Cận cảnh khu vực ven sông Hàn sắp thí điểm “phố đi bộ Bạch Đằng”
Thực hiện: Đức Hoàng | 18/09/2022
(Tổ Quốc) - Đường Bạch Đằng nối dài đoạn từ cầu Rồng đến cầu Trần Thị Lý (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng), kết nối với cầu Nguyễn Văn Trỗi sẽ được ngành chức năng TP Đà Nẵng triển khai thí điểm phố đi bộ với các hoạt động hấp dẫn, phục vụ người dân vui chơi và thu hút khách du lịch.
Vừa qua, UBND TP Đà Nẵng đã có buổi làm việc với Sở Du lịch thành phố cùng các đơn vị liên quan về việc thí điểm tổ chức phố đi bộ Bạch Đằng, với mục tiêu tạo sản phẩm du lịch mới về đêm, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ và tiện ích để thu hút du khách.
Theo kế hoạch dự kiến, vị trí triển khai thí điểm phố đi bộ Bạch Đằng là tuyến đường Bạch Đằng nối dài đoạn từ cầu Rồng đến cầu Trần Thị Lý, chiều dài 1,2 km, kết nối với cầu Nguyễn Văn Trỗi, chiều dài 513,8 m.
Tuyến đường Bạch Đằng nối dài thuộc khu vực có cảnh quan đẹp, nằm bên bờ sông Hàn, tầm nhìn thoáng để chiêm ngưỡng các điểm tham quan (cầu Rồng, cầu sông Hàn, cầu Trần Thị Lý, cầu Nguyễn Văn Trỗi, vòng quay mặt trời…), có thể kết nối với khu vực Công viên APEC, Bảo tàng Chăm, cầu Nguyễn Văn Trỗi và có khả năng mở rộng ra các tuyến đường nhánh như Bình Minh 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10.
Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Đà Nẵng Tán Văn Vương cho biết, việc tổ chức thí điểm phố đi bộ Bạch Đằng sẽ gồm các hoạt động đi bộ thư giãn, ngắm cảnh sông Hàn về đêm, trải nghiệm check-in, các hoạt động vui chơi giải trí, biểu diễn nghệ thuật và các dịch vụ phục vụ du lịch đạt chất lượng cao phục vụ khách du lịch và người dân thành phố.
"Việc hình thành phố đi bộ sẽ tạo sản phẩm dịch vụ du lịch mới, điểm vui chơi giải trí về đêm, đa dạng hóa loại hình dịch vụ và tiện ích để thu hút khách du lịch và phục vụ cộng đồng, phát triển kinh tế ban đêm trên cơ sở lợi thế sẵn có về vị trí, cảnh quan của tuyến đường Bạch Đằng, cầu Nguyễn Văn Trỗi và kết nối khai thác các dịch vụ phục vụ du lịch tại các khu vực lân cận thuộc quận Hải Châu, quận Sơn Trà theo Đề án phát triển kinh tế ban đêm tại TP Đà Nẵng. Đồng thời, huy động các nguồn lực tham gia khai thác dịch vụ phục vụ du lịch, góp phần gia tăng thời gian lưu trú, tăng chi tiêu của khách khi đến Đà Nẵng", ông Tán Văn Vương cho hay.
Thời gian tổ chức thí điểm phố đi bộ đêm Bạch Đằng dự kiến là 3 năm, thời gian từ 18h00 – 24h00 hằng ngày. Giai đoạn 1 từ 15/12/2022 – 30/4/2023. Trong đó triển khai các hoạt động vẽ trang trí tranh bích họa trên tường tại khu vực đường dẫn lên cầu Nguyễn Văn Trỗi; bố trí các điểm check-in dọc tuyến phố đi bộ, tham quan và check-in tại Công viên Apec; tổ chức 3 cụm sân khấu biểu diễn nghệ thuật...
Giai đoạn 2 dự kiến từ 30/4/2023 - 31/12/2025 sẽ bổ sung các dịch vụ, tiện ích khác phục vụ người dân và du khách. Các hoạt động của phố đi bộ đêm Bạch Đằng sẽ được gắn kết cùng với một loại hoạt động phụ trợ có sẵn như ngắm cầu Rồng phun lửa, phun nước; tham quan và check in tại Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng; du ngoạn trên tàu du lịch ngắm sông Hàn về đêm...
Phố đi bộ sẽ ưu tiên bố trí các khu vực hoạt động dịch vụ đảm bảo phù hợp cảnh quan chung, đảm bảo môi trường, an ninh trật tự, giao thông, an toàn cho người dân và du khách tham quan.Trong đó, các hoạt động có thiết kế chuyên nghiệp, thẩm mỹ, đạt chất lượng cao về chất lượng dịch vụ. Các hoạt động của phố đi bộ không làm ảnh hưởng cảnh quan chung và trả lại hiện trạng vào ban ngày để phục vụ giao thông bình thường.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Phước Sơn, khu vực tuyến đường Bạch Đằng nối dài, đoạn từ cầu Rồng đến cầu Trần Thị Lý có rất nhiều tiềm năng để phát triển du lịch. Nếu được đầu tư đồng bộ, phố đi bộ Bạch Đằng sẽ trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn, có sức cạnh tranh để kéo dài thời gian lưu trú và tăng khả năng chi tiêu của du khách.
Lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng đề nghị các sở ban ngành liên quan cùng phối hợp chặt chẽ trong quá trình triển khai phố đi bộ đêm Bạch Đằng, nhấn mạnh yêu cầu cấp thiết về sự gắn kết giữa các chuỗi công trình, dịch vụ, thực hiện trên tinh thần sáng tạo, bài bản, đảm bảo tính chuyên nghiệp tạo ấn tượng đẹp cho du khách...
Quy hoạch phố đi bộ đêm Bạch Đằng phải thể hiện được sự gắn kết tổng thế, tránh tình trạng làm manh mún, xé lẻ. Sản phẩm đưa vào trưng bày mang tính đặc trưng vùng miền để tạo sự độc đáo khác lạ chứ không phải bắt chước giống các địa phương khác.
Khu vực dự kiến triển khai thí điểm phố đi bộ có Công viên APEC - đây là điểm đến hấp dẫn du khách...
Đặc biệt, cầu Nguyễn Văn Trỗi với vị trí đặc biệt hấp dẫn đã hoàn thành nâng cấp chiếu sáng, lan can đảm bảo an toàn, đến nay đã đủ điều kiện tổ chức cầu đi bộ, ngắm cảnh thành phố và 2 bờ sông Hàn.