(Tổ Quốc) - Du lịch là ngành kinh tế quan trọng của vùng Việt Bắc góp phần tích cực vào xoá đói giảm nghèo, nâng cao đời sống cộng đồng địa phương, bảo vệ môi trường và các giá trị văn hoá. Song song với việc tạo dựng các sản phẩm du lịch, các tỉnh vùng Việt Bắc cần có sự đổi mới toàn diện về nhận thức về tư duy phát triển du lịch, xây dựng chính sách, phát triển kết cấu hạ tầng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Trong Chiến lược và Quy hoạch tổng thể Du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030; du lịch Việt Bắc cùng với du lịch Tây Bắc tạo nên diện mạo du lịch vùng du lịch Trung du và miền núi Bắc Bộ. Khu vực Việt Bắc gồm 6 tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên và Tuyên Quang đã xác định một trong những hướng đi quan trọng để phát triển du lịch đó là khai thác tiềm năng từ các giá trị di sản văn hóa, lịch sử.
Sức hút của du lịch vùng Việt Bắc
Theo Vụ Lữ hành (Tổng Cục Du lịch, Bộ VHTTDL), Việt Bắc được đánh giá là khu vực có hệ thống tài nguyên du lịch nhân văn nổi trội gắn liền với các đặc trưng di sản văn hóa của vùng, bên cạnh di sản văn hóa thiểu số gắn với các dân tộc thiểu số…. Đặc trưng đầu tiên phải kể đến là bản sắc văn hóa của các dân tộc Việt Bắc như Tày, Nùng, Mông, Dao… được thể hiện qua các lễ hội, văn hóa dân gian, ẩm thực, nghề thủ công truyền thống, kiến trúc, chợ phiên… và các di tích lịch sử văn hóa khác trong lịch sử hình thành và phát triển của vùng.
Các dân tộc ở đây đều giữ được những nét văn hóa truyền thống riêng có của mình; tạo nên bản sắc độc đáo có sức thu hút với khách du lịch; là điều kiện cho các hoạt động du lịch phát triển.
Một đặc trưng khác của vùng Việt Bắc là hệ thống di tích lịch sử cách mạng gắn với giai đoạn kháng chiến chống Pháp (1941 – 1954), có nhiều giá trị mang tính lịch sử, văn hóa, giáo dục và tâm linh. Những khu ATK Tân Trào, Định Hóa, Chợ Đồn hay các di tích lịch sử như Đông Khê, Thất Khê, Phay Khắt, Nà Ngần, cụm di tích Bác Hồ với chiến dịch biên giới 1950, khu di tích chiến thắng Đông Khê, khu di tích quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo (Cao Bằng) hay căn cứ địa cách mạng Bắc Sơn (Lạng Sơn)… đều là những bảo tàng sinh động, mang ý nghĩa tri ân, giáo dục cao cả cho mọi tầng lớp nhân dân, có giá trị sâu sắc đối với du lịch.
Ngoài ra, địa hình và khí hậu độc đáo, thiên nhiên thuần khiết hoang sơ, núi non trùng điệp tạo ra những cảnh quan tuyệt đẹp và hệ sinh thái hết sức phong phú cũng là điểm cộng lớn cho khu vực Việt Bắc trong việc tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo và hấp dẫn.
Theo Vụ Lữ hành, sự phát triển của ngành Du lịch các tỉnh, thành phố trên địa bàn các tỉnh Việt Bắc đã và đang góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và xuất khẩu tại chỗ; bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, tài nguyên thiên nhiên; tạo nhiều việc làm, nâng cao đời sống nhân dân; đẩy mạnh quá trình hội nhập quốc tế quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam.
Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế, yếu kém. Thực tế cho thấy, đây là địa bàn phát triển muộn hơn, đồng thời cũng là vùng có nhiều khó khăn nhất so với các vùng khác trên cả nước, nên số lượng khách du lịch đến vùng còn hạn chế. Hiệu quả kinh tế du lịch còn khiêm tốn, chiếm tỷ trọng nhỏ trong cơ cấu kinh tế địa phương. Du lịch phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và kỳ vọng của xã hội.
Định hướng thị trường khách du lịch trong xây dựng sản phẩm du lịch vùng Việt Bắc
Theo đại diện Vũ Lữ hành, việc xác định thị trường khách cho một điểm đến du lịch rất quan trọng vì nó không chỉ liên quan đến số lượng nguồn khách đến mà còn liên quan đến việc xây dựng các sản phẩm du lịch phù hợp với nhu cầu, thị hiếu và khả năng thanh toán của khách.
Đối với phát triển sản phẩm và định hướng thị trường cần tập trung xây dựng hệ thống sản phẩm du lịch đặc trưng và chất lượng cao trên cơ sở phát huy giá trị tài nguyên du lịch độc đáo, có thế mạnh nổi trội. Ưu tiên phát triển du lịch phát triển du lịch văn hóa làm nền tảng, phát triển du lịch sinh thái, du lịch xanh, du lịch có trách nhiệm; liên kết phát triển sản phẩm du lịch mở rộng ra toàn vùng Tây Bắc.
Đại diện Vụ Lữ hành cho biết, về định hướng thị trường khách quốc tế, trước mắt cần tập trung khai thác tốt các thị trường truyền thống đến từ Tây Âu (Pháp, Đức, Anh, Hà Lan, Ý, Tây Ban Nha), Bắc Mỹ (Mỹ, Canada); đẩy mạnh việc khai thác thị trường khách du lịch Trung Quốc thông qua các cửa khẩu quốc tế và thị trường khách quốc tế gần đến từ Đông Bắc Á (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc), Đông Nam Á và Thái Bình Dương (Singapore, Malaysia, Inđônêxia, Thái Lan, Úc).
Xác định thị trường mục tiêu với phân đoạn thị trường theo mục đích du lịch và khả năng thanh toán; ưu tiên thu hút khách du lịch có khả năng chi trả cao, có mục đích du lịch thuần tuý, lưu trú dài ngày.
Du khách đến từ các quốc gia Tây Âu và Bắc Mỹ có chung một số đặc điểm là có lối sống duy lý, thích chinh phục, chế ngự và cải tạo thiên nhiên môi trường xung quanh. Đồng thời, họ có lối sống sôi động, thích hoạt động và di chuyển. Nhận thức, tình cảm và hành vi của họ với môi trường và hoạt động du lịch rất tiến bộ. Vì vậy, chi tiêu cho các dịch vụ du lịch nhìn chung đều cao. Đồng thời, yêu cầu và sự đánh giá của họ về chất lượng dịch vụ cũng khe khắt hơn.
"Đối với dòng khách này, cần thiết phải tạo ra sản phẩm du lịch sáng tạo, mới lạ mang lại giá trị trải nghiệm khác biệt nhất cho khách hàng, mang đặc sắc riêng dựa trên thế mạnh và tiềm năng du lịch của vùng. Bổ sung các dịch vụ du lịch liên quan đến vui chơi và giải trí, tìm hiểu và khám phá những điều mới lạ ở nơi du lịch với lịch trình di chuyển hợp lý; chú trọng giới thiệu, quảng bá về hình ảnh điểm đến, mua bán sản phẩm du lịch qua các kênh online", đại diện Vũ Lữ hành cho biết.
Đối với du khách châu Á, theo Vũ Lữ hành, nhìn chung, nhiều quốc gia châu Á phát triển chưa cao. Mức sống của người dân còn thấp, đặc biệt ở các nước khu vực Đông Nam Á. Vì vậy, nhu cầu sử dụng dịch vụ của đa số khách du lịch ở mức trung bình. Khi đi du lịch họ thường tính toán, cân nhắc, tiết kiệm trong tiêu dùng. Họ rất thích đi du lịch cùng gia đình. Vấn đề ăn uống được du khách châu Á rất quan tâm.
Về định hướng thị trường khách nội địa, Vụ Lữ hành cho rằng cần tiếp tục tập trung khai thác thị trường nội địa, tăng cường khai thác thị trường khách cao cấp, đẩy mạnh khai thác thị trường khách đến từ miền Nam và miền Trung. Tập trung các dòng sản phẩm chính như du lịch về nguồn, lịch sử cách mạng.
"Để có thể khai thác tối đa hiệu quả của các giá trị tài nguyên du lịch đặc thù theo các định hướng trên cần đẩy mạnh sự liên kết giữa các địa phương trong việc hình thành rõ nét các tuyến du lịch kết nối các sản phẩm du lịch này, tạo dựng thương hiệu du lịch chung cho vùng trên quan điểm phát triển sản phẩm du lịch liên kết mang tính đặc thù vùng xác định, trong đó mỗi địa phương phải phát huy thế mạnh riêng để tạo nên các sản phẩm du lịch có sự khác biệt, trở thành một mắt xích quan trọng trong một chuỗi sản phẩm hấp dẫn", đại diện Vũ Lữ hành cho hay.
Cũng theo Vụ Lữ hành, về liên kết nội vùng, cần đẩy mạnh phát triển sản phẩm du lịch đặc thù, tập trung theo chuyên đề của từng dòng sản phẩm du lịch, làm nổi bật và định vị các sản phẩm du lịch của vùng, làm mờ ranh giới giữa các địa phương. Sản phẩm du lịch liên kết được xây dựng là sản phẩm tổng hợp, đi qua nhiều điểm đến, kết hợp nhiều trải nghiệm độc đáo, đặc thù của vùng và liên kết được nhiều địa phương cũng như kéo dài được ngày lưu trú trung bình của khách du lịch,
Về liên kết ngoại vùng, chú trọng liên kết phát triển các sản phẩm, các tour du lịch với các tỉnh biên giới của nước bạn Trung Quốc; liên kết với các địa phương trong vùng Đồng bằng sông Hồng và duyên hải Đông Bắc.
Theo Vụ Lữ hành, phát triển du lịch tại vùng Việt Bắc với những tài nguyên tự nhiên và nhân văn hấp dẫn và độc đáo là vô cùng thuận lợi nếu có sự khai thác một cách bài bản, thống nhất giữa các địa phương theo định hướng chung và đảm bảo yêu cầu về phát triển bền vững.
"Du lịch là ngành kinh tế quan trọng của vùng Việt Bắc góp phần tích cực vào xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống cộng đồng địa phương, bảo vệ môi trường tự nhiên sinh thái và các giá trị văn hoá. Song song với việc tạo dựng các sản phẩm du lịch đặc thù, sản phẩm du lịch liên kết đặc trưng, các tỉnh vùng Việt Bắc cần có sự đổi mới toàn diện về nhận thức tư duy về phát triển du lịch, xây dựng chính sách, phát triển kết cấu hạ tầng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Cùng với đó là sự vào cuộc của các Bộ, ban, ngành liên quan, các cộng đồng địa phương trong toàn vùng sẽ tạo động lực mạnh mẽ đưa du lịch Việt Bắc phát triển thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thực hiện mục tiêu Nghị quyết 08-NQ/TW đã đề ra", đại diện Vũ Lữ hành cho hay.