(Tổ Quốc) - Hôm nay, tại nhà văn hóa Phụ Nữ, đã diễn ra diễn đàn “Áo Dài trong đời sống hiện đại". Đây là hoạt động nằm trong sự kiện “Lễ hội Áo dài 2018” lần thứ 5 tại TP.HCM.
Diễn đàn có sự tham gia của NSƯT Thành Lộc, NTK Sĩ Hoàng và các đại diện là lãnh đạo hội Liên Hiệp Phụ nữ, đại diện Sở VHTT TP.HCM để chia sẻ những vấn đề xoay quanh chủ đề “sự cách tân của áo dài hiện đại và đề xuất bảo tồn áo dài trong học đường”.
Diễn đàn đã chia sẻ nhiều vấn đề về sự cách tân của chiếc áo dài |
Trước khi bắt đầu tọa đàm NTK Sĩ Hoàng đã giới thiệu một cách chi tiết về nguồn gốc và sự phát triển của áo dài qua các thời kỳ lịch sử khác nhau đến khách mời và khán giả.
NTK Sĩ Hoàng nhấn mạnh: “Việt Nam dù có trải qua bao nhiêu thăng trầm lịch sử khác nhau thì những bản sắc dân tộc luôn được giữ trọn vẹn. Bản thân áo dài đã mang cho mình một bản sắc riêng. Tiếp nhận cách tân giống như con dao hai lưỡi nếu không biết chọn lựa áo dài phù hợp”.
Vài năm trở lại đây, hình ảnh chiếc áo dài đang dần khẳng định vị trí của mình trong văn hóa của Việt Nam. Áo dài được mặc ở khắp mọi nơi và mỗi lần xuất hiện đều toát lên vẻ nữ tính cũng như nét thuần Việt vốn có của người phụ nữ.
Các khách mời đều đồng quan điểm, cách tân thể hiện sự học hỏi và cầu tiến của các nhà thiết kế Việt, tuy nhiên cách tân làm sao để hình ảnh áo dài không bị biến dạng mà vẫn tôn trọng được vẻ đẹp vốn có của áo dài đó mới là điều quan trọng.
Diễn đàn đã thu hút khá đông các bạn trẻ |
Bên cạnh sự phong phú trong kiểu dáng và thiết kế của áo dài nữ thì các khách mời mong muốn chiếc áo dài nam cũng được lưu giữ và phát triển song song.
Là Đại sứ của Lễ hội Áo Dài 2018, đồng thời cũng là người tiên phong mặc áo dài nam tại các sự kiện văn hóa nghệ thuật, NSƯT Thành Lộc chia sẻ: “Khi xuất hiện tại bất kì sự kiện văn hóa nào tôi đều ưu tiên chọn mặc áo dài. TP.HCM có rất nhiều người nước ngoài sinh sống, khi nhìn vào họ sẽ biết đó là sự kiện văn hóa của người Việt Nam và biết đó là chiếc áo truyền thống của dân tộc mình. Điều quan trọng khi mặc áo dài, nam giới vẫn giữ được khí chất đàn ông, không chỉ tôn vinh bản sắc Việt mà sang trọng không kém”.
Để hình ảnh của áo dài ngày càng thân thuộc hơn trong đời sống, đặc biệt là đến thế hệ trẻ của đất nước, bà Hồng Linh đại diện sở VHTT TP.HCM mong muốn đề xuất không chỉ học sinh nữ mặc áo dài mà các nam sinh cũng sẽ có những thiết kế riêng để phù hợp hơn trong môi trường giáo dục hiện đại.
“Khi mặc áo dài, mỗi người đều cảm thấy đang khoác lên mình một quy định riêng, vì thiết kế cũng như kiểu dáng của áo dài đều bắt buộc mỗi người phải cẩn trọng trong di chuyển, đứng ngồi. Chính điều này tập cho học sinh một thói quen cẩn trọng, từ tốn cũng như giảm các hệ lụy về bạo lực học đường. Để các em học sinh yêu thêm áo dài truyền thống, với đề xuất mặc áo dài vào các dịp lễ và thứ 2 đầu tuần sẽ tạo cho học sinh thói quen gìn giữ và yêu văn hóa nước nhà”, bà Hồng Linh chia sẻ.
Thông qua buổi diễn đàn, Ban tổ chức hi vọng không chỉ tháng 3 mới là tháng của áo dài, mà bất kì ngày nào áo dài cũng được xuất hiện rạng rỡ.