Cận cảnh ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn vừa được công nhận Di sản tư liệu thế giới
Thực hiện: Đức Hoàng | 29/11/2022
(Tổ Quốc) - Hệ thống ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) công nhận là di sản tư liệu thuộc Chương trình ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Như Báo điện tử Tổ Quốc đã thông tin, ngày 26/11 vừa qua, tại Hội nghị toàn thể lần thứ 9 của Ủy ban Chương trình Ký ức Thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương diễn ra từ ngày 23/11 đến ngày 26/11 tại Andong, tỉnh Gyeongsang Bắc, Hàn Quốc, “Ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng, Việt Nam” chính thức được công nhận là Di sản tư liệu thuộc chương trình Ký ức Thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đây là di sản được công nhận ở tầm khu vực đầu tiên của TP Đà Nẵng.
Ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn chủ yếu ở các hang động như động Huyền Không, động Hoa Nghiêm, động Tàng Chơn, động Vân Thông…
Bà Nguyễn Thị Anh Thi, Phó Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng cho biết, “Ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn” là một hệ thống gồm 78 văn bản bằng chữ Hán và chữ Nôm (Hán Nôm) được khắc trên vách đá và hang động của danh thắng Ngũ Hành Sơn, với nội dung đa dạng, hình thức độc đáo, cùng nhiều thể loại văn học của các vị vua, quan triều Nguyễn, cao tăng, trí thức, có niên đại trải dài từ nửa đầu thế kỷ XVII đến thế kỷ XX.
Theo nhận định của các chuyên gia, đây là nguồn di sản tư liệu quý hiếm, độc đáo, không thể thay thế, được các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước quan tâm bởi những giá trị nhiều mặt về lịch sử, tôn giáo, địa lý, văn học, ngôn ngữ, nghệ thuật tạo hình, văn hóa và giáo dục.
Trong đó, ma nhai “Phổ Đà Sơn Linh Trung Phật” lưu giữ những “ký ức” về mối giao lưu kinh tế, văn hóa, chính trị, xã hội giữa Việt Nam với các nước trên con đường hàng hải xuyên khu vực cũng như vai trò của người phụ nữ Việt Nam trong hôn nhân quốc tế vào thế kỷ 17.
Ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn được đánh giá cao, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí mà UNESCO đưa ra như: tính xác thực và vẹn toàn; ý nghĩa khu vực; ý nghĩa về giới; có kế hoạch bảo tồn, phát huy giá trị bền vững và khoa học.
Mỗi ma nhai trong hệ thống ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn là thực thể độc lập và duy nhất, không lặp lại, không phải là sản phẩm giống nhau được sản xuất hàng loạt, như công nghệ in ván gỗ thời xưa, hoặc như công nghệ của ngành xuất bản thời hiện đại.
Ma nhai ở danh thắng Ngũ Hành Sơn là những dương bản duy nhất, có số lượng lớn, hiện còn ở trên các trên vách đá. Đến nay chưa hề có tư liệu nào đề cập đến việc thay đổi, chỉnh sửa hay làm mới về hình thức cũng như nội dung của các ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn.
Nhiều khách du lịch quốc tế đến tham quan Danh thắng Ngũ Hành Sơn được các hướng dẫn viên tuyên truyền để hiểu hơn về hệ thống ma nhai tại đây...
Một du khách quốc tế dùng điện thoại ghi lại ma nhai ở trong động Huyền Không, sáng 29/11.
Theo bà Nguyễn Thị Anh Thi, Phó Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng, sau khi được UNESCO vinh danh, thành phố Đà Nẵng sẽ nỗ lực hơn trong công tác bảo tồn bền vững và phát huy giá trị di sản này.
Một đoàn khách là sinh viên một trường đại học phía Nam, tới Danh thắng Ngũ Hành Sơn tham quan, tìm hiểu hệ thống ma nhai nơi đây vào sáng 29/11.
Theo ông Nguyễn Văn Hiền, Trưởng ban Quản lý Danh thắng Ngũ Hành Sơn, ma nhai được UNESCO công nhận là di sản cấp khu vực không chỉ nâng tầm di tích quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn mà còn hứa hẹn thu hút khách du lịch đến với danh thắng.