• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Cái “bắt tay” giữa các bảo tàng, di tích: Tránh mạnh ai nấy làm

Văn hoá 27/04/2017 06:38

(Tổ Quốc) - Ngày 26/4, tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu- Quốc Tử Giám, đại diện ban quản lý, giám đốc một số di tích, bảo tàng trọng điểm thuộc Bộ VHTTDL và TP Hà Nội đã ký kết Biên bản ghi nhớ tăng cường công tác truyền thông, quảng bá nhằm thu hút khách tham quan giai đoạn 2017-2021.

Lễ ký kết có sự chứng kiến của Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đặng Thị Bích Liên.

Khai thác thế mạnh của mỗi đơn vị

Lần đầu tiên, 17 đơn vị (16 bảo tàng, di tích và 1 cơ quan truyền thông) cùng ký kết biên bản ghi nhớ tăng cường công tác truyền thông, quảng bá nhằm thu hút khách du lịch. Cái “bắt tay” lịch sử giữa các đơn vị được kỳ vọng sẽ tránh tình trạng mạnh ai nấy làm, khai thác, hỗ trợ thế mạnh của mỗi đơn vị, hạn chế những điểm còn yếu kém khi thực hiện đơn lẻ.

 Cái “bắt tay” lịch sử giữa các đơn vị 

Theo biên bản ký kết, một số di tích, bảo tàng trọng điểm thuộc Bộ VHTTDL và TP Hà Nội như Bảo tàng Hồ Chí Minh, Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long- Hà Nội, Trung tâm hoạt động Văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Ban quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò, Ban quản lý Phố cổ Hà Nội, Bảo tàng Hà Nội... sẽ phối hợp tổ chức quảng bá, giới thiệu các sự kiện phục vụ công chúng vào dịp kỷ niệm những ngày lễ lớn. Các đơn vị cũng sẽ phối hợp trong hoạt động nghiên cứu, tìm hiểu nhu cầu của khách tham quan; đào tạo, nghiên cứu, trao đổi nghiệp vụ truyền thông; xây dựng các chương trình riêng biệt phục vụ khách du lịch; sử dụng tờ rơi, tờ gấp, poster…để quảng bá, giới thiệu.

Hoạt động phối hợp giữa các đơn vị được thực hiện trên cơ sở tự nguyện, đồng thuận; tuân thủ quy định của pháp luật; tôn trọng tính đặc thù, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị. 

Theo ông Phạm Đình Phong- Phó Cục trưởng Cục Di sản (Bộ VHTTDL) việc ký kết biên bản ghi nhớ giữa lãnh đạo các bảo tàng, các di tích trọng điểm của Bộ VHTTDL và Hà Nội là một đột phá trong liên kết, kết nối giữa các đơn vị. Sau khi biên bản ghi nhớ được ký kết, sẽ có sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị để hoạt động hiệu quả hơn, giảm được những hạn chế khi hoạt động đơn lẻ. Tuy nhiên, ông Phong cũng cho biết, tùy từng đơn vị sẽ chọn phương thức liên kết đa phương, song phương, những hoạt động cụ thể chứ không phải tất cả các hoạt động.

Khẳng định rất ủng hộ chủ trương liên kết này, PGS.TS Võ Quang Trọng- Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam cho biết: “Việc ký kết hợp tác trong truyền thông, quảng bá giữa các bảo tàng, các di tích là rất tốt. Trước đây, chúng ta vẫn mạnh ai nấy làm. Giờ chúng ta sẽ hỗ trợ lẫn nhau, tôn được thế mạnh của nhau, vì mục đích của chúng ta là cùng gìn giữ và quảng bá di sản văn hóa dân tộc”.

 Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đặng Thị Bích Liên phát biểu tại Lễ ký kết

Theo Thiếu tướng Nguyễn Xuân Năng, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, ngay đầu năm 2017, hiện thực hóa chủ trương kết nối các đơn vị, bảo tàng, các điểm di tích, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam đã mở cửa thông sang khu di tích Hoàng thành Thăng Long (Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long- Hà Nội) số 19 Hoàng Diệu. Thiếu tướng Nguyễn Xuân Năng cho biết, đây là một sự kết nối để du khách từ Bảo tàng Lịch sử Quân sự có thể dễ dàng sang tham quan Hoàng thành Thăng Long.

“Trước đây, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam và Hoàng thành Thăng Long dù rất gần nhau nhưng mạnh ai nấy làm, chẳng biết đến các hoạt động trưng bày, triển lãm của nhau. Thời gian gần đây, chúng tôi đã có những tờ rơi giới thiệu về Hoàng thành đặt ở Bảo tàng, ngược lại, phía Hoàng thành cũng có tờ rơi giới thiệu về Bảo tàng. Từ đó, giúp cho du khách của nơi này có thể biết được điểm di tích lân cận và sang tham quan”.

Việc các đơn vị sẽ cùng có các tờ rơi giới thiệu về đơn vị kia được tất cả các lãnh đạo 17 đơn vị tham gia ký kết Biên bản ghi nhớ đồng tình. Thậm chí, sáng kiến hơn, bà Nguyễn Thị Bích Thủy- Trưởng ban Quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò còn cho biết, Di tích Nhà tù Hỏa Lò đã có kết nối với Bảo tàng Phụ nữ. Theo đó, ngoài các tờ rơi giới thiệu về Bảo tàng Phụ nữ, hai đơn vị này còn cùng làm voucher khuyến mại. Ví dụ như khi du khách tham quan Di tích Nhà tù Hỏa Lò sẽ được phát voucher, cầm voucher đó sang tham quan Bảo tàng Phụ nữ sẽ được giảm 30%-50% phí các dịch vụ, phí tham quan…và ngược lại.

 

Cần các chương trình hành động dài hơi

Ngoài các tờ rơi, các chương trình giới thiệu về các điểm di tích kết nối, theo đại diện các đơn vị, cần có sự cầm trịch của Bộ VHTTDL trong việc quy định về mẫu mã chung, kích thước chung của các tờ giới thiệu về các đơn vị.

Tờ giới thiệu này cũng cần được Bộ VHTTDL hỗ trợ đề nghị các cơ quan liên quan cho phép đặt ở các sân bay.

Bà Nguyễn Thị Bích Vân- Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam cho biết: Khi đến các nước, ngay khi vừa xuống sân bay của họ, chúng ta dễ dàng gặp các tờ giới thiệu di tích, điểm đến của đất nước đó. Nhưng ở ta thì chưa làm được. Để làm được những tờ giới thiệu này, cần sự chủ trì của Bộ VHTTDL để thống nhất mẫu mã, kích cỡ để tránh tự phát.

Ngoài ra, theo bà Vân, cần có sự vào cuộc của các cơ quan báo chí, truyền thông để hỗ trợ trong việc làm cho dư luận hiểu hơn về các hoạt động dịch vụ đi kèm theo tại bảo tàng. Bà Vân cho rằng, tất cả các bảo tàng của các nước trên thế giới đều có các hoạt động dịch vụ, đó là đáp ứng nhu cầu của khách tham quan.

Quan điểm này cũng được PGS.TS Võ Quang Trọng cũng chia sẻ. “Sau ký kết này, chúng ta phải ngồi lại cùng nhau, đưa ra các chương trình hành động, rồi cùng thông tin, truyền thông để xã hội hiểu về bảo tàng, về công tác bảo tàng. Ví dụ việc tổ chức các dịch vụ tại bảo tàng. Ở châu Âu họ đều tổ chức, đó là nhu cầu không thể thiếu để du khách đến bảo tàng”- Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học nhấn mạnh.

Kết luận tại buổi ký kết, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đặng Thị Bích Liên đánh giá cao việc 17 đơn vị tham gia vào ký kết Biên bản ghi nhớ tăng cường công tác phối hợp truyền thông, quảng bá tại các bảo tàng, di tích thuộc Bộ VHTTDL và Hà Nội nhằm thu hút khách tham quan giai đoạn 2017- 2021. Thứ trưởng cũng đánh giá cao các ý kiến đóng góp sau lễ ký kết và khẳng định, các ý kiến rất có giá trị, có ý nghĩa cao đối với cơ quan quản lý.

Thứ trưởng yêu cầu, sau ký kết này, các đơn vị cùng xây dựng một chương trình truyền thông và xây dựng kế hoạch cho năm 2017, 2018. Thứ trưởng giao Cục Di sản là đầu mối tổng hợp các ý kiến, trong đầu tháng 5 phải có báo cáo.

Đối với tờ rơi, giới thiệu về các bảo tàng, các di tích, theo Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên, cần có sự phân loại, dạng nào do Bộ làm, dạng nào các đơn vị tự làm, dạng nào có thể xã hội hóa…Cục Di sản tổng hợp các ý kiến và báo cáo về Bộ trước 20/5 tới.

Đối với việc thay đổi nhận thức xã hội về dịch vụ tại Bảo tàng, theo Thứ trưởng, nếu cần thiết, sẽ có tọa đàm, xin ý kiến các nhà khoa học, các chuyên gia, các đơn vị quản lý và mời rộng rãi truyền thông, báo chí để quy hoạch lại bảo tàng./.

Bài,ảnh: Hoàng Nguyên

Hoàng Nguyên

NỔI BẬT TRANG CHỦ