(Tổ Quốc) - Phó giáo sư, Tiến sĩ kinh tế, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP. HCM Trần Hoàng Ngân nhận định, cần rà soát xem vì sao giãn cách xã hội đến nay vẫn chưa đạt được hiệu quả như mong muốn để từ đó có phương pháp chống dịch phù hợp với chủng mới Delta. Có như vậy nền kinh tế mới sớm hồi phục.
Mặc dù dịch Covid-19 lan rộng tại một số địa phương trên cả nước từ cuối tháng 4 nhưng GDP 6 tháng đầu năm 2021 vẫn tăng 5,64% đã cho thấy sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự chung sức, đồng lòng của hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân cả nước và lực lượng tuyến đầu chống dịch để kiểm soát dịch bệnh, thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế – xã hội.
Thế nhưng làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát cùng với biến thể Delta nguy hiểm, trước những tác động của dịch bệnh, các dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 của Việt Nam đã giảm xuống còn khoảng 4,5%. Trong báo cáo mới nhất vừa công bố, Ngân hàng Thế giới (World Bank) cũng đã hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 của Việt Nam xuống còn 4,8%. Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, các biện pháp hạn chế đi lại của Chính phủ nhằm kiềm chế đại dịch đã ảnh hưởng đến nền kinh tế trong nước.
Cụ thể, trong tháng 07, doanh số bán lẻ giảm 19,8% so cùng kỳ năm trước, là mức giảm lớn nhất kể từ tháng 04/2020, trong khi Chỉ số sức mua hàng (PMI) cũng giảm đáng kể. Về kinh tế đối ngoại, cán cân thương mại hàng hóa đã chuyển sang thâm hụt trong vài tháng qua, trong khi các nhà đầu tư nước ngoài phần nào thể hiện sự thận trọng. Các chuỗi cung ứng và các khu công nghiệp bị gián đoạn do dịch Covid -19 tái bùng phát trên diện rộng đã buộc các đơn vị xuất khẩu phải tạm thời đóng cửa nhà máy hoặc đình hoãn sản xuất.
"Nền kinh tế Việt Nam liệu có phục hồi vào nửa sau năm 2021 hay không? Điều đó còn tùy thuộc vào kết quả kiểm soát đợt dịch bùng phát hiện nay, hiệu quả triển khai vắc-xin và hiệu suất của các biện pháp tài khóa nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ gia đình bị ảnh hưởng, và để kích thích phục hồi," ông Rahul Kitchlu, Quyền Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho hay.
Từ 12/8 đến 22/8, Ban nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV) và Báo điện tử VnExpress thực hiện khảo sát nhanh về tình hình sức khỏe tài chính của doanh nghiệp trong bối cảnh Covid-19. Khảo sát online này được sự tham gia từ 21.517 doanh nghiệp, hộ kinh doanh cho thấy kết quả 69% (tương đương 14.890 doanh nghiệp) cho biết phải tạm dừng sản xuất, kinh doanh do dịch. Phần lớn đây là các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ. 16% vẫn cố gắng duy trì sản xuất, kinh doanh một phần và còn lại đã giải thể. Số phải dừng kinh doanh do dịch tập trung phần lớn tại TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai. Đây cũng là những địa phương có số ca mắc Covid-19 cao nhất cả nước hiện nay và thực hiện giãn cách xã hội kéo dài.
Ngoài ra, có hơn 21% doanh nghiệp buộc phải đóng cửa do không đáp ứng các yêu cầu phòng dịch. Điều này góp phần làm tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, sản xuất trong nước trầm trọng hơn.
Gần một nửa doanh nghiệp không ước tính được phải tạm đóng trong thời gian bao lâu. Điều này cho thấy họ khá bị động, không thể dự tính được các kế hoạch sử dụng lao động, đặt nguyên vật liệu sản xuất...
Chia sẻ quan điểm về điều này, Phó giáo sư, Tiến sĩ kinh tế, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP. HCM Trần Hoàng Ngân cho rằng, dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp không chỉ trong nước mà cả trên thế giới. Đặc biệt, biến chủng Delta và một số biến chủng khác đang xuất hiện tại một số quốc gia trên thế giới đã gây tổn thất rất nhiều đến con người, đến đời sống kinh tế - xã hội... Đây cũng là nguyên nhân khiến nền kinh tế của Việt Nam bị tổn thương.
Đến nay, dịch bệnh vẫn đang rất căng thẳng, các địa phương trọng điểm như TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Bình Dương, Đồng Nai.... vẫn đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ nên ảnh hưởng của dịch bệnh gây ra cho nền kinh tế trong nước vẫn còn tiếp tục. Không phủ nhận việc hạn chế đi lại đã làm đứt gãy các chuỗi giá trị sản phẩm. Ngoài ra, do một số lượng lớn người lao động tại các tỉnh, đặc biệt là các tỉnh phía Nam đã di chuyển về địa phương nên để khôi phục lại sản xuất cũng phải mất nhiều thời gian. Bên cạnh đó, các ngành khác như: du lịch, dịch vụ... cũng bị ảnh hưởng rất nặng nề trong 2 năm liên tiếp vừa qua.
Thêm một vấn đề quan trọng nữa, đó là do các trung tâm động lực tăng trưởng như: TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Hà Nội... đang giãn cách nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến đầu tư nước ngoài.
"Liệu các doanh nghiệp FDI có tiếp tục lựa chọn Việt Nam làm điểm đến hay không? Đối với các đơn đặt hàng của nước ngoài, họ có tiếp tục chấp nhận để mình gia hạn hay không? Đây là vấn đề hết sức nan giải. Với những hệ lụy trên, tôi cho rằng tăng trưởng cuối năm có thể chỉ đạt 2%-3%. Dù vậy, đây là con số khả quan trong tình hình hiện nay. ", Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân, với chủng mới Delta vô cùng nguy hiểm, Việt Nam cần phải có phương pháp chống dịch hiệu quả hơn. Thậm chí Chính phủ cần ban hành lại các chỉ thị mới trong phòng, chống dịch thay vì áp dụng chỉ thị 15, 16. Phải xây dựng chiến lược với những tiêu chí định lượng rõ ràng: Khi nào thì lockdown, khi nào thì nới lỏng... Bên cạnh đó, chiến lược về y tế dự phòng, vaccine, xét nghiệm, điều trị... cần phải xem xét lại. Để biết được vì sao giãn cách xã hội đến nay vẫn chưa đạt được hiệu quả như mong muốn thì chúng ta phải rà lại tất cả để từ đó tìm giải pháp phù hợp hơn... Có như vậy thì kinh tế mới sớm được phục hồi. ", Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh.
Trước đó, kết luận tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu trước mắt cần ưu tiên cao nhất cho việc sớm kiểm soát dịch bệnh, từng bước khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh ở những nơi bảo đảm an toàn dịch bệnh; xây dựng kịch bản phục hồi, tăng trưởng kinh tế trong điều kiện đã tiêm vaccine bao phủ diện rộng.
Thủ tướng nhấn mạnh phải nghiên cứu kỹ lưỡng, khoa học, bám sát tình hình thực tiễn Việt Nam để chuẩn bị các biện pháp thích ứng an toàn với dịch bệnh. Bởi kiểm soát tốt dịch bệnh là yếu tố quyết định phục hồi kinh tế.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã ký ban hành Quyết định 1447/QĐ-TTg thành lập Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19.