(Tổ Quốc) - Cuộc chiến chống dịch COVID-19 đầy cam go, thử thách khi làn sóng dịch lần thứ 4 ở Việt Nam diễn biến rất khó lường, số bệnh nhân tăng nhanh, nguy cơ dịch lan rộng. Đại dịch đã cướp đi sinh mạng của nhiều người dân, trong đó có cả những cán bộ y tế và lực lượng tuyến đầu.
Trong nhiều tháng qua, với tinh thần chung sức, đồng lòng cả nước cùng chống dịch, liên tiếp các đoàn y, bác sĩ, nhân viên y tế của các địa phương trong cả nước đã lên đường chi viện cho TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam chống dịch, trong số đó có cả đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế của Bệnh viện Thể thao Việt Nam.
Tuy lực lượng và cơ sở vật chất về y tế thuộc ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch không đông và không nhiều (toàn ngành chỉ có duy nhất Bệnh viện Thể thao), nhưng với khát vọng cống hiến, toàn bộ 42 cán bộ, nhân viên y tế của ngành lên đường lần này đều thể hiện rõ quyết tâm vượt qua mọi khó khăn thử thách, vì sứ mệnh thiêng liêng, cao cả, đóng góp sức lực, trí tuệ, sát cánh cùng đồng nghiệp tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Nam đẩy lùi dịch bệnh.
Trong lễ xuất quân, tiễn đoàn cán bộ y tế Bệnh viện Thể thao Việt Nam lên đường chi viện cho các tỉnh phía Nam chống dịch ngày 10/9, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng bày tỏ: Trong thời gian qua, cả nước cùng hướng về miền Nam ruột thịt, đồng sức đồng lòng chia sẻ với TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố phía Nam chống dịch. Không khỏi xúc động trước hình ảnh các y bác sĩ, chiến sĩ, tình nguyện viên đối mặt với các nguy cơ rủi ro, quên đi sức khỏe của bản thân, gác lại việc riêng của gia đình, xung phong đi vào điểm nóng dịch bệnh... Đó là điển hình của lương y như từ mẫu, hết lòng vì sức khỏe, tính mạng của nhân dân, vì nhân dân phục vụ, luôn đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết. Sự đồng lòng chống dịch của đội ngũ những người thầy thuốc đã vẽ nên một bức tranh đẹp về tinh thần đoàn kết, về sự sẵn sàng cống hiến, hy sinh khi Tổ quốc cần.
Trong bối cảnh chung đó, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có những đóng góp nhất định vào công cuộc phòng, chống dịch bệnh đầy cam go và thử thách. Bằng văn hóa và từ văn hóa, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tạo một hiệu ứng vắc xin tinh thần để lan tỏa giá trị yêu thương, tinh thần tương thân tương ái "lá lành đùm lá rách", tiếp thêm sức mạnh và niềm tin, chung sức đồng lòng cùng cả nước chống dịch.
Có thể nói, chưa bao giờ như lúc này, đội ngũ nhân viên y tế cùng cả hệ thống chính trị đang phải nỗ lực cao nhất nhằm kiểm soát dịch bệnh, với mong muốn sớm đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới. Không thể kể hết được công sức, sự đóng góp của các "chiến sĩ áo trắng" ở những điểm nóng dịch bệnh trong thời gian qua. Bằng trái tim tràn đầy tình yêu thương, trách nhiệm và lòng dũng cảm, họ gạt đi mọi lo âu, phiền muộn, lao vào cuộc chiến chống dịch bệnh đầy cam go. Với họ, có lẽ nói bao nhiêu lời cảm ơn cũng không đủ.
Có lẽ, trong đội ngũ những người thầy thuốc tình nguyện, phần lớn họ đều bỏ lại sau lưng rất nhiều thứ riêng tư trước lúc lên đường. Hơn ai hết, họ hiểu rõ mặt trận chống dịch ở phía trước còn muôn vàn gian nan, vất vả, thậm chí phải hy sinh, nhưng trong họ luôn bùng cháy khát khao được cống hiến, được dấn thân. Một "mệnh lệnh từ trái tim" và lương tâm con người, những người thầy thuốc đã lao vào cuộc chiến chống dịch mà không một chút suy tính thiệt hơn.
Với áp lực công việc, cán bộ, nhân viên y tế phần lớn đều đã kiệt sức, nhưng nhiệt huyết của họ thì không bao giờ cạn. "Tiền tuyến gọi, hậu phương trả lời", họ lại tình nguyện lên đường vào các điểm nóng dịch bệnh. Với tâm thế của một người lính nơi tuyến đầu, họ tiếp tục khoác lên mình bộ đồ bảo hộ ướt sũng mồ hôi, chạy đua với thời gian, gắng sức giành giật sự sống cho bệnh nhân.
Cảm nhận sâu sắc về sự hy sinh thầm lặng mà cao cả của đội ngũ nhân viên y tế, trong các chuyến công tác kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại những điểm nóng nhất về dịch bệnh gần đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính luôn dành nhiều thời gian thăm hỏi, động viên các lực lượng tuyến đầu chống dịch, trong đó có đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng và nhân viên y tế. Đặc biệt, trong bức thư gửi các "chiến sĩ áo trắng" ở tuyến đầu chống dịch, Thủ tướng đã viết: "Chiến trường nào cũng gian khổ, trận chiến nào cũng có những mất mát hy sinh; các anh, các chị và các bạn thực sự là những "chiến sĩ áo trắng" đang dấn thân thực hiện sứ mệnh cao cả của mình để bảo vệ sự an toàn của cộng đồng như lời dạy của Bác Hồ kính yêu".
Nhưng thấu hiểu và cảm thông thôi chưa đủ. Để phần nào bù đắp cho sự hy sinh, cống hiến của đội ngũ những người thầy thuốc trong công cuộc chống dịch COVID-19, trong cuộc họp Chính phủ thường kỳ ngày 6/9 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu đưa vào Nghị quyết của Chính phủ về việc giao Bộ Y tế chủ trì cùng các bộ, ngành liên quan dành sự quan tâm hơn nữa về đời sống vật chất, tinh thần và đề xuất chính sách cho các lực lượng tuyến đầu chống dịch, nhất là đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng và nhân viên y tế đang ngày đêm vất vả phục vụ nhân dân. Cuộc chiến chống dịch COVID -19 chắc chắn sẽ còn nhiều cam go. Hy vọng, với sự động viên, khích lệ của người đứng đầu Chính phủ, đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế, trong đó có những người thầy thuốc của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ trụ vững nơi tuyến đầu, làm trọn bổn phận cứu người.