• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Cần cơ chế để giữ chân công chức, viên chức

Thời sự 21/07/2022 09:13

(Tổ Quốc) - Trong một năm rưỡi, cả nước có gần 9.400 nhân viên y tế bỏ việc. Con số này đặt ra nhiều câu hỏi về nguyên nhân và giải pháp nào để giữ chân người ở lại…

Lãnh đạo của một bệnh viện tư nhân ở Đà Nẵng cho biết, trong một năm qua, dù không thiếu nhân lực và lượng bệnh nhân giảm do ảnh hưởng COVID-19, nhưng ông đã tiếp nhận bổ sung 100 nhân viên y tế, nghĩa là hằng tháng phải gồng gánh thêm tiền lương cho chừng đó con người. Hồ sơ xin việc gửi đến bệnh viện này chất chồng, trong đó có cả hồ sơ của các bác sĩ bệnh viện công.

Từ đầu năm 2021 đến nay, Đà Nẵng có 322 nhân viên y tế xin nghỉ việc, trong đó có 141 bác sĩ, 24 kỹ thuật y và 96 trường hợp làm công việc liên quan y tế.

Tại Bình Dương, cũng từ đầu năm 2021 đến nay, có 328 nhân viên y tế nghỉ việc và hiện thiếu 600 biên chế so với chỉ tiêu được giao.

Tại TPHCM, nơi từng trải qua những ngày tháng chống dịch căng thẳng, trong một năm rưỡi qua, có 2.028 nhân viên y tế nghỉ việc, trong đó có 473 bác sĩ và 1.001 điều dưỡng.

Tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), từ đầu năm 2020 đến tháng 4/2021, tổng cộng 221 người đã rời bệnh viện, trong đó hơn 100 người là phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ. Năm 2021, toàn ngành y tế Hà Nội có 532 người nghỉ việc, 82 người xin chuyển công tác; từ tháng 1/2022 đến tháng 4/2022 có 226 người nghỉ việc, 17 người xin chuyển công tác.

Trên cả nước, theo báo cáo của Bộ Y tế trước Chính phủ, có đến gần 9.400 y bác sĩ, nhân viên y tế từ tuyến Trung ương đến địa phương đã xin thôi việc, bỏ việc trong một năm rưỡi qua.

Những con số được các tỉnh, thành và Bộ Y tế công bố đặt ra nhiều câu hỏi: Nguyên nhân do đâu và làm sao để giữ chân người ở lại?

Chưa có thống kê cụ thể những người này đã và sẽ "đầu quân" nơi đâu, nhưng không loại trừ khả năng họ chuyển sang làm việc tại các bệnh viện tư nhân hoặc mở phòng khám để tự mình làm chủ.

Chuyển dịch lao động từ công sang tư - Ảnh 1.

Từ đầu năm 2021 đến nay, Đà Nẵng có 322 nhân viên y tế xin nghỉ việc, trong đó có 141 bác sĩ, 24 kỹ thuật y và 96 trường hợp làm công việc liên quan y tế. (Trong ảnh: nhân viên y tế Đà Nẵng tại một điểm tiêm chủng Covid-19).

Ở thế kỷ 21, không còn quan niệm bác sĩ làm việc tại bệnh viện công hay bệnh viện tư; bệnh nhân tùy theo điều kiện về kinh tế sẽ tìm đến các cơ sở y tế uy tín, có bác sĩ giỏi và đầy đủ trang thiết bị. Chủ trương của Trung ương và Luật cũng không có sự phân biệt giữa y tế công lập và y tế tư nhân.

Song, nếu nhân viên y tế ồ ạt nghỉ việc như thế thì y tế công lập sẽ thiếu lực lượng, nhất là ngành y tế vừa trải qua hai năm phòng chống dịch bệnh với nhiều khó khăn và áp lực chưa từng có.

Nguyên nhân chủ yếu là mức lương và các chế độ chính sách dành cho ngành y quá thấp nhưng áp lực công việc ngày càng gia tăng. Ngay cả các cơ sở y tế xã/phường, vốn rất nhàn trong thời điểm chưa có dịch bệnh, thì hai năm qua đã gồng mình với vô số việc, từ tiếp nhận, sàng lọc các F0, F1, F2 đến xét nghiệm, tiêm vaccine, hướng dẫn điều trị F0 tại nhà…

Vậy mà khi giai đoạn dịch bệnh căng thẳng đã qua, nước ta chính thức mở cửa du lịch thì thành tích chống dịch của lực lượng y tế dường như bị lãng quên. Đến ngày 14/7, tại cuộc họp báo định kỳ, Sở Y tế TPHCM mới thông tin về việc đã gửi tiền thưởng đến 25.840 nhân viên y tế trong tổng số khoảng 29.000 người và hoàn tất việc gửi tiền thưởng trong tuần qua.

Thêm vào đó, thông tin về hàng loạt cán bộ y tế bị khởi tố chắc hẳn ít nhiều tác động đến tâm lý của các nhân viên trong ngành. Ngành y lại đang đối mặt với tình trạng thiếu thuốc men và trang thiết bị y tế. Quy định bất thành văn khi mua thuốc là năm sau phải rẻ hơn năm trước, trong khi chi phí vận chuyển, nhân công… tăng nên giá tăng. Thành ra, đụng đâu cũng vướng, làm đâu cũng dễ sai và vì sợ sai nên không dám làm, rốt cuộc người chịu thiệt chính là nhân viên y tế và bệnh nhân.

Số nhân viên xin nghỉ việc tại các bệnh viện công có thể vẫn chưa dừng lại. Xét trên bình diện rộng hơn, các công chức, viên chức ở các lĩnh vực khác cũng ồ ạt xin nghỉ việc. Đơn cử, trong một năm rưỡi qua, Đà Nẵng - địa phương nổi tiếng với các chính sách "chiêu hiền đãi sĩ" - có 388 công chức, viên chức xin nghỉ việc, nguyên nhân chính cũng do lương thấp, áp lực công việc nhiều.

Đối với ngành y thì không thể mô tả đây là tình trạng "chảy máu chất xám" vì các nhân viên y tế từ bệnh viện công chuyển sang bệnh viện tư đều làm nhiệm vụ khám chữa bệnh, phục vụ nhân dân.

Song, ở các ngành nghề khác, nhiều công chức, viên chức nghỉ việc, trong đó những người từng được đào tạo theo đề án Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao (Đề án 922 của Đà Nẵng) chờ hết thời hạn 7 năm ràng buộc thì nộp đơn xin nghỉ, đây rõ ràng là tình trạng "chảy máu chất xám".

Giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng nêu nguyên nhân do cách điều hành của thủ trưởng các đơn vị chưa tạo được môi trường, động lực để anh em làm việc, gây áp lực công việc. Ông đề nghị thủ trưởng các cơ quan, đơn vị quan tâm, động viên, tạo môi trường làm việc tốt, bố trí công việc phù hợp… để công chức, viên chức yên tâm công tác.

Tuy nhiên, để có "môi trường làm việc tốt, bố trí công việc phù hợp" là điều không dễ, bởi liên quan "mắt xích" từ cơ chế, chủ trương, chính sách đến việc sử dụng con người. Muốn giải quyết được thì phải tháo gỡ từ "mắt xích" then chốt, nghĩa là phải xây dựng cơ chế khoa học, phù hợp, linh hoạt, nhân văn để khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm. 

Đức Hoàng

NỔI BẬT TRANG CHỦ