• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Cán bộ giấu tài sản đi đâu?

Thời sự 07/11/2017 07:54

(Tổ Quốc) -Chiều 6/11, các Đại biểu Quốc hội đã cho nhiều ý kiến về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2017. Trong đó nổi bật là việc kê khai tài sản và thu hồi tài sản tham nhũng.

Cán bộ để người thân mua đồ có giá trị

Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An Trần Văn Mão trong phiên thảo luận chiều 6/11 đã dẫn lại báo cáo của Chính phủ cho hay, số người đã kê khai tài sản, thu nhập năm 2016 là hơn 1,1 triệu người. Trong đó, 78 người được xác minh tài sản, thu nhập và chỉ có 5 trường hợp bị phát hiện, xử lý vì có vi phạm.

“Qua đó cho thấy biện pháp này còn mang tính hình thức, hiệu quả thấp"- ông Trần Văn Mão nêu quan điểm.

Đại biểu này cũng cho biết, thu nhập ngoài lương, quà tặng, quà biếu, quà cảm ơn, quà lót tay chiếm tỷ lệ rất lớn trong thu nhập của nhiều cán bộ. Tuy nhiên, việc này chưa có cơ chế kiểm soát chặt chẽ, cũng chưa có chế tài xử lý.

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa, đoàn Nam Định. Ảnh: Nam Nguyễn

“Những cán bộ có nhiều tài sản thường tìm cách tẩu tán bằng cách để người thân, họ hàng đứng tên; mua vàng, đô la, kim cương, hiện vật quý hiếm để cất giấu, tránh phiền hà”- ông Mão chỉ ra.

Trước đó, trong báo cáo thẩm tra về phòng chống tham nhũng, bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cũng cho biết, việc tặng quà để giải quyết công việc, đặc biệt là hối lộ bằng hình thức tặng quà vẫn còn diễn ra rất phức tạp, dưới nhiều hình thức.

“Nhất là việc lạm dụng phong tục truyền thống của dân tộc trong thăm hỏi, tặng quà nhân dịp lễ, tết, hiếu, hỉ… Việc nộp lại quà tặng hầu như chỉ được thực hiện sau khi phát hiện có sai phạm”- bà Nga nêu.

92% tài sản tham nhũng “không cánh mà bay”

Đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định Mai Thị Phương Hoa, Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội thì quan tâm tới vấn đề tài sản tham nhũng.

“Thu hồi tài sản tham nhũng là thước đo hiệu quả của phòng chống tham nhũng, nên cần quyết tâm, chủ động hơn nữa thì mới khắc phục được hậu quả nguy hiểm của xã hội, trả lại nguồn lực cho đất nước” – đại biểu Mai Thị Phương Hoa nói.

Tuy nhiên, tổng kết 10 năm thi hành Luật Phòng chống tham nhũng cho thấy thiệt hại hơn 59.700 tỷ đồng và 400ha đất. Nhưng tỷ lệ thu hồi thì chỉ đạt 7,82% tiền và tài sản, 54,7% về đất.

“Đa số đối tượng phạm tội tham nhũng có chức vụ, trình độ nên việc phạm tội có sự chuẩn bị và thủ đoạn tinh vi, che giấu tài sản kỹ lưỡng, chuyển đổi, tẩu tán hoặc hợp thức hoá tài sản, có trường hợp tiêu xài hoang phí nên khi bị phát hiện không có khả năng khắc phục hậu quả” – bà Hoa nói.

Ngoài ra, cơ quan tố tụng chưa thực sự quyết liệt, chưa kịp thời áp dụng các biện pháp ngăn chặn để tránh tẩu tán tài sản tham nhũng.

Đại biểu này đề xuất, qua tố tụng khi xác định tài sản do tham nhũng mà có thì cương quyết áp dụng biện pháp thu hồi cũng như kịp thời kê biên, phong toả tài sản nhằm phục vụ thi hành án sau này.

Đại biểu Nguyễn Văn Hiển (đoàn Lâm Đồng) cũng đồng tình với ý kiến của bà Mai Thị Phương Hoa. Ông Hiển dẫn chứng, theo quyết định thi hành án vụ Vinashin thì Phạm Thanh Bình và Trần Văn Liêm phải bồi thường thiệt hại cho Vinashin số tiền là hơn 989 tỷ đồng.

Tuy nhiên, đến thời điểm tháng 7/2017, vẫn chưa thi hành được khoản nào.

Hay Dương Chí Dũng vụ Vinalines phải bồi thường cho Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam số tiền 110 tỷ đồng và lãi trả chậm. Hiện nay mới thi hành được hơn 21 tỷ đồng.

Đại biểu đoàn Lâm Đồng cũng đề xuất các cơ quan tiến hành tố tụng thi hành án cần phải coi việc thực hiện tốt chính sách thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng.

“Đây phải được coi là một trong những chính sách, ưu tiên hàng đầu trong việc điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án”- ông Hiển nói./.

Thái Linh

NỔI BẬT TRANG CHỦ