(Tổ Quốc) - Để Thư viện Quốc gia Việt Nam hoạt động có hiệu quả theo đúng chức năng, nhiệm vụ, vị trí, vai trò đã được Nhà nước quy định tại Luật thư viện (2019) và Bộ VHTTDL giao cho, xứng tầm là thư viện trung tâm của cả nước, trong bố cảnh CNTT phát triển nhanh chóng với công cuộc chuyển đổi số quốc gia và ngành thư viện, cần tạo bứt phá thực sự hạ tầng cho việc ứng dụng CNTT như đầu tư hạ tầng đồng bộ, hiện đại; đầu tư các phần mềm, phần cứng chuyên dụng có khả năng quản lý, lưu trữ, xử lý, tích hợp chia sẻ dữ liệu với khối lượng dữ liệu lớn...
Nhiều dự án công nghệ thông tin được triển khai
Xây dựng và phát triển thư viện số là yêu cầu bắt buộc để đáp ứng yêu cầu của xã hội trong kỷ nguyên số. Trong bối cảnh chuyển đổi số quốc gia, đặc biệt là chuyển đổi số ngành thư viện theo Quyết định số 206/QĐ-TTg ngày 11/2/2022 phê duyệt "Chương trình chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" của Thủ tướng Chính phủ, các văn bản chỉ đạo, định hướng phát triển ngành thư viện của Bộ VHTTDL với các mục tiêu rất cụ thể để tiếp tục đưa ngành thư viện Việt Nam có những bước phát triển mới mạnh mẽ hơn, đáp ứng công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng Chính phủ số.
Theo ThS Lê Đức Thắng (Trưởng phòng Tin học, Thư viện Quốc gia Việt Nam), công nghệ thông tin được ứng dụng vào hoạt động của Thư viện Quốc gia Việt Nam khá sớm so với các thư viện tại Việt Nam, bắt đầu từ năm 1986 và được triển khai mạnh mẽ từ năm 2001 đến nay.
Nhiều dự án công nghệ thông tin được triển khai như: Xây dựng hệ thống thông tin thư viện điện tử/thư viện số tại Thư viện Quốc gia (TVQG) Việt Nam; Nâng cao hệ thống thông tin thư viện điện tử/thư viện số tại TVQG và thư viện 61 tỉnh/ thành phố; Nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin thư viện điện tử, thư viện số tại TVQG và hệ thống Thư viện công cộng; Mở rộng và nâng cấp hệ thống thư viện điện tử, thư viện số tại TVQG và hệ thống thư viện công cộng; Tăng cường năng lực tự động hóa tại TVQG; Tăng cường năng lực Thư viện số và bảo quản số tại TVQG.
Đến nay, hạ tầng công nghệ và các phần mềm, ứng dụng chuyên ngành của TVQG đang tiếp tục được hoàn thiện theo hướng hiện đại hơn, làm nền tảng thúc đẩy sự đổi mới cho các hoạt động chuyên môn nghiệp vụ và phục vụ người sử dụng.
Về hạ tầng CNTT cho thư viện số, thông qua các dự án, cơ bản đã xây dựng được hạ tầng kỹ thuật phần cứng phục vụ cho các hoạt động ứng dụng quản lý và thực hiện công tác chuyên môn, nghiệp vụ thư viện.
Về tổ chức, với việc phát triển thư viện số đã giúp TVQG đổi mới được mô hình tổ chức, quản lý và hoạt động thư viện từ hình thức hoạt động truyền thống sang hình thức hoạt động hiện đại, dần từng bước xây dựng thư viện số hiện đại, thư viện thông minh.
Về dữ liệu TVQG đã xây dựng được CSDL thư mục lớn với gần 1 triệu biểu ghi, tài liệu số hóa với các bộ sưu tập chứa gần 170 nghìn tên (tương đương với hơn 10 triệu trang). Đây là nguồn thông tin số hóa quan trọng cho TVQG. Trong công tác phổ biến thông tin: Thư viện số đã giúp TVQG triển khai công tác phổ biến thông tin được thuận lợi hơn, với nhiều hình thức, sản phẩm và dịch vụ đa dạng. Hàng ngày phục vụ hàng chục nghìn lượt sử dụng thư viện và xu hướng truy cập trực tuyến đang ngày càng gia tăng.
Vẫn còn một số khó khăn
Tuy nhiên, ông Lê Đức Thắng cũng chỉ ra những vướng mắc trong thực hiện phát triển thư viện số, chuyển đổi số tại TVQG như: Hạ tầng CNTT của TVQG được đầu tư qua nhiều giai đoạn, nhiều dự án nhưng chưa thật đồng bộ giữa phần cứng và phần mềm. Hiện nay, với yêu cầu bức thiết trong công tác tổ chức thư viện và triển khai các hoạt động chuyên môn, đồng thời trong bối cảnh của CMCN 4.0 và chuyển đổi số hoạt động thư viện, TVQG đang thiếu một loạt các phần mềm chuyên dụng quan trọng chủ lực cần được cấp thiết đầu tư như: Hệ thống quản trị thư viện tích hợp (Integrated Library System); Thay thế cho phần mềm Ilib được sử dụng từ năm 2001, Ilib có tuổi đời trên 20 năm, hiện đã cũ kỹ, lạc hậu, không còn phù hợp với công nghệ hiện tại, không đạt các chuẩn nghiệp vụ về dữ liệu cũng như các tính năng cơ bản, thường xuyên lỗi, trục trặc đã gây nhiều khó khăn cho đơn vị trong công tác xử lý, quản lý, phổ biến thông tin, đặc biệt chưa đảm bảo được vai trò là trung tâm xử lý dữ liệu tập trung, chia sẻ cho thư viện toàn quốc, điều này vô hình chung gây lãng phí nguồn nhân lực và kinh phí hoạt động do các thư viện cả nước do phải bố trí nhân sự thực hiện.
Thiếu các phần mềm hệ thống quản trị thư viện số (Digital Library System); Hệ thống tìm kiếm tập trung (OneSearch; Hệ thống bảo quản số (Digital Preservation System gây khó khăn cho người sử dụng và người làm công tác TV.
Hiện TVQG chưa có các ứng dụng, phần mềm cho hệ thống phân phối, phổ biến thông tin. Ông Lê Đức Thắng cho rằng, các ứng dụng để phân phối, phổ biến thông tin có tầm quan trọng trong bối cảnh hiện nay và tương lai bởi sự phát triển của công nghệ và thói quen của người sử dụng thay đổi nhanh chóng, các công cụ này sẽ giúp thư viện tiếp cận và hỗ trợ người sử dụng khai thác tài nguyên thư viện được dễ dàng, thuận tiện hơn.
Bên cạnh đó, là khó khăn về nguồn nhân lực. "Do yêu cầu của tình hình mới với công cuộc chuyển đổi số, mà chuyển đổi số sẽ tập trung nhiều vào quy trình và công nghệ, đòi hỏi người làm thư viện phải thay đổi, cập nhật về kiến thức, kỹ năng ở mức độ cao hơn, do đó công tác đào tạo và đào tại lại sẽ phải được thực hiện trong thời gian tới. Mặc khác do hạn chế về cơ chế, chính sách, đặc biệt là về tiền lương, hiện tại TVQG không thể thu hút được nguồn nhân lực có chất lượng cao hiểu biết về CNTT và có thể làm chủ được các ứng dụng công nghệ hiện đại"- ThS Lê Đức Thắng thông tin.
Ngoài ra, còn những khó khăn như về tài nguyên thông tin; An ninh, an toàn thông tin, dữ liệu. Theo ông Lê Đức Thắng, thông tin, dữ liệu số hóa chính là một trong những thành phần quan trọng nhất trong thư viện số. Hiện tại TVQG đang lưu giữ một khối lượng tri thức dân tộc rất lớn, để đáp ứng được yêu cầu của xã hội, phục vụ công tác quản lý, điều hành, xây dựng chính sách, nghiên cứu khoa học, học tập... kho tri thức này cần phải được số hóa, tuy nhiên tính đến tháng 10 năm 2022 qua 16 năm triển khai số hóa tài liệu, TVQG mới chỉ thực hiện số hóa được khoảng 5,5% tổng số tên sách và 11,1% tổng số báo, tạp chí hiện có. Như vậy để tạo nguồn dữ liệu cho thư viện số, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, TVQG cần được đầu tư ngân sách và thiết bị để đẩy nhanh công tác số hóa tài liệu, đồng thời bổ sung các nguồn tài nguyên thông tin số hóa có giá trị trong và ngoài nước, làm giàu thêm nguồn tài nguyên thông tin cho Việt Nam.
Với lượng dữ liệu số hóa lớn mà TVQG tự tạo lập trong những năm vừa qua, công tác bảo quản số cần có những biện pháp chuyên nghiệp để bảo quản lâu dài, tránh bị ảnh hưởng bởi sự lỗi thời về công nghệ.
Trong thực tế, chính sách đầu tư của nhà nước cho hoạt động thư viện nói chung và TVQG chưa theo kịp với yêu cầu hiện nay. Ngày nay hoạt động thư viện đang đổi mới mạnh mẽ với việc xây dựng thư viện số thông minh đáp ứng yêu cầu của xã hội, đặc biệt để TVQG thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, đảm bảo đúng vị trí, vai trò của mình là thư viện trung tâm của cả nước, đầu mối tích hợp, chia sẻ dữ liệu, xây dựng Thư viện số quốc gia thì nhất thiết cần có chính sách đầu tư phù hợp, đảm bảo cho sự phát triển của TVQG một cách hiện đại, đồng bộ và có tính bền vững, bao gồm cả chính sách đầu tư hạ tầng và nguồn nhân lực.
Để TVQG hoạt động có hiệu quả theo đúng chức năng, nhiệm vụ, vị trí, vai trò đã được Nhà nước quy định tại Luật thư viện (2019) và Bộ VHTTDL giao cho, xứng tầm là thư viện trung tâm của cả nước, trong bố cảnh CNTT phát triển nhanh chóng với công cuộc chuyển đổi số quốc gia và ngành thư viện, ông Lê Đức Thắng cho rằng, cần tạo bứt phá thực sự hạ tầng cho việc ứng dụng CNTT như đầu tư hạ tầng đồng bộ, hiện đại; đầu tư các phần mềm, phần cứng chuyên dụng có khả năng quản lý, lưu trữ, xử lý, tích hợp chia sẻ dữ liệu với khối lượng dữ liệu lớn; Có chính sách đầu tư trọng điểm để TVQG xây dựng mục lục liên hợp trực tuyến; đầu tư trang thiết bị số hóa, đẩy mạnh việc tạo lập, phát triển các bộ sưu tập số, đổi mới cách thức cung ứng chuỗi dịch vụ thư viện; Phát triển nguồn nhân lực, tạo cơ chế để thu hút nhân lực CNTT có trình độ cao làm việc cho thư viện./.
Vụ Thư viện, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện