(Tổ Quốc) - Trong tình hình nhu cầu đi lại bằng đường hàng không sụt giảm kỷ lục vì những biện pháp ngăn chặn dịch bệnh lây lan của các chính phủ như hiện nay, những chiếc máy bay siêu to đang đứng trước tương lai bất định.
Khi Sir Richard Branson kỷ niệm sinh nhật lần thứ 25 của hãng hàng không Virgin Altantic năm 2009, ông đã cùng siêu mẫu Kate Moss chụp 1 bức ảnh đứng ngay trên cánh của 1 chiếc Boeing 747. Là máy bay phản lực dân dụng thương mại cỡ lớn thân rộng đầu tiên được sản xuất, đây được coi là biểu tượng cho thời huy hoàng của ngành hàng không.
Trong 1 thập kỷ sau, Boeing 747 giờ lại trở thành biểu tượng của những thảm họa mà ngành hàng không đang gặp phải trong thời đại dịch. Tuần trước, Virgin Atlantic thông báo sẽ cho toàn bộ 7 chiếc Boeing 747 của mình "nghỉ hưu".
Hơn 1.500 chiếc Boeing 747 đã được giao đến các hãng hàng không trong 52 năm qua, nhưng giới phân tích cho rằng trong tình hình nhu cầu đi lại bằng đường hàng không sụt giảm kỷ lục vì những biện pháp ngăn chặn dịch bệnh lây lan của các chính phủ như hiện nay, những chiếc máy bay siêu to đang đứng trước tương lai bất định, thậm chí là có thể sẽ là 1 cái kết buồn cho loại máy bay vẫn được mệnh danh là "Nữ hoàng bầu trời".
Lufthansa, hãng hàng không lớn nhất của Đức, tháng trước cũng tuyên bố ngừng sử dụng 5 chiếc 747 của mình. KLM (Hà Lan) mới đây xác nhận những chiếc Boeing 747 sẽ không quay trở lại bầu trời. Hãng Corsair của Pháp thì đang đẩy nhanh việc chuyển sang những mẫu mới hơn. British Airways cũng sẽ "bỏ rơi" 28 chiếc 747 vào năm 2024.
Trên khắp thế giới, Boeing và đối thủ Airbus vẫn đang đàm phán với các hãng hàng không rất mong muốn bảo vệ dòng tiền mặt của họ bằng cách lùi thời hạn tiếp nhận máy bay mới. Các công ty sản xuất máy bay như Boeing và Airbus sẽ đồng ý hoãn một số đơn hàng, nhưng chính bản thân họ cũng phải bảo vệ dòng tiền mặt của mình, theo chuyên gia phân tích Burkett Huey của Morningstar. "Đối mặt với sự kiện chưa từng có tiền lệ, họ sẽ phải tìm ra cách nào đó để có thể giao máy bay".
Boeng 747 đã đánh bại đối thủ Airbus A380 (Airbus sẽ dừng sản xuất loại này vào năm tới), nhưng vẫn phải đối mặt với nhiều vấn đề đã từng khiến đối thủ lao đao. Những chiếc máy bay thân rộng chỉ mang lại hiệu quả tài chính khi được sử dụng cho những chặng bay dài và đông khác, do đó tính linh hoạt không cao. Và giờ đây cả những chiếc máy bay đời mới nhỏ hơn cũng có thể thực hiện những chuyến bay dài, do đó trở nên hấp dẫn hơn đặc biệt trong hoàn cảnh ngành hàng không sẽ mất ít nhất là vài tháng, thậm chí vài năm mới có thể phục hồi sau khi nới lỏng lệnh phong tỏa.
Kể cả khi giá dầu ở mức thấp kỷ lục như hiện nay, các hãng hàng không vẫn cảm thấy những chiếc máy bay 2 động cơ đời mới tiết kiệm nhiên liệu hơn là lựa chọn hấp dẫn hơn. Ngoài ra chi phí bảo dưỡng những chiếc máy bay cũ cũng là vấn đề: những chiếc 747 của Virgin có tuổi thọ trung bình 20 năm, cao hơn gấp đôi so với những loại còn lại. Virgin cho biết ngừng bay những chiếc 747-400 và 4 chiếc Airbus A330-200 giúp cắt giảm khoảng 10% lượng khí thải carbon.
Boeing 747 được sản xuất tại nhà máy Everett, nơi được mệnh danh là tòa nhà lớn nhất thế giới. Khoảng 30.000 nhân viên làm việc tại cơ sở ở phía Bắc Seattle trước khi hãng thông báo cắt giảm 10% lực lượng lao động. Phần lớn nhân viên bị cắt giảm làm việc tại bộ phận hàng không thương mại, mảng vốn đã bị ảnh hưởng nặng từ sự cố 737 Max.
Đến nay Boeing vẫn chưa thu hẹp hoạt động sản xuất 747, một phần là bởi từ trước đến nay mỗi năm hãng chỉ sản xuất 6 chiếc, nhưng cũng bởi vì vẫn có nhu cầu từ một vài hãng chuyên vận chuyển hàng hóa. Tuần trước, CEO Dave Calhoun nhấn mạnh rằng 747 đang nhắm tới thị trường vận chuyển hàng hóa.
Thực chất thì ban đầu những chiếc 747 được phát triển để chở hàng hóa, với buồng lái nhô cao tạo thành một cái "bướu" cho phép máy bay có thể chất dỡ hàng hóa từ phía trước ở các phiên bản chuyên chở hàng hóa. Tuy nhiên những chiếc 747 chở khách đã "nghỉ hưu" sẽ không thể chuyển sang chở hàng, theo chuyên gia phân tích hàng không độc lập Howard Wheeldon.
Nhưng có lẽ Nhà Trắng chính là động lực lớn nhất, quan trọng nhất khiến Boeing tiếp tục sản xuất 747. Boeing có hợp đồng giao 2 chiếc 747-8s vào năm 2024, mà Nhà Trắng sẽ sử dụng làm máy bay riêng phục vụ Tổng thống – Air Force One. Tổng thống Trump từng nói (chưa được kiểm chứng) rằng ông đã tiết kiệm được 1,4 tỷ USD khi đàm phán yêu cầu Boeing giảm giá xuống còn 4 tỷ USD 1 chiếc. Dù đây có phải là sự thật hay không thì điều này vẫn cho thấy mức lợi nhuận rất cao mà Boeing thu được từ dòng máy bay này.