phân loại hội chứng tự kỷ

Tự kỷ là hội chứng gồm nhiệu triệu chứng kết hợp với nhau gồm:

- Tự kỷ điển hình: gồm các dấu hiệu trong 3 lĩnh vực về kém tương tác xã hội, giảm giao tiếp và hành vi bất thường.

- Tự kỷ nhẹ, tự kỷ không điển hình như: có một số dấu hiệu thuộc 1 hoặc 2 trong 3 lĩnh vực kể trên.

- Tự kỷ chức năng cao, hội chứng Asperger như: nói được, có trí tuệ hoặc có một số khả năng đặc biệt nhưng có dấu hiệu bất thường về tương tác xã hội.

Diễn biến của tự kỷ

- Khi trẻ lớn lên thường đi học muộn, ít hòa nhập với bạn, khó khăn ngôn ngữ giao tiếp, không hiểu nghĩa bóng của từ ngữ, khó khăn về học tập, nhất là những môn xã hội. Hành vi định hình hoặc ý thích thu hẹp có thể thay đổi từ thứ này sang thứ khác, có tính hung hăng, tăng động hoặc thu mình, lo âu, ảm ảnh sợ hãi.

- Một số trẻ tự kỷ ở mức độ nhẹ- trung bình nếu được can thiệp sớm có thể hòa nhập tại các trường học. Với những trẻ có ngôn ngữ giao tiếp và có trí tuệ, sau này lớn lên có thể sống tự lập, có việc làm phù hợp với năng lực, tuy nhiên vẫn thường sống khép kín.

- Có khoảng 50% trẻ tự kỷ thể nặng điển hình có thể không nói được hoặc chỉ nói được rất ít ở tuổi trưởng thành. Nếu không được can thiệp, khi lớn lên trẻ tự kỷ phải sống phụ thuộc vào gia đình, không hòa nhập, thích nghi được với cuộc sống./.

Tuấn Minh (t/h)

NỔI BẬT TRANG CHỦ