• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Cần có Quỹ Bảo tồn, phát triển văn hóa Thủ đô

Văn hoá 09/11/2021 10:47

(Tổ Quốc) - Văn hóa là một lĩnh vực vô cùng quan trọng của đời sống xã hội. Văn hóa là bản sắc, là nền tảng, là động lực của phát triển bền vững. Bảo tồn, trao truyền, sáng tạo và phát triển sự đa dạng văn hóa là mục tiêu trong các chính sách của mọi quốc gia. Việc lập ra các quỹ để đầu tư cho văn hóa là rất phổ biến nhất là ở các nước phát triển, đặc biệt là lĩnh vực di sản.

Theo TS. Lê Thị Minh Lý, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam, trên thế giới có nhiều quỹ bảo tồn di sản văn hóa như: Quỹ Di sản văn hóa Anh; quỹ Sida của Thụy Điển; quỹ Ford, quỹ Rockerfeller, quỹ Đại sứ của Mỹ; quỹ Di sản văn hóa Hàn Quốc; quỹ Di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO, quỹ USAID…

Cần có Quỹ Bảo tồn, phát triển văn hóa Thủ đô - Ảnh 1.

Cần thiết thành lập "Quỹ bảo tồn, phát triển văn hóa Thủ đô"

"Hầu hết các nước trên thế giới đều dựa vào xây dựng hệ thống các quỹ khác nhau từ xã hội để hỗ trợ và phát triển các hoạt động văn hóa. Hiện nay ở nước ta chưa hình thành các quỹ quan tâm đến việc khuyến khích các hoạt động văn hóa và văn hóa cơ sở. Cần đề xuất chính sách phát triển các quỹ này để thu hút nguồn tài lực của xã hội hơn là vận động xã hội hóa theo kiểu nhỏ lẻ, cá nhân như đang làm hiện nay"- TS Lê Thị Minh Lý nhận định.

Theo bà Lê Thị Minh Lý, các quỹ có thể thành lập ở cấp tỉnh, thành phố và cấp quận, huyện. Ban đầu nhà nước đầu tư cho quỹ (theo cấp quản lý). Việc xã hội hóa các hoạt động của nhà văn hóa cơ sở dần dần sẽ chủ yếu dựa vào hoạt động của các quỹ này. Những người lãnh đạo quỹ sẽ hình thành và nâng cao số vốn của quỹ nhờ xã hội hóa để từ đó cung cấp kinh phí hoạt động cho các nhà văn hóa theo các chương trình, dự án cụ thể. Quỹ Văn hóa cơ sở hoạt động theo cơ chế hội đồng, xét tuyển các chương trình, dự án từ các nhà văn hóa gửi lên. Những chương trình, dự án nào hoạt động không hiệu quả thì sẽ không tiếp tục cấp kinh phí cho dự án sau mà yêu cầu củng cố lại bộ máy.

Thành phố cần phát triển và đa dạng hóa các quỹ văn hóa, khuyến khích xây dựng các quỹ khác nhau, quỹ của nhà nước và quỹ của các tổ chức phi chính phủ để thu hút các nguồn tài chính khác nhau. Xây dựng chính sách thuế hợp lý để khuyến khích các doanh nghiệp, cá nhân tài trợ cho các hoạt động văn hóa, trước hết là ủng hộ xây dựng các quỹ theo cơ chế của những tổ chức phi chính phủ. Để các quỹ này hoạt động đúng hướng và có hiệu quả, cần phải tổ chức các Hội đồng quản trị Quỹ khách quan để quản lý và giám sát hoạt động của các Quỹ. Hội đồng đó bao gồm các nhà quản lý, nhà văn hóa, nhà khoa học có uy tín, đại diện các doanh nghiệp... Cơ chế hoạt động của Quỹ có thể là: xây dựng định hướng mục tiêu, nhiệm vụ của Quỹ, khuyến khích các cơ sở đề xuất các dự án hoạt động của thiết chế văn hóa theo định hướng hàng năm hoặc 5 năm; Quỹ lựa, tuyển chọn, xét duyệt các chương trình, dự án thiết thực, theo cơ chế cạnh tranh, tốt nhất thông qua một Hội đồng xét duyệt; Việc thực hiện các dự án được đặt dưới sự kiểm tra, giám sát của Hội đồng quỹ."

Đối với Thủ đô, TS Lê Thị Minh Lý cho rằng, rất cần thiết thành lập "Quỹ bảo tồn, phát triển văn hóa Thủ đô". Quỹ này được nhà nước đầu tư và được nhận các nguồn kinh phí khác từ các tổ chức, cá nhân phù hợp với tiêu chí hoạt động và chức năng của quỹ. Hà Nội có thể lập một quỹ Văn hóa chung bao gồm nhiều lĩnh vực, hoặc lập quỹ cho từng lĩnh vực của văn hóa như: quỹ bảo vệ di sản văn hóa; quỹ phát triển văn hóa cơ sở, quỹ phát triển nghệ thuật …

Cần có Quỹ Bảo tồn, phát triển văn hóa Thủ đô - Ảnh 2.

Quỹ Bảo tồn và Phát triển văn hóa Thủ đô góp phần thực hiện được sứ mệnh tạo cảm hứng, hướng dẫn và sử dụng nguồn tài nguyên di sản để con người, cộng đồng chúng ta được thay đổi một cách tích cực, sáng tạo và phát triển bền vững.

Phương châm hoạt động là "bình đẳng, đa dạng và bao trùm". "Bình đẳng" ở đây trước hết nói đến việc tạo cơ hội, thông tin công khai, thuận lợi để mọi người có thể tiếp cận với quỹ. Bình đẳng ở việc xem xét đánh giá các đề xuất và nghiệm thu kết quả. "Đa dạng" ở đây được hiểu là đa dạng văn hóa, đa dạng hoạt động, đa dạng lĩnh vực, đa dạng cách tiếp cận văn hóa. "Bao trùm" hay còn gọi là "bao gồm" "kể cả". Nghĩa là cần quan tâm đến mọi khía cạnh của văn hóa nhất là các dự án văn hóa hướng tới các vấn đề như "giới", "dân tộc thiểu số", "những người yếu thế trong xã hội" như người tàn tật, người nhập cư, người nghèo lang thang cơ nhỡ…

"Đa dạng" được hiểu là các loại dự án khác nhau có liên quan đến văn hóa sẽ được đề cử xin tiền quỹ để thực hiện. Đa dạng còn là bảo vệ tổng thể từ di tích, di sản văn hóa vật thể đến di sản thiên nhiên, di sản văn hóa phi vật thể, thậm chí là cả di sản tư liệu (một loại hình được tích hợp với các di sản khác). Đa dạng còn thể hiện ở mức độ đầu tư, số lần đầu tư và cả các hoạt động phong phú khác nhằm tạo ra nguồn lực bền vững cho di sản. Đó là giáo dục di sản, là nâng cao năng lực cộng đồng hoặc quảng bá, truyền thông, tư liệu hóa…

Về bộ máy vận hành quỹ, mô hình tổ chức quản lý quỹ của một số nước phát triển mà chúng tôi được biết thường có Hội đồng quỹ; Giám đốc quỹ; các nhân viên; các ban chuyên môn trực thuộc; các thiết chế trực thuộc… Tuy nhiên họ có mạng lưới các chuyên gia tư vấn và các thành viên độc lập không tham gia điều hành. Các thành viên này có nhiệm vụ tư vấn cho các ban chuyên môn của quỹ. Các quỹ này hoạt động rất chuyên nghiệp. Nguồn tài chính đa dạng nhưng phần lớn là các nguồn kinh phí từ nhà nước, từ các Bộ ngành có liên quan hoặc có nguồn riêng. Ví dụ như ở Anh quỹ di sản lớn nhất có nguồn từ hoạt động xổ số nên họ gọi là Heritage Lottory Fund.

TS Lê Thị Minh Lý nhấn mạnh: "Tính minh bạch là tiêu chuẩn đầu tiên của các quỹ. Tất cả các thông tin đều được công khai trên phương tiện thông tin đại chúng và đặc biệt là được cập nhật trên website. Mọi thông tin tài trợ được đăng tải và hướng dẫn rõ ràng. Các quyết định tài trợ của Hội đồng Quỹ được công bố và cập nhật liên tục. Các dự án được nhận tài trợ, kết quả thực hiện và những đánh giá cũng được công khai. Những kinh nghiệm tốt cũng được chỉ ra và chia sẻ để mọi người cùng thảo luận, học hỏi".

Cuối cùng, TS Lê Thị Minh Lý mong mỏi, Quỹ Bảo tồn và Phát triển văn hóa Thủ đô sớm ra đời và thực hiện được sứ mệnh tạo cảm hứng, hướng dẫn và sử dụng nguồn tài nguyên di sản để con người, cộng đồng chúng ta được thay đổi một cách tích cực, sáng tạo và phát triển bền vững./.

PV

NỔI BẬT TRANG CHỦ