• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Cần có câu chuyện văn hóa trong sản phẩm quà tặng du lịch

Du lịch 05/11/2023 22:00

(Tổ Quốc) - Ngày 5/11, tại Hà Nội, đã diễn ra tọa đàm "Phát triển sản phẩm quà tặng Du lịch năm 2023" do Sở Du lịch Hà Nội tổ chức.

Hà Nội có hơn 1.300 làng nghề, trong đó nhiều làng nghề truyền thống sản xuất ra những sản phẩm lưu niệm nổi tiếng, như: Gốm Bát Tràng, lụa Vạn Phúc, mây tre đan Phú Vinh, thêu Quất Động, khảm trai Chuôn Ngọ, sơn mài Hạ Thái, nón Chuông... Thế nhưng những món đồ này thường cồng kềnh, dễ vỡ, khó vận chuyển nên gần như chưa được du khách lựa chọn nhiều. Chính vì thế, ở mỗi làng nghề, các nghệ nhân, chủ cơ sở sản xuất sản phẩm du lịch làng nghề đã nỗ lực tìm hướng đi mới để tạo ra sức hấp dẫn cho sản phẩm, trong đó có việc xây dựng dòng sản phẩm không lẫn với các nơi khác.

Cần có câu chuyện văn hóa trong sản phẩm quà tặng du lịch - Ảnh 1.

Tiết mục biểu diễn nghệ thuật

Theo NNƯT Trần Đức Tân – làng nghề Gốm Bát Tràng, sản phẩm quà tặng là vấn đề trăn trở của làng nghề, bởi vì nó tiếng nói, không chỉ truyền tải trong nước, mà còn mang ra thế giới lan tỏa cái hồn văn hóa lịch sử của đất nước Việt Nam nhưng làm sao để kết hợp được giữa truyền thống với hiện đại trong các sản phẩm quà tặng du lịch, đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch trong và ngoài nước thì đó vẫn là bài toán khó.

"Tuy nhiên, là nghệ nhân của làng Gốm Bát Tràng, tôi rất vui khi được thừa hưởng nghề thủ công mà cha ông để lại. Là người của thế kỷ mới, chúng tôi đã dựa vào những giá trị văn hóa của cha ông để tạo nên những sản phẩm mang hơi thở của đương đại, mang màu sắc mới. Bởi nếu làng nghề để lại di sản nhưng chúng ta không phải triển nó thì nó sẽ bị mai một. Và làng Bát Tràng chúng tôi có một tiêu chí "mỗi nghệ nhân là một điểm đến", sau mỗi điểm đến đó là một sản phẩm du lịch, du khách có thể nhìn thấy văn hóa sống, còn người làng Việt trong từng sản phẩm đó" – NNƯT Trần Đức Tân.

Cần có câu chuyện văn hóa trong sản phẩm quà tặng du lịch - Ảnh 2.

Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang phát biểu kết luận tọa đàm

NNƯT Nguyễn Văn Tĩnh – Làng nghề mây tre đan Phú Vinh chia sẻ: "Cũng giống như làng Gốm Bát Tràng, trong những năm qua, những nghệ nhân làng Phúc Vinh vẫn đang và tiếp tục sáng tạo ra những sản phẩm phù hợp với khách du lịch. Đến với một làng nghề mây tre đan, người ta thường sợ sản phẩm thô sơ mộc mạc nhưng hiện nay chúng tôi cũng đang khai thác, sáng tạo những sản phẩm du lịch khác, thậm chí làm cả đồ trang sức cho phụ nữ, để làm sao tạo ra được sản phẩm quà tặng phù hợp nhất cho khách du lịch".

Chia sẻ từ thực tế của Đường Lâm về xây dựng và phát triển quà tặng cho du khách, Trưởng Ban quản lý làng cổ Đường Lâm Nguyễn Đường Thạo cho biết: "Hiện nay khách quốc tế đến làng cổ Đường Lâm đông, nhưng sản phẩm lưu niệm ở làng rất hạn chế, trong khi đó những món đồ ăn như bánh kẹo làm tại làng cổ Đường Lâm ít được du khách mua. Nên trong thời gian qua, chúng tôi đã phối hợp sáng tạo với một số nghệ nhân, tạo các lớp trải nghiệm mỹ thuật truyền thống như: nghệ thuật sơn mài, làm gốm… Khách du lịch được trực tiếp tham gia vào thực hiện các công đoạn và có thể mua các sản phẩm đó mang về. Mô hình này cũng đang được du khách đón nhận rất tích cực. Hay mới đây, làng cổ Đường Lâm đã có không gian sáng tạo Đoài creative, mọi người sẽ đến đó trực tiếp tham gia trải nghiệm mỹ thuật vẽ trên ngói cổ, cánh cửa cũ, tự sáng tạo trên đó và mang những sản phẩm đó về làm kỷ niệm".

Cần có câu chuyện văn hóa trong sản phẩm quà tặng du lịch - Ảnh 3.

Đại diện cho các làng nghề chia sẻ tại tọa đàm

Có cơ hội học thiết kế ở đất nước Nhật Bản, nghệ sĩ Nguyễn Duy Linh đã kết hợp nghệ thuật cắt giấy Kirigami của Nhật Bản với công nghệ ánh sáng của phương Tây để tạo nên sản phẩm đèn giấy nghệ thuật 3D độc đáo. Trong mỗi chiếc hộp đèn, anh đều cố gắng đưa những câu chuyện văn hóa truyền thống vào để kể cho người xem. Tuy nhiên, để sản phẩm quà tặng du lịch trở nên hấp dẫn du khách, anh Linh cho rằng cần truyền tải những câu chuyện văn hóa trong đó.

"Ở Hà Nội, chúng ta có hơn nghìn làng nghề, mỗi làng nghề có điểm riêng biệt khác nhau nên để chọn sản phẩm nào là đặc trưng thì rất khó. Với tôi, mỗi quà tặng du lịch nếu có câu chuyện về văn hóa, giá trị của Hà Nội thì nó đều là sản phẩm đặc trưng của du lịch Hà Nội. Hồ Gươm, Văn Miếu… là những biểu tượng cho Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung, đằng sau những biểu tượng ấy là những câu chuyện về giá trị lịch sử, văn hóa. Nhưng để câu chuyện đó đến gần hơn với du khách trong và ngoài nước thì trong mỗi sản phẩm du lịch, chúng ta nên đưa câu chuyện đó vào, ví dụ như có những tờ giấy giới thiệu kèm theo các sản phẩm đó" – Nghệ sĩ Nguyễn Duy Linh chia sẻ thêm.

Cần có câu chuyện văn hóa trong sản phẩm quà tặng du lịch - Ảnh 4.

Các chuyên gia chia sẻ tại tọa đàm

Đồng quan điểm trên, Anh Charle Win, một diễn viên và du khách Mỹ đã sống ở Hà Nội lâu năm cho rằng, Hà Nội có bề dày lịch sử và truyền thống văn hóa lâu đời, đây là lợi thế để Hà Nội có những câu chuyện riêng hấp dẫn du khách. Vậy nên, những món quà tặng cần có câu chuyện để chạm vào cảm xúc của du khách, kích thích nhu cầu mua sắm của khách".

Theo Sở Du lịch Hà Nội, đơn vị đã có tổng kết về các sản phẩm quà tặng của Hà Nội, trong đó sản phẩm thủ công mỹ nghệ chiếm 60%; sản phẩm ẩm thực chiếm 20%; sản phẩm sáng tạo chiếm 15%; các sản phẩm khác chiếm 5%.

Cần có câu chuyện văn hóa trong sản phẩm quà tặng du lịch - Ảnh 5.

Không gian tọa đàm

Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho rằng, để sản phẩm quà tặng từ các làng nghề, điểm du lịch đến được tay du khách rất cần sự liên kết, hợp tác chặt chẽ giữa làng nghề, cơ sở sản xuất và điểm đến. Tới đây, Sở tiếp tục đồng hành, hỗ trợ tuyên truyền cho các làng nghề để mỗi một sản phẩm quà tặng truyền tải được thông điệp văn hóa, lịch sử; đáp ứng số lượng, bảo đảm chất lượng, đa dạng mẫu mã, bền đẹp với thời gian, thân thiện với môi trường, giá cả hợp lý, có tính ứng dụng cao./.

Thương Nguyễn

NỔI BẬT TRANG CHỦ