• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Cải tiến, đổi mới để phát huy tối đa vai trò hoạt động giám sát của Quốc hội

Thời sự 30/05/2024 14:02

(Tổ Quốc) - Tiếp tục Chương trình làm việc Kỳ họp thứ 7, sáng 30/5 tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2025.

Hoạt động giám sát đạt những kết quả quan trọng

Đánh giá khái quát về kết quả thực hiện Chương trình giám sát năm 2023 và những tháng đầu năm 2024, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn ĐBQH và ĐBQH đã đạt được những kết quả quan trọng với nhiều đổi mới, cải tiến, bảo đảm tiến độ và chất lượng.

Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế về hoạt động giám sát không ngừng được tăng cường, góp phần quan trọng tạo cơ sở pháp lý và định hướng hoạt động giám sát cho cả nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và những năm tiếp theo.

Trong đó, đáng chú ý là việc Quốc hội ban hành nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm để kịp thời thể chế hóa các quy định của Trung ương. Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết hướng dẫn việc tổ chức hoạt động giải trình tại phiên họp Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội; cho ý kiến về đề nghị bổ sung dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân trước khi trình Quốc hội xem xét, quyết định bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025.

Cải tiến, đổi mới để phát huy tối đa vai trò hoạt động giám sát của Quốc hội - Ảnh 1.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường.

Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội, phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội đảm bảo đúng quy định với nhiều đổi mới; các vấn đề chất vấn được lựa chọn bám sát thực tiễn, "đúng" và "trúng" những vấn đề "nóng", bức xúc nổi lên, đáp ứng nguyện vọng của cử tri và Nhân dân cả nước. Kết thúc các phiên chất vấn, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành 4 nghị quyết đối với 10 lĩnh vực.

Hoạt động giám sát chuyên đề tiếp tục có nhiều đổi mới trong công tác tổ chức thực hiện, nhờ đó đạt hiệu quả, kết quả tích cực.

Hoạt động lấy phiếu tín nhiệm được tiến hành cẩn trọng, bảo đảm nghiêm túc, theo quy định của pháp luật. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm giúp cho những người được lấy phiếu thấy rõ mức độ tín nhiệm của mình để có phương hướng tiếp tục rèn luyện, nâng cao năng lực, hiệu quả công tác, phấn đấu hoàn thành tốt hơn trọng trách được Đảng, Nhân dân và Quốc hội tin tưởng giao phó; đồng thời là một kênh thông tin quan trọng để các cơ quan có thẩm quyền xem xét, đánh giá cán bộ.

Nhiều đổi mới, cải tiến trong hoạt động giám sát, bảo đảm tiến độ và chất lượng

Hoạt động xem xét việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và giám sát chuyên đề tại Kỳ họp thứ 6 được triển khai với tinh thần chuẩn bị từ sớm, từ xa. Quốc hội đã dành 2,5 ngày để xem xét và tiến hành chất vấn việc thực hiện của các cơ quan liên quan tới 21 lĩnh vực được nêu trong 10 nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và đầu nhiệm kỳ khóa XV.

Cải tiến, đổi mới để phát huy tối đa vai trò hoạt động giám sát của Quốc hội - Ảnh 2.

Các đại biểu Quốc hội dự phiên họp.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nhấn mạnh, việc xem xét báo cáo của các cơ quan được thực hiện một cách thực chất, trách nhiệm, hiệu quả, được các vị đại biểu Quốc hội thảo luận kỹ lưỡng với yêu cầu đổi mới theo hướng trọng tâm, tập trung vào các vấn đề lớn và quan trọng, nêu bật được các vấn đề cụ thể.

Lần đầu tiên Quốc hội tổ chức thảo luận tại Hội trường về Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri; đồng thời, lần đầu tiên trong nhiệm kỳ này, Quốc hội tiến hành thảo luận Báo cáo kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội.

Giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị cử tri ngày càng được tăng cường và trở thành hoạt động thường xuyên; qua đó, tiếp tục thể hiện tinh thần đổi mới về công tác dân nguyện của Quốc hội, nâng cao vai trò giám sát của Quốc hội trong việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của cử tri, Nhân dân. Giám sát, hướng dẫn hoạt động của Hội đồng nhân dân đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm và đạt được nhiều kết quả bước đầu tích cực.

Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban đã chủ động cải tiến, đổi mới, triển khai hoạt động giám sát của mình nhằm thực hiện có hiệu quả các yêu cầu, nhiệm vụ được giao với các hình thức giám sát đa dạng và có sự kết hợp hài hòa giữa các hình thức giám sát...

Trình Quốc hội giám sát tối cao về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao

Theo Tổng Thư ký Quốc hội, năm 2025 cũng là năm cuối nhiệm kỳ, theo quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, Quốc hội sẽ tiến hành xem xét việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn, giám sát chuyên đề trong cả nhiệm kỳ.

Để bảo đảm chất lượng, tính khả thi của chương trình giám sát năm 2025, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội xem xét, quyết định giám sát tối cao 1 chuyên đề tại Kỳ họp thứ 10 và Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành giám sát 1 chuyên đề tại phiên họp tháng 8/2025.

Cải tiến, đổi mới để phát huy tối đa vai trò hoạt động giám sát của Quốc hội - Ảnh 3.

Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

Theo đó, trên cơ sở đề xuất của các cơ quan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Tổng Thư ký Quốc hội tổng hợp theo 10 nhóm theo lĩnh vực phụ trách của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội.

Đồng thời căn cứ vào tiêu chí lựa chọn cũng như qua nghiên cứu kiến nghị của cử tri, điểm báo và qua rà soát các nội dung đã thực hiện, cân đối các lĩnh vực và từ tình hình thực tiễn, đã tiến hành lựa chọn các chuyên đề giám sát theo quy trình chặt chẽ.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã lựa chọn 2 chuyên đề trình Quốc hội xem xét, quyết định chọn 1 chuyên đề để giám sát tối cao. Cụ thể như sau:

Chuyên đề 1: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành (dự kiến giao Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường chủ trì tham mưu về nội dung).

Chuyên đề 2: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao (dự kiến giao Ủy ban Văn hóa, Giáo dục chủ trì tham mưu về nội dung).

Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả trong hoạt động giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các cơ quan cần tiếp tục phát huy tinh thần chủ động, bám sát thực tiễn đời sống để đề xuất giám sát những vấn đề cấp bách nổi lên; tiếp tục rút kinh nghiệm, có các giải pháp cải tiến, đổi mới để phát huy tối đa vai trò hoạt động giám sát của Quốc hội.

Xuân Trường - Thế Công

NỔI BẬT TRANG CHỦ