(Toquoc)-Quanh lễ cầu an, giải hạn còn xuất hiện nhiều hành vi chưa đẹp.
(Toquoc) – Lễ cầu an, giải hạn sao tại chùa Phúc Khánh (Hà Nội) những năm gần đây đã thu hút một lượng lớn người dân tham gia. Quanh lễ cầu an, giải hạn này cũng còn nhiều hành vi chưa đẹp.
Đủ tư thế vọng
“Năm nay, lượng người tới cầu an, giải hạn tại chùa Phúc Khánh đông hơn năm ngoái nhiều” – cụ Hồng, ngõ Thịnh Quang, phường Ngã Tư Sở, Đống Đa, Hà Nội vừa ngồi trên bậc cầu thang nhà một người dân gần chùa Phúc Khánh vừa chỉ ra đám đông đang tập trung tại khu vực cầu vượt Ngã Tư Sở.
Quả thật, từ đầu giờ chiều, đã rất đông người dân đổ về chùa Phúc Khánh cầu an. Tới thời điểm lễ chính, người dân đã ngồi tràn ra đường Tây Sơn, ngồi lên cầu vượt khiến giao thông đoạn dưới chân cầu tắc nghẽn.
Chị Hằng, Tây Hồ, Hà Nội cho biết vợ chồng chị đã rất may mắn khi đến từ lúc hơn 4h chiều nên mới có chỗ ngồi từ phía… cổng phụ vào chùa Phúc Khánh, tại hành lang của khu tập thể Vĩnh Hồ. Năm nay gia đình chị không “dính” sao hạn nào cả nên tới chùa cầu an. “Cầu an thì ngồi xa xa cũng được” – chị Hằng nói.
Tràn cả ra lòng đường để hành lễ (Ảnh: D.Nguyên)
Cũng ngồi ở rất xa chùa như chị Hằng, tận ngõ Thịnh Quang, cụ Hồng cho biết, cụ ở đây lâu lắm rồi nhưng chưa bao giờ dâng sao giải hạn cả, “tôi không mê tín nên cũng không rõ sao nào chiếu cái gì. Tôi ra đây ngồi cầu an thôi’.
Ngay từ chiều nay, lực lượng cảnh sát giao thông quận Đống Đa và công an phường Ngã Tư ỉ ở đã tham gia phân làn đường, giữ gìn an ninh trật tự tại khu vực chùa Phúc Khánh. Các phương tiện giao thông chỉ có thể đi lên cầu vượt Ngã Tư Sở chứ không thể đi làn dưới chân cầu hướng về đường Láng chỉ vì ken đặc người dân ngồi hành lễ.
Người đi lễ không kể đàn ông hay đàn bà, già hay trẻ, không chỉ ngồi dưới lòng đường, trên vỉa hè, lan can cầu mà còn ngồi trên xe máy, trong ô tô đủ các tư thế hướng về chùa để làm lễ. Nhiều nơi, người đứng trước cứ đứng, người sau ngồi vẫn cứ ngồi chắp tay vái lạy lố nhố, thi thoảng lại có những chiếc xe máy lách được đám đông kéo ga, bóp còi chạy qua ầm ĩ.
Bên ngoài đường, nhà chùa đã bố trí tới bốn cụm loa, mỗi cụm từ ba tới bốn cái truyền đi các thông tin về nghi lễ cầu an, giải hạn tới người dân. Ai có kinh nghiệm thì mang theo ghế nhựa, còn đa phần người dân chia nhau tờ giấy báo để ngồi tạm. Chỉ cần có vậy là đã đủ để hướng về chùa Phúc Khánh, chắp tay cầu khấn.
Theo nhà chùa, việc đăng ký viết sớ dâng sao giải hạn đã được thực hiện từ tháng 12 âm lịch. Nhà chùa đã phải huy động các thầy, nhà sư của chùa, giảng viên Hán nôm của các trường đại học… viết liên tục từ tháng 12 tới để kịp dâng sao vào rằm Tháng Giêng.
Người đi, rác ở lại
Lễ cầu an, dâng sao giải hạn đã thể hiện được phần nào tâm nguyện của mỗi người dân tham gia. Tuy vậy, xung quanh hoạt động này đã để lại không ít phiền lòng và thậm chí là nỗi hỉ, nộ, ái, ố.
Người toàn mùi mắm tôm sau lễ cầu an, giải hạn, bà Thủy, phường Khương Trung, Thanh Xuân, Hà Nội rất tức giận nói, “rất nhiều người xung quanh tôi đã bất bình ghê gớm khi người dân tại số nhà 424 Tây Sơn đã vẩy rất nhiều mắm tôm xuống hàng chục người đang ngồi cầu khấn ở phía dưới ngôi nhà này. Nhiều người đã phải về nhà thay quần áo vì không chịu nổi mùi hôi”.
Bà Thủy cho rằng, vì khuôn viên chùa chật chội, mọi người mới phải ngồi ngoài đường và ngồi trên vỉa hè trước cửa nhà dân, lễ cầu cũng không kéo dài nhưng ý thức của người dân ở đây thật tệ. Sau lễ giải hạn, đoạn qua khu vực số nhà 424 này vẫn còn nồng lên mùi mắm tôm.
Chân cầu vượt Ngã Tư Sở sau lễ cầu an biến thành bãi rác (Ảnh:T.Linh)
Cũng sau lễ giải hạn, đoạn đường phố phía cổng sau chùa Phúc Khánh tới ngã ba Thái Thịnh – Tây Sơn và toàn bộ đoạn đường từ ngã ba này tới hầm cầu vượt Ngã Tư Sở đâu đâu cũng ngập ngụa giấy báo và vỏ chuối. Phía trong chùa Phúc Khánh, giấy báo cũng tràn lan. Ngay sau khi các nghi lễ kết thúc, một số người dân đã phải nán lại để quét tước gom hàng bì lớn giấy báo để chùa sạch sẽ hơn.
Ngoài đường, chị Bình, tổ 8, Thượng Đình, Thanh Xuân, Hà Nội đang nhặt nhạnh những tờ báo còn lành lặn, vỏ lon… cho vào bì để chở về nhà mai bán đồng nát. “Người dân đứng dậy cũng chả ai thèm dọn tờ báo mình ngồi, tôi vừa dọn sạch phố hơn vừa kiếm thêm vài đồng tiền cho cháu ở nhà đóng học, không có gì phải xấu hổ cả” – chị Bình nói.
Không hiểu với những hành vi thiếu văn hóa và ý thức kém như trên diễn ra tại lễ cầu an có khiến cho các “tác giả” có thấy “an”?
Thái Linh