(Tổ Quốc) - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, cải cách thể chế là một trong ba đột phá chiến lược, cách thể chế phải bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn và tôn trọng thực tiễn khách quan, phục vụ lợi ích của người dân, lấy người dân làm trung tâm, là chủ thể.
Chiều 5/11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm rõ các vấn đề liên quan và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Cải cách thể chế lấy người dân làm trung tâm, làm chủ thể
Đặt vấn đề chất vấn tại hội trường, đại biểu Quốc hội Ma Thị Thúy (Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang) cho biết, ngay từ những ngày đầu nhận nhiệm vụ, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã xác định cải cách thể chế là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. "Thủ tướng cho biết những quan điểm chính, trụ cột trong cải cách thể chế là gì?", đại biểu Thúy nêu câu hỏi.
Trong khi đó, đại biểu Âu Thị Mai (Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang) cho rằng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã rất quan tâm đến phát triển cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng chiến lược. Nhân dân đánh giá rất cao các chuyến đi, kiểm tra thực tế của Thủ tướng, đặc biệt là các dự án chậm tiến độ, dự án giao thông.
Đại biểu Âu Thị Mai đề nghị Thủ tướng cho biết Chính phủ sẽ có định hướng như thế nào đối với việc phát triển hạ tầng, trong đó có hạ tầng chống biến đổi khí hậu?
Trả lời chất vấn của đại biểu Ma Thị Thúy, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, cải cách thể chế là một trong ba đột phá chiến lược, cách thể chế phải bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn và tôn trọng thực tiễn khách quan, phục vụ lợi ích của người dân, lấy người dân làm trung tâm, là chủ thể.
Các trụ cột cần tập trung vào là xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa với quan điểm xuyên suốt lấy con người làm trung tâm, làm chủ thể là mục tiêu, là động lực, nguồn lực cho sự phát triển.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, mỗi tháng Chính phủ đều tổ chức phiên họp chuyên đề bàn về cách thể chế, bàn về xây dựng pháp luật. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Chính phủ đã xem xét gần 70 luật và đang trình Quốc hội hơn 10 dự án luật.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Âu Thị Mai, Thủ tướng cho biết, hạ tầng chiến lược gồm rất nhiều lĩnh vực, muốn thực hiện được điều này cần đánh giá, tổng kết đánh giá kết quả, tồn tại, hạn chế, nguyên nguyên nhân chủ quan và nguyên nhân khách quan, bài học kinh nghiệm. Tiếp đến là tập trung xây dựng thể chế liên quan đến lĩnh vực này; huy động nguồn lực nhà nước và nguồn ngoài nhà nước; chuyển giao công nghệ tiên tiến để tăng năng suất lao động; cải cách quản trị quốc gia và sự giúp đỡ, ủng hộ của các tổ chức quốc tế.
Liên quan đến chất vấn của đại biểu công tác cải cách hành chính, ý thức, thái độ của cán bộ, Thủ tướng cho biết, Việt Nam là quốc gia đang đang phát triển, đang trong quá trình chuyển đổi, trong 35 năm đổi mới, đạt được thành tích rất lớn, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của cán bộ, công chức, viên chức. Trong quá trình vận hành, trưởng thành lớn lên cùng đất nước, lớn lên cùng sự phát triển chung, chúng ta phải kiên trì hoàn thiện thể chế, dùng rất nhiều biện pháp để đơn giản bộ máy, tinh giản biên chế, thu hút người tài…
Thủ tướng nhấn mạnh, các cơ quan trong hệ thống chính trị phải rà soát, tổng kết một số nghị quyết của Đảng, với tinh thần chung là chỉ ra kết quả, bất cập để có giải pháp tốt hơn đối với công tác xây dựng đội ngũ công chức, viên chức trong sạch, tận tụy phục vụ Nhân dân, với quan điểm của Đảng lấy xây là chiến lược về cơ bản, lâu dài, chống là quan trọng, thường xuyên.
Đối với chất vấn về còn tình trạng trên nóng, dưới lạnh, Thủ tướng cho rằng, tình trạng này đang từng bước được cải thiện nhưng cần kiên trì. Bên cạnh triển khai các biện pháp đồng bộ, cũng cần động viên tinh thần, khen thưởng kịp thời, xử lý vi phạm phải nghiêm minh, công tác cán bộ phải dân chủ, phải công khai, minh bạch…
Giải pháp để đạt được mục tiêu về kinh tế số
Tại Phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng (Đoàn ĐBQH TP. Cần Thơ) cho biết, theo Báo cáo của Chính phủ, phần tỷ trọng đóng góp của kinh tế số vào GDP hiện nay là khoảng 10%. Chúng ta đang đặt mục tiêu đến năm 2030, tỷ trọng này đạt được khoảng 30%. Tuy nhiên, thời gian từ nay đến 2030 còn rất ít, khoảng 8 năm để thực hiện được mục tiêu.
Đại biểu đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho biết Chính phủ sẽ có những giải pháp như thế nào để đạt được mục tiêu về kinh tế số nêu trên?
Trả lời vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, chuyển đổi số là xu thế, được đưa vào Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII. Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, kinh tế số sẽ len lỏi vào mọi ngành, mọi lĩnh vực, nên cần tăng cường quản lý nhà nước, xây dựng thể chế phù hợp, khả thi, đảm bảo phát triển đúng hướng, bền vững, nhanh, kiểm soát những điều chưa đúng hướng, chưa lành mạnh.
Nhấn mạnh con người là chủ thể, động lực cho sự phát triển, Thủ tướng Chính phủ cho rằng, cần có giải pháp tăng cường nguồn nhân lực; trong đó có quan tâm đến khu vực vùng sâu vùng xa, biên giới hải đảo, không ai bị bỏ lại phía sau trong phát triển chuyển đổi số. Nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng số, cần huy động nguồn lực lớn, cần dựa vào xã hội hóa, hợp tác công tư, vay vốn nước ngoài để đáp ứng tốc độ phát triển. Các cấp các ngành đều phải tích cực nhập cuộc.
Liên quan đến phân cấp, phân quyền, Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, chủ trương của Đảng và Nhà nước đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đảm bảo thực hiện nhiệm vụ tốt nhất và nhanh nhất. Để làm tốt việc này cần đảm bảo phân bổ nguồn lực nâng cao năng lực thực thi. Cần rà soát hệ thống văn bản để thực hiện; nâng cao năng lực cán bộ, công chức; giám sát, kiểm tra thường xuyên tránh lạm quyền. Đây là những vấn đề cần tập trung đề làm tốt phân cấp, phân quyền./.