• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Cấm ô tô vào nội đô: Đừng nghĩ là đơn giản!

Thời sự 07/05/2012 08:39

Trong những ngày đầu tháng 4/2012, báo chí lại có dịp rộ lên về vấn đề cấm ô tô cá nhân theo công thức 5x5 của cựu phi công Mai Trọng Tuấn. Ngay lập tức, phó chủ tịch TP Hà Nội đã giao các cơ quan chuyên môn nghiên cứu, xem xét. Nhưng vấn đề cần được xem xét ngay: đây là ý tưởng hay đồ án.

 

Nếu đây là một đồ án, thì các cơ quan chuyên môn chỉ cần xem xét, phản biện là có thể áp dụng hay không áp dụng, còn nếu chỉ mới dừng lại ở mức ý tưởng, thì việc cần làm chính là tổ chức nghiên cứu kỹ bởi các nhóm chuyên gia, phải được lập thành một dự án, có đề cương, nhân lực... và phải có kinh phí đầu tư.

Đồ án phải được thực thi một cách khoa học, bài bản, đúng trình tự của một đồ án khoa học thực sự, thì mới có cơ hội thành công khi áp dụng vào thực tiễn.

 

'Một đồ án khoa học, cần phải chỉ ra được, khi cấm ô tô theo công thức 5x5, thì phương án khả thi để thay thế, hoặc ít nhất cũng chỉ ra được mức độ ảnh hưởng tối thiểu ra sao".


 

Tp Hà nội đã thuê hẳn một tổ chức tư vấn Nhật bản (TraHud) để nghiên cứu đồ án phân làn xe ở dự án đường Trần Khát Chân, với số tiền lên đến hàng tỷ đồng, ngoài ra, còn được áp dụng thí điểm... mà kết quả cho thấy không thành công, huống chi, vấn đề cấm xe ô tô theo công thức 5x5 chưa đưa được coi là một đồ án khoa học

Ngày nay, với sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin, đối với đồ án này, sẽ là không quá khó khăn để nghiên cứu trên mô hình, chạy trên máy tính các phương án cấm ô tô tại các thời điểm khác nhau, các khu phố khác nhau, trước khi nó được áp dụng thí điểm.

Và đây chắc chắn cũng sẽ là một trong những yếu tố bắt buộc trong quá trình xây dựng đồ án.

Ngoài ra, đã là đồ án nghiên cứu để áp dụng rộng rãi, thì một yếu tố quan trọng là tiến hành thực nghiệm xã hội. Thực nghiệm xã hội là một công đoạn cực kỳ quan trọng đối với các đồ án nghiên cứu khoa học, hay một chương trình và kế hoạch lớn.

Không một dự án nào, cho dù được nghiên cứu kỹ lưỡng nhất, với các chuyên gia giỏi nhất, có thể một lần hoàn hảo và đảm bảo không có rủi ro.

Rõ ràng đề án thay đổi giờ làm việc, giờ học trong thời gian qua đã thất bại cũng xuất phát từ việc nghiên cứu sơ sài và đặc biệt là thiếu bước thực nghiệm xã hội trong đề cương của đề án này.

Và do bỏ qua một bước quan trọng đó, mà Nhà nước đã phải tốn không biết bao nhiêu tiền, ảnh hưởng đến một bộ phận không nhỏ nhân dân Thủ đô, thậm chí làm rối loạn xã hội chỉ vì sự lầm tưởng giữa ý tưởng và đồ án khi áp dụng vào thực tiễn.

Còn nữa, việc thu hồi giấy phép trông giữ xe ở 262 tuyến phố thực chất cũng tương tự như đồ án cấm xe 5x5, nó chỉ được gọi là ý tưởng chứ chưa thể là một đồ án. Và vì thế, khi áp dụng vào thực tiễn, chắc chắn sẽ không mang lại thành công.

Hà Nội là trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế của cả nước; là trung tâm dịch vụ, thương mại, không phải là một thành phố công nghiệp, hay du lịch, một trung tâm sản xuất đơn thuần. Do đó, đồ án cần phải được nghiên cứu và chỉ ra được những khó khăn cụ thể khi cấm xe theo công thức 5x5.

Đồ án cũng cần được nghiên cứu theo hướng mức độ ảnh hưởng của việc cấm đến quyền tự do đi lại, tính bình đẳng đối với mọi người dân, khi cấm ô tô con, thì phương tiện thay thế là gì? Không thể bắt một người đang đi lại bằng xe ô tô con, nay lại phải sử dụng xe ôm, hoặc xe buýt khi bản thân họ, do tính chất đặc thù của nghề nghiệp, không thể sử dụng các phương tiện đó.

Cấm ô tô sẽ tác động như thế nào đến sự phát triển kinh tế- xã hội của Thủ đô? Các con số cụ thể về sự ảnh hưởng của việc cấm tác động thế nào đến hoạt động của xã hội? Chi phí để thực hiện đồ án? Thậm chí, nếu không thành công thì khắc phục ra sao? Nếu chưa có những con số cụ thể thì rõ ràng, đây chỉ mới là ý tưởng, thậm chí một ý tưởng quá táo bạo, nhất quyết không thể coi là một đồ án để áp dụng được.

Trên thực tế, việc qui hoạch đường một chiều, cấm taxi trên một số tuyến đường, tổ chức một sự kiện lớn ở xung quanh Hồ Gươm thực chất cũng là cấm ô tô, nhưng việc qui hoạch đường một chiều đã được nghiên cứu kỹ, có các phương án khoa học bài bản. 

 

'Từ ý tưởng táo bạo của cựu phi công Mai trọng Tuấn, rất cần sự nghiên cứu kỹ lưỡng, có thể chỉ nên tập trung xây dựng ý tưởng này thành một đồ án nghiên cứu khoa học, áp dụng cho một số tuyến đường chính, thường xuyên ách tắc (các trục đường Thái Hà, Chùa Bộc, Kim Mã- Cầu Giấy...), trước khi nghiên cứu qui mô rộng".


 

Khi cấm xe đi ở một tuyến đường một chiều, người ta đã phải chỉ ra rằng, các phương tiện sẽ đi theo đường nào (thông thường được bố trí ở các tuyến đường song song nhau). Do đó, một đồ án khoa học, cần phải chỉ ra được, khi cấm ô tô theo công thức 5x5, thì phương án khả thi để thay thế, hoặc ít nhất cũng chỉ ra được mức độ ảnh hưởng tối thiểu ra sao?

Tỷ lệ giữa diện tích đường giao thông so với tổng diện tích đất của các quận nội thành Hà Nội là 6.18%. Trong khí đó, theo tiêu chuẩn chung của các nước tiên tiến, để đáp ứng giao thông thông suốt, chỉ số này phải đạt từ 20 -25%.

Và đặc biệt là tỷ lệ này ở các quận khác nhau thì cũng khác nhau rất lớn. Quận Hoàn Kiếm có tỷ lệ đường giao thông đạt 12% so với diện tích đô thị, trong khi quận Cầu Giấy có tỷ lệ thấp nhất, chỉ hơn 2.6%.

Chính vì diện tích đường giao thông ở các quận quá khác nhau (do qui hoạch manh mún, không khoa học), nên việc nghiên cứu đồ án này trên diện rộng sẽ gặp vô cùng khó khăn.

Do đó, từ ý tưởng táo bạo của cựu phi công Mai trọng Tuấn, rất cần sự nghiên cứu kỹ lưỡng, có thể chỉ nên tập trung xây dựng ý tưởng này thành một đồ án nghiên cứu khoa học, áp dụng cho một số tuyến đường chính, thường xuyên ách tắc (các trục đường Thái Hà, Chùa Bộc, Kim Mã- Cầu Giấy...), trước khi nghiên cứu qui mô rộng.

TS Hồ Tuấn Sỹ

(Nguồn VNN)

NỔI BẬT TRANG CHỦ