• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Cần đưa việc đăng ký di vật, cổ vật, phát triển thị trường mua bán cổ vật thực sự đi vào đời sống

Pháp luật 06/12/2023 16:42

(Tổ Quốc) - TS. Phạm Quốc Quân, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia đã thông tin một số nội dung về đăng ký di vật, cổ vật, thị trường mua bán cổ vật ở nước ta nhằm góp ý cho việc sửa đổi Luật Di sản văn hóa cho phù hợp với tình hình thực tiễn.

Ông khẳng định, Luật Di sản văn hóa Việt Nam năm 2001 và Luật sửa đổi bổ sung năm 2009 đều có đề cập đến các nội dung trên. Tuy nhiên, sau hơn 20 năm thực hiện, vẫn còn nhiều điều đáng được luận bàn với mong mỏi những điều khoản trong Luật Di sản văn hóa nói chung và ở lĩnh vực di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia nói riêng, thực sự đi vào cuộc sống.

Đăng ký di vật, cổ vật chưa được thực hiện nhiều

Hiện nay các quy định đều nêu rõ: "Bảo vật quốc gia phải được đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về văn hóa - thông tin. Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân đăng ký di vật, cổ vật thuộc sở hữu của mình với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về văn hóa - thông tin. Di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia được đăng ký với nhà nước thẩm định miễn phí, hướng dẫn nghiệp vụ và bảo quản và tạo điều kiện để phát huy giá trị."

Điều khoản trên đây, hướng tới những di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc sở hữu tư nhân, và trên thực tế, những bảo vật quốc gia, mấy năm nay, của một số sưu tập tư nhân, được Thủ tướng Chính phủ công nhận, đều đã được đăng ký, trước khi làm hồ sơ, trình các cấp có thẩm quyền xem xét.

Cần đưa việc đăng ký di vật, cổ vật, phát triển thị trường mua bán cổ vật thực sự đi vào đời sống - Ảnh 1.

Một triển lãm Bảo vật Quốc gia Việt Nam tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Ảnh minh họa: Nam Nguyễn

Tuy nhiên, với di vật và cổ vật, dường như việc khuyến khích đăng ký, dù là miễn phí, vẫn chưa thực hiện được bao nhiêu ở các địa phương, cho dù những con số thống kê chưa được công bố cụ thể, công tác quản lý gặp nhiều khó khăn, công tác định hướng phát triển những sưu tập tư nhân còn hạn chế. Điều này dẫn tới tình trạng đào bới cổ vật trái phép, tình trạng lấy cắp cổ vật trong các di tích vẫn diễn ra.

"Đây là vấn đề rất cần được đề cập để giải quyết tận gốc hiện tượng nêu trên trong sửa đổi Luật Di sản văn hóa lần này"- TS Phạm Quốc Quân chia sẻ.

Về bảo vật quốc gia ở Việt Nam, trong Luật Di sản văn hóa và Nghị định, đã có những định nghĩa và khái niệm khá rõ ràng và cụ thể. Tuy nhiên, theo TS Phạm Quốc Quân, trong thực tiễn ở lĩnh vực này, bảo vật của chúng ta nói riêng, ở một số quốc gia nói chung, có những cấp độ giá trị khác nhau, theo đó là những cấp độ quản lý khác nhau, để tạo nên một cách hiểu thấu đáo hơn từ cộng đồng. Vị chuyên gia này đề xuất, bảo vật quốc gia cần có sự phân cấp, theo đó là bằng công nhận bảo vật quốc gia, giống như di tích lịch sử văn hóa, kiến trúc nghệ thuật và danh lam thắng cảnh.

Thị trường cổ vật: Chưa có chuyển biến đáng kể

Theo TS Phạm Quốc Quân, Luật Di sản văn hóa của Việt Nam đã thừa nhận một thị trường cổ vật. Tuy nhiên, sau hơn 20 năm thực hiện, dường như thị trường cổ vật Việt Nam chưa có sự chuyển biến đáng kể.

Cụ thể, những cửa hàng mua bán di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, với mong muốn tạo nên những khu phố đặc thù để giới thiệu và quảng bá bản sắc văn hóa Việt Nam, bản sắc văn hóa vùng, miền để phục vụ cho du lịch, dường như đã không thành công.

Một số nơi tại Hà Nội và TP HCM là tự phát hình thành, không được sự hướng dẫn của cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương, tạo nên những sự lộn xộn trong cách nghĩ, cách làm, không có nhiều sự tuân thủ những điều khoản hướng dẫn của Luật và nghị định.

Cần đưa việc đăng ký di vật, cổ vật, phát triển thị trường mua bán cổ vật thực sự đi vào đời sống - Ảnh 2.

Ấn vàng Sắc mệnh chi bảo. Ảnh minh họa: Nam Nguyễn

Một số chợ đồ cũ tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và một vài địa phương khác, cũng đang có chiều hướng phát triển, nhưng chưa đem lại một bản sắc riêng, như chúng ta đã thấy ở Pháp, ở Anh, ở Trung Quốc và nhiều quốc gia khác.

Việc tổ chức bán đấu giá di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, đâu đó đã được tổ chức ở các địa phương, thông qua những Hội cổ vật ở một số tỉnh, thành phố hoặc một vài câu lạc bộ của những người yêu cổ ngoạn, nhưng thiếu chuyên nghiệp, thiếu bài bản, với một mục đích khiêm tốn để gây quỹ ủng hộ người nghèo và những vùng thiên tai bão lũ.

"Thế nhưng, ngay cả cách làm như thế, gần đây, cũng vắng bóng hoặc thưa thớt" – TS Phạm Quốc Quân chia sẻ.

Dưới góc độ quy định pháp luật, theo TS Phạm Quốc Quân, những điều luật và nghị định chưa thực sự đi vào cuộc sống.

"Tôi có thể đoán chắc rằng, những quy định của nghị định về tiêu chuẩn chủ cửa hàng, tiêu chuẩn về diện tích cửa hàng, về phương tiện trưng bày, bảo quản và bảo vệ của cửa hàng v.v... và phần lớn đều không đạt yêu cầu, quá sập sệ và phản cảm do thiếu sự kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn. Sự lẫn lộn đồ thật, giả trong những cửa hàng còn quá nhiều, do không có sự minh bạch đã được nghị định hướng dẫn cụ thể, nhưng không thực hiện, làm cho thị trường cổ vật thiếu lành mạnh, để thu hút được người chơi và khách tham quan, du lịch, làm mất đi vẻ tao nhã và thanh lịch của một thú chơi đẳng cấp. Mà những cửa hàng, phố hàng cổ vật, hẳn là điểm đến ưa thích, nếu như khang trang và nghiêm ngắn" – TS Phạm Quốc Quân nhận định.

Hay hoạt động đấu giá di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia cũng được Luật và Nghị định thể hiện khá rõ ràng, tuy nhiên, các hoạt động lại thiên về nhất thời, thiếu chuyên nghiệp và bài bản.

"Nếu làm tốt được những sàn đấu giá cổ vật quy mô, thông qua kinh nghiệm đấu giá của những công ty có thâm niên của nước ngoài, những chuyên gia hàng đầu quốc tế, thị trường cổ vật sẽ minh bạch hơn, Nhà nước thu được thuế, những bảo tàng có đủ thông tin để sưu tầm được những cổ vật, di vật, bảo vật có giá trị, mà không mấy băn khoăn về nguồn gốc, xuất xứ..." – TS Phạm Quốc Quân nói./.

T.Linh

NỔI BẬT TRANG CHỦ