(Tổ Quốc) - Ngày 29/11, tại TP HCM đã diễn ra Hội thảo “Già hoá dân số - Cơ hội và thách thức” do Viện Khoa học Lao Động Và Xã hội, Viện nghiên cứu Y - Xã hội học phối hợp với một số đơn vị liên quan tổ chức.
Theo Viện Khoa học Lao động và Xã hội, Việt Nam chỉ còn 14 năm nữa là bước vào thời kỳ dân số già. Trong đó, dân số trung niên có độ tuổi từ 30-44 chiếm hơn 28% tổng dân số cả nước hiện nay chính là nhóm sẽ bước vào giai đoạn này. Đây là nhóm có tỷ lệ tham gia lao động cao (gần 88%) nhưng là nhóm có số lượng đang sống ở khu vực nông thôn cao (60%) hoặc tham gia việc làm phi chính thức lớn nên khó tiếp cận việc làm thỏa đáng và việc qua đào tạo có chứng chỉ còn thấp… Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Cụ thể, năm 2009, nước ta có khoảng 7,45 triệu người cao tuổi, tăng 11,4 triệu vào năm 2019. Đến 2021 là 12,58 triệu người. Giai đoạn 2019-2021, dân số cao tuổi tăng cao, chiếm 56,52% tổng dân số tăng thêm.
Hiện cả nước có 10 địa phương ghi nhận tỷ lệ già hóa tăng cao vì tỷ suất sinh giảm, thiếu lao động tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế.
Nghiên cứu "Mức độ sẵn sàng cho cuộc sống độc lập khi về già" và "An sinh xã hội cho người cao tuổi" thực hiện trên nhóm dân số trong độ tuổi 30-44 ở 6 tỉnh, thành phố cho thấy, mức độ sẵn sàng chuẩn bị cho tuổi già ở cuộc sống trung niên chưa cao.
Hội thảo đã đặt ra vấn đề cần có những giải pháp ứng phó với tốc độ già hóa dân số. Tại đây, các chuyên gia đã đề xuất nhiều giải pháp an sinh chủ động trong bối cảnh già hóa, trong đó cần chú trọng các chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, cải thiện các chính sách dịch vụ công nhằm khuyến khích người dân tham gia bảo hiểm xã hội và tích lũy tài chính. Đồng thời chuẩn bị các điều kiện của một xã hội dân số già như hệ thống trung tâm dưỡng lão, đào tạo nhân lực chăm sóc người già.
Nhị Xuân
*Vụ Gia đình, Bộ VHTTDL thực hiện