(Tổ Quốc) - Tiếp tục chương trình làm việc, sáng 30/8, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách đã xem xét, cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
Cân nhắc nội dung về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số
Phát biểu ý kiến về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) tại hội nghị, đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn Đắk Nông) cho biết, qua nghiên cứu hồ sơ dự án Luật, đại biểu đánh giá cao quá trình chuẩn bị của các cơ quan trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật, góp phần đảm bảo hoàn chỉnh các chế định pháp lý thống nhất với hệ thống pháp luật …
Quan tâm tới nội dung về trách nhiệm của Nhà nước trong quản lý đất đai đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số thể hiện trong dự thảo luật, đại biểu Dương Khắc Mai cho rằng, việc quy định trách nhiệm của Nhà nước về đất đai đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó đối với chính sách về đất đai, hoạt động cộng đồng cho đồng bào dân tộc thiểu số, đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo cơ quan soạn thảo nghiên cứu xem xét lại nội dung này.
Lý giải lý do, đại biểu cho rằng, các hộ đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tại các xã khu vực vùng I, II hoặc các vùng lân cận, xã, các khu vực vùng III rất khó khăn trong việc bố trí đủ đất sinh hoạt cộng đồng. Vì vậy, cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu mở rộng phạm vi, đối tượng hưởng từ chính sách này.
Phát biểu tranh luận với đại biểu Dương Khắc Mai về đất cộng đồng, đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Đoàn Thái Nguyên) cho rằng việc quy định đất cộng đồng trong dự thảo luật Đất đai là bước tiến lớn hướng tới bảo vệ đất dùng chung cho sinh hoạt cộng đồng, có ý nghĩa lớn đối với cộng đồng người dân tộc thiểu số, miền núi. Pháp luật về đất đai của nhiều nước trên thế giới cũng có những nội dung tương tự như quy định này.
Về quyền, nghĩa vụ của cộng đồng dân cư sử dụng đất, đại biểu đề nghị quy định các cộng đồng truyền thống có đất dùng chung được quyền góp vốn đối với các hoạt động sản xuất kinh doanh để tăng hiệu quả kinh tế đối với cộng đồng này. Liên quan đến điều kiện chuyển đổi đất nông nghiệp, đại biểu cho rằng, cần làm rõ cách hiểu đối với việc chuyển đổi cùng phạm vi cấp tỉnh cho cá nhân khác, đồng thời, nhà nước cần thu thuế đối với đất giao.
Hàng năm tình trạng khiếu kiện liên quan đến đất đai vẫn diễn ra
Góp ý về vấn đề thu hồi đất đối với một số dự án bị tắc nghẽn, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) cho rằng tất cả các dự án, dù to dù nhỏ nếu được cấp chính quyền cho phép thì chính quyền phải tham gia vào vấn đề giải tỏa, thu hồi đất cho dự án.
Đại biểu nêu rõ, đối với các dự án đã được giải tỏa từ trên 70% trở lên, qua 2 năm thì sẽ cưỡng chế để thu hồi và giá đền bù đúng bằng giá Nhà nước quy định. Nếu còn lại một số hộ thì chính quyền cần tham gia vào vấn đề đền bù, giải tỏa. Vì vậy, đại biểu Nguyễn Anh Trí mong muốn, các văn bản dưới Luật này cần có quy định cụ thể.
Về Điều 9 phân loại đất, đại biểu Nguyễn Anh Trí đánh giá cao Ban soạn thảo đã chủ ý đến nhóm đất (đất nghĩa trang, nhà tang lễ, cơ sở hỏa táng, cơ sở lưu trú tro cốt) có vai trò quan trọng trong đời sống xã hội. Tuy nhiên để thực hiện được, đại biểu đề nghị cần có những văn bản dưới luật hướng dẫn việc sử dụng quỹ đất này hiệu quả, trang trọng, đảm bảo vệ sinh, văn minh và nhân văn.
Phát biểu ý kiến về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) tại hội nghị, đại biểu Lê Thanh Hoàn (Đoàn Thanh Hóa) bày tỏ tán thành với nhiều nội dung của dự thảo Luật và Báo cáo giải trình, tiếp thu…
Đại biểu Lê Thanh Hoàn nêu rõ, việc thu hồi đất và bồi thường tái định cư là nội dung quan trọng, có ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của người dân. Hàng năm tình trạng khiếu kiện liên quan đến đất đai vẫn diễn ra. Do vậy, đại biểu tỉnh Thanh Hóa cho rằng, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần có những chính sách bền vững đối với các trường hợp thu hồi đất bắt buộc.
Doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa sử dụng đất đã hết hạn, chưa được gia hạn thì có được xác định là hành vi chiếm đất hay không?
Tham gia phát biểu về khái niệm chiếm đất, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) cho biết, khoản 11 Điều 3 trong dự thảo luật quy định, chiếm đất là việc sử dụng đất mà chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép hoặc chưa được người sử dụng đất hợp pháp cho phép.
Đại biểu cho rằng quy định như vậy là chưa rõ ràng, cần quy định cụ thể hơn, phù hợp với thực tiễn xử lý vi phạm pháp luật về đất đai trong thời gian qua, phù hợp với các quy định của Chính phủ, quy định về trình tự thủ tục đất đai.
Hiện nay, các quy định về giao đất, thuê đất là thủ tục liên thông nhiều bước, trong đó bao gồm quyết định giao đất, thuê đất, cấp giấy chứng nhận bàn giao đất, do đó xảy ra trường hợp đã quyết định giao đất, cho thuê đất, nhưng chưa hoàn thành thủ tục bàn giao đất thì có xác định là hành vi chiếm đất hay không.
Mặt khác, nhiều trường hợp hết hạn sử dụng đất mà chưa kịp gia hạn, trong đó đặc biệt là các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa, các ngân hàng quốc doanh sử dụng đất đã hết hạn, chưa được gia hạn thì có được xác định là hành vi chiếm đất hay không, có thuộc trường hợp thu hồi đất hay không? Đại biểu đề nghị dự thảo luật cần làm rõ nội dung này.
Về các trường hợp thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai, đại biểu cho biết, khoản 3, Điều 81 có quy định, đất được giao, cho thuê không đúng đối tượng hoặc không đúng thẩm quyền hoặc không phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được công bố, công khai tại thời điểm giao đất, cho thuê đất. Đại biểu đề nghị cân nhắc thu hồi với các trường hợp cụ thể, có thể áp dụng linh hoạt để tránh gây thiệt hại cho nhà đầu tư và nhà nước.