(Tổ Quốc) - Cải tạo chung cư cũ trên địa bàn thành phố Hà Nội được Thường trực Thành ủy Hà Nội xác định là nhiệm vụ hàng đầu và quyết tâm thực hiện bằng được trong nhiệm kỳ này. Tuy nhiên, thực tế cho thấy đây là vấn đề không hề dễ dàng, bởi sau 20 năm, Hà Nội mới chỉ có 1% chung cư cũ nát được cải tạo, sửa chữa trên tổng số hơn 1.500 căn chung cư cũ nát của thành phố.
Hầu hết chung cư cũ đã xuống cấp
Hà Nội hiện có 1.579 nhà chung cư cũ, do không được sửa chữa, bảo trì thường xuyên dẫn đến nhiều nhà chung cư xuống cấp nghiêm trọng, một số nhà hư hỏng nặng, nguy hiểm. Đến nay việc cải tạo chung cư cũ vẫn rất chậm do vướng mắc từ cơ chế.
Theo số liệu thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, hầu hết các chung cư cũ trên địa bàn có quy mô từ 2 đến 5 tầng, chủ yếu được xây dựng từ năm 1960 đến cuối những năm 1990, ngoài ra còn một số nhà được xây dựng từ trước năm 1954.
Đáng lo ngại là hệ thống kỹ thuật ở các chung cư đều cũ nát, thiếu hệ thống phòng cháy chữa cháy, đặc biệt là hệ thống cấp nước do dân tự cải tạo thành mạng lưới đường ống chằng chịt trên mặt nhà gây mất mỹ quan đô thị.
Thời gian qua, việc duy tu bảo dưỡng chưa được quan tâm đúng mức đã dẫn đến tình trạng hư hỏng, xuống cấp nhanh gây nguy hiểm và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người dân. Mặc dù đây là vấn đề bức thiết, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân, tuy nhiên công tác cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ vẫn là bài toán nan giải.
Phải giải quyết được lợi ích hài hòa của Nhà nước - Người dân - Doanh nghiệp
Theo ý kiến của các chuyên gia trong lĩnh vực này, vướng mắc lớn trong việc triển khai cải tạo chung cư cũ thời gian qua là quy định hạn chế chiều cao đối với nhà cao tầng trong quận nội thành và khu trung tâm thành phố. Điều này đã tạo ra những rào cản đối với các doanh nghiệp muốn đầu tư vào cải tạo chung cư cũ.
Trao đổi về vấn đề này, Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cho biết, việc cải tạo chung cư cũ ở Hà Nội đã có từ hơn 20 năm qua nhưng thực tế đến nay, TP Hà Nội mới chỉ kêu gọi được 20 chủ đầu tư làm các dự án cải tạo và xin phê duyệt 23 khu chung cư tại Hà Nội.
Ông Nghiêm cho rằng, việc cải tạo chung cư cũ phải được thực hiện theo quy hoạch chung của Thủ đô. Do vậy, trong nội đô các khu chung cư cũ không được xây cao tầng. Điều này khiến cho các chủ đầu tư không mấy hào hứng bởi, nếu xây thấp tầng thì lợi nhuận sẽ không đáng là bao. Trong khi đó, việc xây dựng ở Thủ đô Hà Nội không phải là điều dễ dàng.
Một khó khăn khác từ chủ đầu tư đó là việc đàm phán với người dân. "Nghị định 101/2015/NĐ-CP quy định việc tháo dỡ chung cư cũ, nhà tập thể cũ phải được sự đồng thuận của 100% chủ sở hữu. Trong khi đó, nhiều chủ hộ không đồng thuận do khúc mắc về hệ số đền bù. Cuối cùng là việc quy hoạch và quản lý sau cải tạo chung cư" - ông Đào Ngọc Nghiêm cho hay.
Theo quan điểm của ông Nguyễn Nguyên Quân - Trưởng Ban Đô thị HĐND TP Hà Nội, muốn cải tạo chung cư cũ phải có cơ chế chính sách hợp lý, giải quyết được lợi ích của nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Đây là một trong những mấu chốt quan trọng cần được giải quyết nếu muốn đẩy nhanh vấn đề cải tạo chung cư cũ nát hiện nay ở các đô thị lớn.
Cùng quan điểm về vấn đề này, nguyên Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Đào Đức Toàn cho hay, trên địa bàn Thủ đô có nhiều nhà chung cư đã quá cũ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn cho người dân. Tuy nhiên, vấn đề này đang gặp rất nhiều vướng mắc. Để xử lý được vấn đề này cần phải giải quyết hài hòa được bài toán lợi ích giữa người dân, doanh nghiệp và cả xã hội và phải có để xuất cải tạo từng loại hình một.